Bộ trưởng Quốc phòng Israel cũng tiết lộ kế hoạch sẽ duy trì quyền kiểm soát an ninh đối với Dải Gaza để giám sát và hành động chống lại các mối đe dọa an ninh nhằm vào quốc gia Do thái.
Nhiều nước trên thế giới tiếp tục lên tiếng kêu gọi ngừng bắn vì lý do nhân đạo, trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Hamas và Israel đã khiến 10.328 người Palestine ở Dải Gaza thiệt mạng.
Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador lên án tình trạng dân thường thiệt mạng, hối thúc các bên tham chiến ngừng bắn ngay lập tức, đồng thời khẳng định Chính phủ Mexico luôn ủng hộ một giải pháp hòa bình thông qua lệnh ngừng bắn toàn diện.
Tương tự, tại cuộc họp của Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoko Kamikawa cho rằng, cộng đồng quốc tế cần hợp tác hướng tới việc tạm ngừng bắn nhân đạo trong cuộc xung đột để cung cấp các nhu yếu phẩm cho dân thường ở Dải Gaza.
Ngày 7/11, Mỹ đã bày tỏ quan điểm phản đối việc Israel chiếm đóng lâu dài Dải Gaza. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nêu rõ: “Quan điểm của chúng tôi là người Palestine phải đi đầu trong các quyết định này và Gaza là đất của người Palestine và sẽ vẫn là đất của người Palestine. Chúng tôi không ủng hộ việc tái chiếm Gaza”.
Trong cuộc điện đàm ngày 7/11, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã thảo luận về tình hình chiến sự ở Dải Gaza cũng như xem xét các nỗ lực ngoại giao khu vực và quốc tế nhằm giảm leo thang xung đột.
Hai nhà lãnh đạo kêu gọi các bên liên quan giải quyết khủng hoảng ở Gaza một cách hòa bình nhằm thực thi giải pháp hai nhà nước và thành lập một Nhà nước Palestine độc lập.
Tại cuộc gặp ở Cairo ngày 7/11, thảo luận với Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns, Tổng thống Ai Cập El-Sisi nhấn mạnh sự cần thiết phải ngừng bắn ngay lập tức để bảo vệ dân thường và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza. Ông Burns tái khẳng định cam kết tiếp tục phối hợp với Ai Cập để giải quyết cuộc khủng hoảng Gaza.
Các nước tiếp tục sơ tán công dân
Người phát ngôn Văn phòng Nhân đạo Liên hợp quốc Jens Laerke ngày 7/11 cảnh báo, các dịch vụ của Gaza sắp đạt đến “điểm giới hạn” do không có nguồn cung cấp nhiên liệu, đồng thời cho biết đến nay không có chiếc xe nào trong số 569 xe tải chở hàng viện trợ tới khu vực này mang theo nhiên liệu.
Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế cho biết, đoàn xe viện trợ nhân đạo của cơ quan này tại Gaza đã bị tấn công ngày 7/11, đồng thời kêu gọi các bên tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, tôn trọng và bảo vệ nhân viên nhân đạo.
Ngày 7/11, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo nước này đã giúp hơn 400 người, bao gồm công dân, thường trú nhân hợp pháp và những người đủ điều kiện khác của Mỹ, rời khỏi Gaza.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Vedant Patel nêu rõ: “Chúng tôi tiếp tục hợp tác với Ai Cập và Israel nhằm hướng tới việc đi lại an toàn cho nhiều công dân Mỹ, các thành viên gia đình của họ và thường trú nhân hợp pháp của Mỹ”. Ông Patel lưu ý số công dân Mỹ có thể rời Gaza nhiều khả năng sẽ tăng lên.
Chính phủ Canada thông báo nhóm công dân đầu tiên của nước này đã rời Gaza. Ottawa cam kết tiếp tục đưa tất cả công dân Canada ra khỏi vùng lãnh thổ này. Bộ trưởng Ngoại giao Canada thông báo, các quan chức Ottawa đã gặp nhóm người trên ở biên giới phía
Ai Cập, hỗ trợ và chăm sóc họ khi vừa vượt qua biên giới.
Nguy cơ khủng bố ở Syria và Iraq
Các lực lượng của Syria và Nga đã tiêu diệt hơn 630 phần tử khủng bố tại tỉnh Idlib sau khi xảy ra vụ tấn công bằng máy bay không người lái hồi tháng trước nhằm vào một học viện quân sự ở miền trung Syria khiến hàng chục người thiệt mạng.
Người đứng đầu Trung tâm Điều phối của Nga tại Damascus và Khu vực miền trung Syria cho biết, quân đội nước này và Syria đã tiến hành các hoạt động truy quét chung, bao gồm hơn 230 cuộc không kích và hơn 900 đợt pháo kích nhằm vào các địa điểm tình nghi là nơi ẩn náu của các phần tử khủng bố.
Theo Đài phát thanh Sham FM ở Syria, tối 7/11, nhiều tiếng nổ lớn đã phát ra từ căn cứ quân sự Mỹ ở mỏ khí đốt tự nhiên Koniko thuộc tỉnh Deir al-Zour, miền đông Syria sau khi căn cứ này bị tấn công bằng tên lửa.
Cùng ngày, giới chức khu tự trị người Kurd tại Iraq thông báo đã xảy ra cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào một căn cứ quân sự tại sân bay Arbil ở khu vực người Kurd, nơi đồn trú của liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu.