ECOWAS đề xuất gặp chính quyền quân sự Niger tại địa điểm trung lập

ECOWAS đề xuất với chính quyền quân sự ở Niger do Tướng Abdurahmane Tchiani đứng đầu tiến hành một cuộc gặp giữa hai bên tại một địa điểm trung lập.
0:00 / 0:00
0:00
Cờ của ECOWAS tại nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này ở Ghana, tháng 3/2022. (Ảnh: Reuters)
Cờ của ECOWAS tại nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này ở Ghana, tháng 3/2022. (Ảnh: Reuters)

Ngày 27/8, Ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) Abdel-Fatau Musah cho biết khối này đã đề xuất với chính quyền quân sự ở Niger do Tướng Abdurahmane Tchiani đứng đầu tiến hành một cuộc gặp giữa hai bên tại một địa điểm trung lập.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al Jazeera có trụ sở tại Qatar, ông Musah nói: "Chúng tôi đã đề xuất với lãnh đạo của hội đồng quân sự Niger gặp nhau tại một địa điểm trung lập".

Theo ông Musah, ECOWAS cũng yêu cầu chính quyền quân sự Niger trả tự do cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum, coi đó như một cử chỉ thiện chí. Ông Musah nhấn mạnh ECOWAS không vội lựa chọn phương án quân sự để giải quyết khủng hoảng ở Niger, tuy nhiên tổ chức này chưa thấy bất kỳ bước đi cụ thể nào từ phía chính quyền quân sự.

Trước đó, sau cuộc họp với các nhà lãnh đạo quân sự của ECOWAS tại Ghana ngày 18/8 vừa qua, ông Musah cho biết khối này đã xác định thời gian cụ thể tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự vào Niger nhưng chưa công bố chính thức.

Cuối tháng 7 vừa qua, một nhóm sĩ quan thuộc Lực lượng cận vệ của Tổng thống Niger đã tiến hành đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum. Lực lượng đảo chính đã thành lập Hội đồng quốc gia bảo vệ tổ quốc, đứng đầu là Tướng Abdurahmane Tchiani, để điều hành đất nước.

Sau cuộc đảo chính, ECOWAS đã áp đặt trừng phạt Niger và đang xem xét các phương án nhằm "khôi phục trật tự hiến pháp" ở nước này, bao gồm cả khả năng can thiệp quân sự, song vẫn cam kết tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.

Ngày 19/8, Tướng Abdurahmane Tchiani tuyên bố giai đoạn chuyển tiếp ở quốc gia Tây Phi này sẽ không kéo dài quá 3 năm, đồng thời cảnh báo các nước bên ngoài không được can thiệp quân sự vào tình hình Niger.