Israel nêu điều kiện ngừng bắn ở Gaza

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu một lần nữa bác bỏ triển vọng về một lệnh ngừng bắn ở Gaza, trong bối cảnh có nhiều thông tin liên quan tới các cuộc đàm phán về một thỏa thuận tạm ngừng bắn giữa quân đội nước này và Phong trào Hamas. Trước đó, theo nguồn tin thân cận với Hamas, các cuộc đàm phán đang được tiến hành để trả tự do cho hàng chục con tin mà Hamas bắt giữ để đổi lấy lệnh ngừng bắn kéo dài 3 ngày ở Gaza.
0:00 / 0:00
0:00
Khói lửa bốc lên tại Dải Gaza sau vụ oanh tạc của Israel ngày 8/11/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khói lửa bốc lên tại Dải Gaza sau vụ oanh tạc của Israel ngày 8/11/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người phát ngôn quân đội Israel-Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari-tuyên bố phong trào Hamas đã mất quyền kiểm soát khu vực phía bắc Gaza khi khoảng 50.000 cư dân tại đây đã di chuyển xuống phía nam. Ông cũng cho rằng sẽ không có lệnh ngừng bắn toàn diện, song Israel đã cho phép ngừng bắn nhân đạo vào những thời điểm cụ thể để cho phép người dân di dời về phía nam.

Các nguồn thạo tin cho biết, Qatar đang làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas, trong đó đề xuất thả 10-15 con tin đang bị giữ tại Dải Gaza để đổi lấy lệnh ngừng bắn trong 1-2 ngày. Qatar là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ Nhà nước Palestine, có các kênh liên lạc công khai với Hamas và cũng là nước đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông.

Ngày 8/11, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đi đầu trong việc thúc đẩy sớm tổ chức hội nghị hòa bình về cuộc xung đột Hamas-Israel. Phát biểu tại Nghị viện châu Âu, ông nói thêm rằng hội nghị sẽ được lấy cảm hứng từ các sáng kiến hòa bình trước đây và các Hiệp định Abraham về bình thường hóa quan hệ giữa các nước Hồi giáo vùng Vịnh với Israel.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho rằng, người Palestine nên quản lý Dải Gaza khi Israel kết thúc chiến dịch chống Phong trào Hồi giáo Hamas. Theo ông Blinken, định hướng tương lai của Dải Gaza sẽ bao gồm “Không tái chiếm đóng Gaza sau khi xung đột kết thúc. Không phong tỏa hay bao vây Gaza. Không thu hẹp lãnh thổ Gaza”. Kế hoạch này phải bao gồm sự quản lý do người Palestine lãnh đạo và việc Gaza hợp nhất với Bờ Tây dưới sự quản lý của Chính quyền Palestine.

Trong cuộc điện đàm ngày 8/11 với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry tái khẳng định sự cần thiết phải xây dựng sự đồng thuận quốc tế được thể hiện trong nghị quyết gần đây của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm kêu gọi một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Dải Gaza. Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chấm dứt tình trạng bi thảm ở Gaza và thực hiện một lệnh ngừng bắn.

Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết nhiên liệu sẽ không được chuyển vào Dải Gaza và không có lệnh ngừng bắn với Hamas nếu hơn 240 con tin bị lực lượng này bắt giữ không được thả. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết, quân đội nước này đang siết chặt vòng vây quanh thành phố Gaza, với mục tiêu xóa sổ lực lượng Hamas đang lẩn sâu trong các đường hầm và căn cứ dưới mặt đất.

Phía Israel thông báo hơn 240 người đã bị bắt cóc và hơn 1.400 người thiệt mạng trong cuộc tấn công bất ngờ của Hamas ngày 7/10. Trong khi đó, Cơ quan Y tế Dải Gaza cho biết, tính đến ngày 8/11, tổng số người thiệt mạng ở dải đất này đã lên tới 10.569, trong đó có 4.324 trẻ em và 2.823 phụ nữ, và hơn 26.000 người khác bị thương.

Hàng nghìn người Palestine đang khẩn trương sơ tán để tránh những đợt đánh bom và giao tranh khốc liệt ở Dải Gaza. Tốc độ sơ tán dân thường từ miền bắc xuống miền nam Dải Gaza được đẩy nhanh khi Israel tăng cường các chiến dịch trên không và trên bộ. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ cho biết khoảng 15.000 người đã sơ tán trong ngày 7/11.

Ngày 9/11, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước tình hình xung đột leo thang tại Dải Gaza, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ:

Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành động tấn công bạo lực nhằm vào dân thường, nhân viên nhân đạo, nhà báo và các cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Trên tinh thần Nghị quyết số ES-10/21 được Đại hội đồng LHQ thông qua tại phiên họp khẩn cấp ngày 27/10/2023, chúng tôi kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, tuân thủ luật pháp quốc tế, tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, bảo vệ dân thường và các cơ sở hạ tầng dân sự, thiết lập hành lang nhân đạo và thả ngay lập tức các con tin đang bị giam giữ.

Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy các bên kiềm chế, đối thoại, giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của LHQ nhằm đạt được giải pháp công bằng, thỏa đáng và lâu dài cho tiến trình hòa bình Trung Đông.