Tiền Giang nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu

Tiền Giang được mệnh danh là vương quốc trái cây với hơn 82.300 ha, sản lượng 1,65 triệu tấn trái/năm. Nhiều loại nông sản được xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga... Tuy vậy, tỉnh vẫn không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nông sản để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Chế biến dưa hấu tại Công ty cổ phần công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang (huyện Chợ Gạo).
Chế biến dưa hấu tại Công ty cổ phần công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang (huyện Chợ Gạo).

Những năm qua, ngành trồng cây ăn trái tỉnh Tiền Giang liên tục tăng diện tích và sản lượng. Cơ cấu chủng loại chuyển dần theo hướng tích cực, hình thành vùng chuyên canh, vùng trồng tập trung với sản lượng lớn cung cấp cho thị trường.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn cho biết, sản xuất cây ăn trái của Tiền Giang ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng. Nông dân từng bước ứng dụng khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất, từ đó áp dụng thành công điều khiển ra hoa theo ý muốn nhiều loại cây ăn quả như: Xoài, sầu riêng, thanh long, nhãn, cây có múi, chôm chôm…

Đây là lợi thế rất lớn cho sản xuất trái cây nghịch vụ và có điều tiết hợp lý mùa vụ để bán được giá cao và dễ tiêu thụ.

Toàn tỉnh Tiền Giang có 210 doanh nghiệp thu mua sơ chế, bảo quản, đóng gói và chế biến trái cây.

Việc ứng dụng công nghệ cấp đông IQF, bảo quản lạnh, nhất là cấp đông nhanh bằng khí Nitơ đã giúp kéo dài thời gian bảo quản nhưng chất lượng không thay đổi, giúp doanh nghiệp xuất khẩu nông sản bằng đường thủy ngày càng tăng, góp phần giảm tổn thất trong quá trình bảo quản và vận chuyển cũng như trữ nông sản trong thời điểm vụ chính sản lượng thu hoạch nhiều.

Diện tích trồng cây ăn trái được chứng nhận GAP là hơn 3.600 ha, trong đó, diện tích còn hạn chứng nhận khoảng 1.800 ha. Tính đến thời điểm hiện tại, Tiền Giang được cấp 279 mã số vùng trồng cây ăn trái, diện tích hơn 20.200 ha, chiếm 30,8% diện tích cây ăn trái cho sản phẩm.

Tỉnh đã xác định các vùng trồng tập trung theo đề án điều chỉnh Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2030; đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía bắc Quốc lộ 1; các đề án phát triển cây ăn trái chủ lực (thanh long, sầu riêng) theo hướng tập trung chuyên canh, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, phát triển các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới nâng cao năng suất, chất lượng.

Mặc dù trái cây là sản phẩm chủ lực của tỉnh Tiền Giang, nhưng thế mạnh này chưa được phát huy và khai thác đúng mức do diện tích sản xuất còn quy mô nhỏ lẻ, chất lượng trái chưa cao, phẩm chất trái không đồng đều.

Tư duy và trình độ sản xuất của một số nông hộ chưa đáp ứng kịp với các ứng dụng sản xuất mới, theo công nghệ cao; hàm lượng khoa học-công nghệ trong sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Thị trường của một số loại trái cây chủ yếu là Trung Quốc cho nên còn tiềm ẩn nguy cơ biến động về giá.

Mức độ liên kết giữa các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ chưa chặt chẽ; chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động thương lái, nhà đầu tư nước ngoài, nhà vườn liên doanh góp vốn đầu tư sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ.

Trong sáu tháng đầu năm 2023, tình hình xuất khẩu trái cây ở Tiền Giang khá thuận lợi, nhất là khi Trung Quốc mở cửa thị trường nhập khẩu trở lại vào ngày 8/1/2023. Kim ngạch xuất khẩu rau quả của tỉnh đạt khoảng 22 triệu USD và vượt hơn 57% so với năm 2021.

Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm tươi như: Sầu riêng, thanh long, mít...; sau đó là các sản phẩm chế biến từ xoài, dứa, rau, củ...

Giám đốc Sở Công thương Lưu Văn Phi cho biết, về các sản phẩm chế biến, thị trường xuất khẩu chủ yếu là: Hà Lan, Australia, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc… Riêng trái cây tươi như thanh long, mít, sầu riêng, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chủ yếu, chiếm hơn 80% các loại trái cây tươi của tỉnh.

Thời gian qua, Tiền Giang nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại qua các kênh truyền thống như: Tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; tổ chức gặp gỡ các kênh phân phối lớn như các chợ đầu mối, siêu thị trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp bán sỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội các doanh nghiệp nước ngoài, cả qua kênh các doanh nghiệp kiều bào và sàn giao dịch thương mại điện tử.

Sáu tháng đầu năm 2023, Tiền Giang tham gia 7 sự kiện thương mại lớn trong nước để quảng bá và giới thiệu các sản phẩm OCOP và đặc sản của tỉnh.