Dự buổi làm việc có đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội, bộ, ngành và tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại mục tiêu trong quy hoạch tỉnh Sóc Trăng là trở thành tỉnh khá vào năm 2030, là một cửa ngõ chính của đồng bằng sông Cửu Long ra biển Đông thông qua hệ thống hạ tầng giao thông kết nối và cảng Trần Đề, là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics, các dự án năng lượng...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trong thời gian còn lại của khóa này, trên cơ sở kết luận của Trung ương, chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết của Quốc hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành đạt kết quả các chỉ tiêu cao cho năm 2023 và cho cả 2024 để đóng góp cho cả nhiệm kỳ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu, gợi mở vấn đề thảo luận tại buổi làm việc với tỉnh Sóc Trăng. |
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Sóc Trăng tiếp tục đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, bảo đảm kết nối giữa các đô thị động lực với các khu, cụm công nghiệp và dịch vụ, trung tâm đầu mối; gắn kết không gian biển với khu vực đất liền; đẩy nhanh việc triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông kết nối với vùng; đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, quy hoạch chế biến nông sản, kêu gọi đầu tư vào chế biến nông sản-thủy sản…
Sóc Trăng đã nhanh hơn về việc xây dựng quy hoạch, nhưng cũng cần nhanh hơn về triển khai thực hiện, vì “thời gian là lực lượng”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Qua lắng nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh và đại diện một số ủy ban của Quốc hội, bộ, ngành, Chủ tịch Quốc hộI cũng đề nghị Sóc Trăng cần triển khai thực hiện ngay quy hoạch. “Sóc Trăng đã nhanh hơn về việc xây dựng quy hoạch, nhưng cũng cần nhanh hơn về triển khai thực hiện, vì “thời gian là lực lượng””, đồng chí Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh sớm báo cáo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII; nhấn mạnh những quan điểm, định hướng quan trọng của Trung ương về các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là về kinh tế-xã hội và các lĩnh vực, nhằm thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu trình bày báo cáo tại hội nghị. |
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Sóc Trăng tham gia tích cực, hiệu quả hơn vào công tác lập pháp của Quốc hội, nhất là với những dự án luật quan trọng mà Quốc hội sẽ xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ sáu sắp tới như Luật Đất đai (sửa đổi); công tác giám sát tối cao của Quốc hội; chuẩn bị kỹ lưỡng và tổ chức thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo các cấp ủy đảng và người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu.
Bên cạnh đó, Sóc Trăng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chú ý thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, trong đó có quy hoạch cán bộ cho cơ quan dân cử đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc. |
Dịp về thăm, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các thành viên Đoàn công tác, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng và ấn tượng trước sự đổi thay, phát triển của tỉnh.
Theo báo cáo, sau 31 năm tái lập (tháng 4/1992-4/2023), từ một tỉnh thuần nông với xuất phát điểm rất thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, hạ tầng đô thị lạc hậu, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn (tổng sản phẩm nội tỉnh chỉ đạt 1.268 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người khoảng 1,34 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 45 tỷ đồng; có đến 27,7% hộ thiếu đói và 36,7% hộ nghèo).
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại buổi làm việc. |
Với tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh, Sóc Trăng đã có những bước phát triển quan trọng, tiềm lực được kinh tế-xã hội tăng cường, có một diện mạo mới, năng động hơn.
Qua theo dõi tình hình thực tế và báo cáo của tỉnh, ý kiến của các đồng chí trong Đoàn công tác, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao quyết tâm chính trị, nỗ lực phấn đấu của tỉnh đã đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, tiếp tục tăng trưởng và nhấn mạnh thêm một số kết quả nổi bật của tỉnh trong nửa nhiệm kỳ và 9 tháng đầu năm 2023.
Tham gia ý kiến phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo nhiều bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội cũng tập trung lắng nghe những đề xuất, kiến nghị của tỉnh từ tình hình thực tiễn triển khai các công trình, dự án lớn phát triển kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng...
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi làm việc. |
Các đại biểu đề nghị Sóc Trăng cần hết sức khẩn trương, nhanh chóng tập trung các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án trong Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, bảo đảm phù hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Nghị quyết số 81 của Quốc hội.
Thời gian tới, tỉnh cần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, bảo đảm kết nối giữa các đô thị động lực với các khu, cụm công nghiệp và dịch vụ, trung tâm đầu mối; gắn kết không gian biển với khu vực đất liền; đẩy nhanh việc triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng; dự án kết hợp hạ tầng giao thông đồng bộ được đầu tư như cầu Đại Ngãi, tuyến đường bộ ven biển kết nối Trà Vinh-Bạc Liêu, cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; thúc đẩy liên kết vùng, nhất là với các địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với vị trí địa lý thuận lợi và mạng lưới giao thông thủy kết nối với hệ thống giao thông đường bộ khá phát triển, tỉnh Sóc Trăng là đầu mối giao thông quan trọng trong vùng đồng bằng Sông Cửu Long, có nhiều tiềm năng, lợi thế, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển và ven biển, và dịch vụ hậu cần nghề cá, giao thông vận tải, vận chuyển hàng hóa, thương mại-dịch vụ, logistics, du lịch…
Một số đại biểu cho rằng, tỉnh cần quan tâm chuyển đổi tư duy từ “phát triển sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “phát triển kinh tế nông nghiệp” theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, an toàn, hiệu quả, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, sản xuất lúa chất lượng cao.
Một số ý kiến khác cho rằng, tỉnh cần quan tâm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên nước, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn phát biểu tại buổi làm việc. |
Vấn đề ưu tiên khác là chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh; đẩy nhanh tiến độ các dự giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn các chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội...
Đối với một số kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương có ý kiến trao đổi; Văn phòng Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị để gửi tới các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện cho địa phương.
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 của Sóc Trăng đạt 5,76%/năm và trong 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,14%. Giải ngân vốn đầu tư 9 tháng đạt 55% (cao hơn mức 51,38% bình quân chung cả nước).
Môi trường kinh doanh được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tăng từ hạng 54 lên 34, đứng thứ 7 trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 47 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 51.000 tỷ đồng, tăng 4 dự án so với giai đoạn 2017-2019.
Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đi vào nền nếp. Sóc Trăng là địa phương thứ hai (sau Long An) tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.