Mặc dù chỉ chiếm khoảng 9% diện tích và 20% dân số nhưng vùng Đông Nam Bộ góp phần rất lớn cho sự phát triển đất nước, đóng góp hơn 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 45% tổng thu ngân sách nhà nước.
Vùng còn là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics lớn nhất của cả nước, đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.
Đổi mới cơ chế điều phối vùng
Việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm phát huy vai trò của vùng Đông Nam Bộ trong phát triển kinh tế-xã hội.
Đến nay Quốc hội, Chính phủ và một số bộ, ngành đã tích cực triển khai, như: tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư, kinh doanh trong môi trường kinh tế số và phát triển kinh tế số đang được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng; các quy định pháp luật được rà soát, bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi liên kết cơ quan điều phối trong vùng.
Mặt khác, vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công phân nhiệm rõ ràng, tập trung, dân chủ, phối hợp chặt chẽ gắn với trách nhiệm của từng bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong vùng Đông Nam Bộ và bảo đảm tính khả thi.
Đặc biệt, đó là đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương trong vùng gắn với công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát nhằm phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường của các địa phương trong vùng.
Tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ là tổ chức phối hợp liên ngành, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ.
Mặt khác, Chính phủ thực hiện điều tiết ngân sách của các tỉnh, thành phố trong vùng để các địa phương có nguồn ngân sách đầu tư phát triển các ứng dụng nền tảng số nhằm thúc đẩy chính quyền số.
Tính đến năm 2023, trong sáu địa phương của vùng thì có hai địa phương được tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại (Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai). Với việc điều tiết tỷ lệ ngân sách tăng lên, chi ngân sách địa phương sẽ tăng khá so với năm trước, tạo điều kiện để địa phương có thêm nguồn thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và kết nối vùng.
Sau một năm thực hiện Nghị quyết 24, các thành viên trong vùng Đông Nam Bộ đã tập trung tìm ra các giải pháp căn cơ để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh phù hợp điều kiện của từng địa phương, từng tỉnh, thành phố và không thể tách rời việc nghiên cứu lý luận gắn với thực tiễn.
Từ đó các tỉnh trong vùng đã xác định rõ nhiệm vụ cụ thể, góp phần thực hiện nhiệm vụ chung của toàn vùng mà mục tiêu Nghị quyết 24 đã đề ra.
Những bứt phá
Tại tỉnh Bình Phước, sau một năm thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, mặc dù trong bối cảnh tình hình kinh tế nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết và đã đạt được những kết quả nổi bật.
Kinh tế của tỉnh phục hồi tích cực và tăng cao, ước đạt 7,36%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 4,24%, cao nhất vùng Đông Nam Bộ, đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt sản xuất công nghiệp có xu hướng phục hồi mạnh mẽ; sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá; công tác thu hút đầu tư nước ngoài đạt hiệu quả cao với 31 dự án, số vốn đăng ký hơn 743 triệu USD, vượt gấp 2,47 lần so với kế hoạch năm.
Văn hóa-xã hội có nhiều nét nổi bật, an sinh xã hội được bảo đảm. Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin đạt được kết quả tích cực: Dịch vụ công kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố; xếp hạng thứ 12/63 tỉnh, thành phố về mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2022. Công tác quốc phòng-an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Cùng với hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh được đầu tư đồng bộ và từng bước hiện đại, Bình Phước có các tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 13, 14, ĐT.741 thuận lợi trong kết nối giao thông liên vùng, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, nước bạn Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư.
Dự kiến trong năm 2024 sẽ khởi công đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành; đường cao tốc Bắc-Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước), rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển đến cảng biển, cảng hàng không, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa. Tương lai có đường sắt xuyên Á, hứa hẹn tạo cú huých cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Song song với phát triển hạ tầng giao thông, Bình Phước tập trung hoàn thiện hạ tầng 15 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có 13 khu công nghiệp với diện tích 6.065 ha, đang thu hút đầu tư với tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 68%.
Theo quy hoạch tỉnh đã được các bộ, ngành Trung ương thẩm định, đến năm 2030, tổng diện tích đất khu công nghiệp của tỉnh Bình Phước là 18.105 ha, trong đó có khu công nghiệp Đông Nam Đồng Phú với diện tích 4.200 ha, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hiện nay, giá thuê đất trong khu công nghiệp của tỉnh thấp, khoảng từ 80-100 USD/m2 cho 50 năm, trong khi các tỉnh lân cận có giá khoảng 130-150 USD/m2, đây được xem là lợi thế so sánh rất lớn so với các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cho biết, để thu hút nguồn vốn đầu tư FDI, tỉnh xác định cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó quy hoạch phải thể hiện được rõ định hướng, tầm nhìn phát triển của tỉnh trong dài hạn; sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, đóng vai trò hỗ trợ dẫn dắt để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế; kiểm soát chặt chẽ những dự án đầu tư không phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh và đặc biệt là triển khai hiệu quả ba chương trình đột phá quan trọng về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính.
Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang tạo đà cho sự bứt phá phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ. Với “tư duy mới, đột phá mới, giá trị mới”, các tỉnh trong vùng đang nỗ lực để đạt những mục tiêu, nhiệm vụ thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới.