Những ngày này, đi trên con đường dọc theo trục chính các xã của huyện Thanh Trì, ai cũng cảm nhận rõ sự đổi thay kỳ diệu của làng quê nơi đây. Đường làng được đổ bê-tông hoặc thảm nhựa, sạch sẽ, khang trang; ao, hồ được cải tạo, kè bờ chắc chắn; môi trường trong xóm ngoài làng xanh, sạch; những bức tranh tường sinh động, vui tươi.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn được cải thiện, nâng cao. Hầu hết các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Chất lượng văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội được nâng cao.
Phong trào văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi động, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân. Điều đáng nói là tỷ lệ thôn, làng, tổ dân phố văn hóa luôn đạt và vượt chỉ tiêu. Huyện có 63 trường đạt chuẩn quốc gia trong tổng số 73 trường, đạt tỷ lệ 86,3%. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch khu vực nông thôn đã đạt 100%. Trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định và giữ vững.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Văn Hưng, sau khi tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, các xã thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Huyện đã hướng dẫn 15 xã rà soát đánh giá mức độ đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Để đạt được mục tiêu đề trên, công tác tuyên truyền vận động nhân dân xã hội hóa, đóng góp kinh phí xây dựng các công trình công cộng được đẩy mạnh, Mặt trận Tổ quốc các xã đã đăng ký thực hiện 123 công trình. Sáu tháng đầu năm 2023, đã có 55 công trình được thực hiện, huy động sự đóng góp của nhân dân trị giá hơn 4 tỷ đồng như: xã hội hóa lắp đặt dụng cụ thể thao, đầu tư các sân bóng đá cỏ nhân tạo, lắp 119 camera an ninh, trồng 576 cây xanh...
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, nhằm hướng tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Thanh Trì đã chỉ đạo các xã rà soát các tiêu chí bắt buộc và lựa chọn của Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các tiêu chí chi tiết cụ thể theo chỉ tiêu thành phần và hoàn thiện hồ sơ minh chứng theo hướng dẫn.
Mặc dù đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao trước kế hoạch hai năm và hiện đang hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tuy nhiên trên địa bàn huyện Thanh Trì vẫn còn một số hạn chế. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường còn chưa đồng bộ.
Việc thu hút nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, chủ yếu vẫn là từ nguồn ngân sách nhà nước; nguồn đóng góp của người dân chưa bảo đảm theo quy định; nguồn xã hội hóa còn thấp. Quy mô sản xuất nông nghiệp còn ít, tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của huyện. Việc thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất nông nghiệp còn khó khăn trong thỏa thuận với dân để thuê đất sản xuất.
Đáng chú ý, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều. Điều đó dẫn đến thu nhập và đời sống của nông dân còn chưa cao, chưa bền vững. Mặt khác, việc đào tạo nghề cho người dân, nhất là các khu vực bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp còn chưa đáp ứng được nhu cầu...
Trong thời gian tới, huyện Thanh Trì lập kế hoạch trình thành phố thẩm định 15 xã đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện cũng tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hướng dẫn các địa phương chăm sóc, thu hoạch lúa, rau màu vụ mùa, gieo trồng hơn 900 ha rau màu vụ đông, phấn đấu năng suất đạt 220 tạ/ha; duy trì vùng sản xuất rau 109 ha theo tiêu chuẩn VietGAP và phát triển các mô hình sản xuất tiên tiến công nghệ cao như: mô hình trồng rau thủy canh; phát triển mô hình sản xuất nhóm hộ có liên kết tiêu thụ sản phẩm rau an toàn theo chuỗi...; chăm sóc 137 ha cam, quất, bưởi tại vùng sản xuất tập trung xã Vạn Phúc theo đúng quy trình kỹ thuật.