Hướng đến mô hình trường học hạnh phúc

Triển khai, thực hiện mô hình trường học hạnh phúc là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh trong năm học 2023-2024.
0:00 / 0:00
0:00
Triển lãm tranh vẽ “sắc mầu” của học sinh lớp 10 Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, Quận 10.
Triển lãm tranh vẽ “sắc mầu” của học sinh lớp 10 Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, Quận 10.

Đây là mô hình mang đến cho học sinh những trải nghiệm tốt nhất, tạo niềm vui trong dạy và học cho thầy, trò mỗi khi đến trường.

Để triển khai mô hình trường học hạnh phúc, Trường tiểu học Triệu Thị Trinh (Quận 10) luôn xác định đội ngũ thầy giáo, cô giáo giữ vai trò then chốt trong việc xây dựng trường học hạnh phúc.

Muốn xây dựng được một ngôi trường hạnh phúc, thì trước tiên phải có nền móng vững chắc bằng các lớp học hạnh phúc mà ở đó mỗi khi học sinh đến trường, không mang cảm giác sợ đi học, sợ đến trường, thay vào đó các em cảm thấy hạnh phúc và hứng thú, vui vẻ trong học tập.

Cô Đỗ Thị Mỹ Hòa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Triệu Thị Trinh cho rằng: Tất cả mọi thành viên trong nhà trường đều cộng đồng trách nhiệm để tạo ra sản phẩm của giáo dục là những thế hệ học sinh có phẩm chất, năng lực tốt, biết đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ mọi người và biết đặt lợi ích cá nhân sao cho phù hợp với tinh thần tập thể, cộng đồng xã hội.

Trong đó, nhà trường đặc biệt quan tâm phát huy vai trò xung kích, tích cực đi đầu của lực lượng đoàn viên, thanh niên trong xây dựng trường học hạnh phúc qua phân công giao việc và tổ chức diễn đàn giữa lãnh đạo đơn vị và chi đoàn. Cũng theo cô Đỗ Thị Mỹ Hòa, nhà trường đã từng bước trang bị, hoàn thiện cơ sở vật chất cho các không gian mở trong nhà trường.

Cụ thể, là trang bị thư viện xanh, thư viện mở, khu đọc sách thiên nhiên đã hỗ trợ đắc lực cho việc dạy các tiết hoạt động ngoài giờ chính khóa, hoạt động trải nghiệm, tiết học ngoài trời đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo hướng tích hợp các nội dung giảng dạy theo chủ đề của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các không gian mở trong nhà trường làm cho tập thể sư phạm, các em học sinh thật sự thích thú, hạnh phúc mỗi khi bước vào cổng trường, là nơi sinh hoạt, giao lưu của các thành viên trong nhà trường. Với các giải pháp xây dựng trường học hạnh phúc, nhà trường luôn lấy học sinh làm trung tâm cho tất cả các hoạt động giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu, quyền được học tập, giáo dục, rèn luyện một cách toàn diện.

Qua đó, xây nên hình ảnh ngôi trường luôn hiện diện tình yêu thương, những niềm vui giữa thầy, trò, bè bạn dành cho nhau, không có sự uy quyền, áp đặt một chiều mà là sự an toàn, yêu thương, tôn trọng trong mỗi giờ học.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Minh Tâm, Trường trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi chia sẻ: Nhận thức của các thành viên trong nhà trường về lớp học hạnh phúc còn sơ sài, phiến diện, chưa đầy đủ; và cho rằng lớp học hạnh phúc là làm cho học sinh hạnh phúc là đủ. Thực tế cho thấy, giáo viên không hạnh phúc thì học sinh cũng khó hạnh phúc được.

Những bài giảng của giáo viên hạnh phúc mới thăng hoa, lan tỏa truyền cảm hứng tới học sinh. Những ứng xử của giáo viên hạnh phúc tạo nên một môi trường giao tiếp văn minh. Bài giảng kết hợp với ứng xử của giáo viên hạnh phúc truyền tới học sinh hạnh phúc một cách trọn vẹn.

Xây dựng trường học hạnh phúc, thầy, cô hạnh phúc, học sinh hạnh phúc là nhiệm vụ ý nghĩa mà ngành giáo dục đang quan tâm. Tuy nhiên, như thế nào là trường học hạnh phúc, làm gì để có trường học hạnh phúc, cũng như trường học hạnh phúc cần gì... vẫn luôn là những trăn trở của mỗi thầy giáo, cô giáo, mỗi nhà quản lý giáo dục.

Các chuyên gia cho rằng, ở Việt Nam, việc xây dựng trường học hạnh phúc được quan tâm nhiều kể từ năm 2019, gắn với việc triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam. Để có thể triển khai xây dựng trường học hạnh phúc tại Thành phố Hồ Chí Minh, cần lưu ý một số nội dung; trong đó, cần tiến hành nghiên cứu một cách khoa học, bài bản về mô hình, tiêu chí trường học hạnh phúc để tìm ra mô hình phù hợp với thực tiễn của thành phố.

Đồng thời, cần có sự chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ, liên tục trong toàn ngành giáo dục một cách thường xuyên đi liền với công tác kiểm tra, giám sát và kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Cần có lộ trình cụ thể và từng bước trong quá trình triển khai thực hiện, không “hành chính hóa” và “hình thức hóa” việc xây dựng trường học hạnh phúc mà cần đi sâu vào cốt lõi là cảm nhận hạnh phúc của các lực lượng giáo dục cũng như phụ huynh và học sinh.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Yến, Khoa Giáo dục tiểu học, Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, góc nhìn về phát triển đô thị và phát triển bền vững đặt ra cho ngành giáo dục của thành phố rất nhiều yêu cầu.

Để thực hiện chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, việc triển khai đồng bộ và hiệu quả chủ trương xây dựng trường học hạnh phúc tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, là một trong những khuyến nghị khi bàn về chiến lược đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng nền kinh tế tri thức, kinh tế số tại thành phố.

Xây dựng trường học hạnh phúc sẽ giúp cho cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động, học sinh và phụ huynh nâng cao cảm nhận hạnh phúc; từ đó, tác động tích cực đến đời sống tinh thần của các lực lượng giáo dục, phụ huynh và góp phần gia tăng kết quả học tập của người học.

Ngoài ra, trường học hạnh phúc không thể tách rời khỏi trường học bền vững; vì vậy, cần phát triển mô hình trường học hạnh phúc liên kết mật thiết với các giá trị của trường học bền vững, có thể kết hợp thêm khía cạnh trường học xanh. Việc kết hợp các yếu tố trường học xanh không chỉ giúp cải thiện môi trường học tập mà còn thúc đẩy nhận thức về bảo vệ môi trường và phát triển ý thức tương tác bền vững với thiên nhiên.