Triển vọng trong hoạt động tiêu thụ nông sản

Sở Công thương thành phố vừa phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng chương trình "1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP"; thương hiệu nông sản Cần Giờ và Sàn giao dịch thịt heo thành phố. Ðây là bước khởi đầu quan trọng trong việc xây dựng và thúc đẩy phát triển các thương hiệu sản phẩm nói chung và sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố nói riêng, định vị giá trị thương hiệu tại thị trường trong nước và quốc tế…
0:00 / 0:00
0:00
Chế biến yến sào tại một hợp tác xã ở huyện Cần Giờ.
Chế biến yến sào tại một hợp tác xã ở huyện Cần Giờ.

Ký kết hướng tới hiệu quả

Theo Sở Công thương thành phố, việc ký kết này là nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn thành phố, chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố, chương trình Kết nối cung-cầu hàng hóa giữa thành phố và các địa phương khác. Ðồng thời, cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa thành phố và các tỉnh, thành phố khác giai đoạn 2023-2025; phát huy vai trò của thành phố trong kết nối, xây dựng chuỗi cung ứng, thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng tuần hoàn, phát triển bền vững.

Với việc hợp tác xây dựng chương trình "1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP", Công ty TNHH Tiki (sàn thương mại điện tử Tiki) và Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chia sẻ các thông tin phù hợp về danh mục các sản phẩm OCOP, sản phẩm trọng tâm, chủ lực của thành phố và các tỉnh, thành phố khác trong chương trình liên kết vùng. Cùng với đó, thực hiện nghiên cứu thị trường, khảo sát khách hàng về mức độ hiểu biết về sản phẩm OCOP, nhu cầu, thị hiếu, những rào cản hiện tại của khách hàng khi tìm, mua các sản phẩm OCOP. Song song đó, các bên xây dựng khung chương trình, với các giá trị, mục tiêu, các nhóm nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp, công cụ tương ứng, để thực hiện các nhiệm vụ của chương trình… Mục tiêu của việc hợp tác là tạo môi trường, cơ chế, hệ thống công cụ hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP có thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm đến được với người tiêu dùng cả nước thông qua thương mại điện tử…

Cụ thể trên từng thương hiệu

Với việc xây dựng thương hiệu nông sản Cần Giờ, sàn thương mại điện tử Tiki và các bên liên quan sẽ thực hiện nghiên cứu thị trường, khảo sát khách hàng về mức độ hiểu biết về sản phẩm, các nhu cầu, thị hiếu, các rào cản hiện tại của khách hàng khi tìm, mua sản phẩm, tìm hiểu nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Cùng với đó, xây dựng, triển khai các chương trình quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ đặc sản Cần Giờ thông qua thương mại điện tử; tiến tới xây dựng thương hiệu quốc tế, phát triển kênh xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế lớn cho Cần Giờ nói riêng và thành phố nói chung. Qua đánh giá bước đầu của các sở, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp cho thấy, yến sào Cần Giờ là sản phẩm có tiềm năng lớn nhất, phù hợp để thí điểm xây dựng thương hiệu nông đặc sản của thành phố trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, Cần Giờ có nhiều điều kiện thuận lợi để nghề nuôi và chế biến yến sào phát triển, đưa yến sào trở thành một thương hiệu lớn của thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung. Theo các chuyên gia, sản phẩm yến sào có giá trị cao, mang lại giá trị kinh tế lớn. Vì vậy, xây dựng thành công hệ sinh thái nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu yến sào Cần Giờ sẽ đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế thành phố; đồng thời giúp người dân nói riêng, thành phố nói chung nâng cao đời sống và làm giàu.

Còn với thị trường thịt heo, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam sẽ hợp tác với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố để xây dựng sàn giao dịch thịt heo. Các bên sẽ nghiên cứu xây dựng và vận hành sàn giao dịch thịt heo tại thành phố theo hình thức hợp đồng giao dịch giao ngay và hợp đồng giao dịch kỳ hạn đối với sản phẩm thịt heo. Việc thành lập và phát triển sàn giao dịch thịt heo thành phố sẽ dựa trên cơ sở hạ tầng của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam. Sàn giao dịch thịt heo thành phố sẽ vận hành theo phương thức tiên tiến, sử dụng công nghệ hiện đại, tương thích và có thể liên thông thị trường hàng hóa thế giới; đồng thời, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, thực trạng chăn nuôi và kinh doanh thịt heo trên địa bàn thành phố, khu vực phía nam… Mục tiêu của việc xây dựng sàn giao dịch thịt heo thành phố là góp phần tái cơ cấu và chuẩn hóa quy trình chăn nuôi, chế biến, sản xuất mặt hàng thịt heo; hỗ trợ thực hiện chủ trương quy hoạch và đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở giết mổ công nghiệp; nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Nguyên Phương cho biết thêm: Việc hợp tác này sẽ hình thành môi trường kinh doanh theo phương thức hiện đại, thông minh, bảo đảm công bằng và minh bạch, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ được quyền lợi của người chăn nuôi và người tiêu dùng; giảm chi phí trung gian, góp phần ổn định nguồn cung ứng và giá cả hợp lý mặt hàng thịt heo cho người tiêu dùng, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố ■