Cảm tác từ truyện cổ tích quen thuộc “Cây tre trăm đốt”, vở kịch thiếu nhi “Bí mật trăm đốt tre” của tác giả-đạo diễn Huỳnh Lập khiến người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác vì sự đầu tư rất lớn từ cảnh trí, trang phục tới đạo cụ. Khởi diễn từ tháng 6, đây là vở mở màn cho chuỗi kịch thiếu nhi “Truyện thần tiên” tại Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh (Quận 10).
Vở kịch quy tụ dàn nghệ sĩ, diễn viên hùng hậu với cách biến tấu vui nhộn, lạ mắt. Ban đầu, sân khấu này dự kiến sẽ biểu diễn tầm 17-20 suất nhưng vì nhu cầu thưởng thức của khán giả quá lớn nên lịch diễn gia hạn liên tục. Đến thời điểm hiện tại, số vé khán giả đặt đã kéo dài đến tháng 10 với tổng cộng gần 40 suất diễn.
Suất diễn nào của “Bí mật trăm đốt tre” cũng trong tình trạng hết vé từ rất sớm. Có khán giả đi xem 5-7 lần với gia đình vì quá yêu thích các nhân vật. Nhận phản hồi tích cực từ phía người xem, nghệ sĩ Minh Nhí, Giám đốc Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh thấy phấn khởi vô cùng.
Khi bàn ý tưởng cho vở kịch thiếu nhi đầu tiên của sân khấu, nghệ sĩ Minh Nhí cùng ê-kíp hết sức đắn đo. Làm kịch từ truyện cổ tích nhìn thì dễ chứ để làm hay, tạo ấn tượng là cả bài toán nan giải. Muốn sống động, một vở cần vài chục diễn viên, trang phục của từng vai phải thật đẹp, đạo cụ hoành tráng, sân khấu chuyển động không ngừng. Do đó, cần sự đầu tư rất lớn về tài chính lẫn tâm huyết.
Theo nghệ sĩ Minh Nhí, cái khó của việc đưa truyện cổ tích vào kịch và diễn trên sân khấu là làm sao giúp người xem hình dung rõ cốt truyện, ý nghĩa nhưng không thấy nhàm chán. Yêu cầu này đòi hỏi rất nhiều sáng tạo, đổi mới.
Làm cho thiếu nhi phải chịu đầu tư chứ đơn giản quá thì không cách gì hấp dẫn được các em.
Cảnh trí phải phù hợp với từng lớp diễn, trang phục giúp tôn lên nhân vật, tất cả các khâu phải tỉ mỉ.
Cả phần âm nhạc, chúng tôi cũng mời nghệ sĩ sáng tác riêng để mọi thứ khớp với nhau. Diễn cho thiếu nhi chủ yếu trên tinh thần vui vẻ, không cần quá bi kịch, miễn sao giúp các cháu hiểu cốt truyện.
Nhưng yếu tố quan trọng nhất là phải tạo nhiều bất ngờ, sự cuốn hút để các cháu và gia đình tập trung theo dõi từ đầu đến cuối vở diễn.
Nghệ sĩ MINH NHÍ - Giám đốc Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh
Chính thức ra mắt từ giữa tháng 7, đến nay kịch ca nhạc thiếu nhi “Ve Ve, Chành Chành và Hai cục bướu” (cảm tác từ truyện cổ tích “Hai cô gái và cục bướu”) đang là vở diễn bán vé “chạy” nhất tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (Quận 3).
Đây là vở diễn có mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của sân khấu kịch tương tác này. Điểm khác biệt giúp vở kịch này được đánh giá cao chính là sự xuất hiện của các diễn viên nhí bên cạnh những nghệ sĩ, diễn viên quen thuộc.
Bên cạnh đó, sự biến tấu mang màu sắc thần tiên kết hợp với phần vũ đạo bắt mắt và những ca khúc sáng tác riêng cho vở kịch giúp các thông điệp được truyền tải nhẹ nhàng, bay bổng hơn.
Không còn đóng khung bối cảnh làng quê Việt vốn đã quá quen thuộc trong kho tàng truyện cổ tích, “Ve Ve, Chành Chành và Hai cục bướu” tạo ra một không gian thần tiên với những tên làng ngộ nghĩnh cùng sự xuất hiện của gần 30 nhân vật được tạo hình theo phong cách giả tưởng, bắt mắt và gần gũi với khán giả nhỏ tuổi.
Vẫn là câu chuyện về cách đối nhân xử thế, lòng hiếu thảo hay sự bao dung, giúp đỡ lẫn nhau nhưng ở vở kịch này, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ đã có nhiều cách làm sáng tạo trong gần hai tiếng tương tác để các thông điệp được tiếp cận theo hướng nhẹ nhàng, thú vị nhất.
Qua tạo hình và cách thể hiện của từng nhân vật, khán giả nhí biết rõ thế nào là đúng/sai, phải/trái, đâu là tấm gương nên noi theo trong cuộc sống hằng ngày.
Khi đầu tư vở diễn này thực sự chúng tôi cũng lo vì sân khấu nhỏ, làm không khéo rất khó phô diễn hết sự hoành tráng của trang phục hay vũ đạo.
Thực sự may mắn là những biến tấu, sáng tạo của ê-kíp được mọi người đón nhận nhiệt tình. Điều chúng tôi thấy hài lòng nhất là vừa mang lại tiếng cười, vừa lồng ghép những bài học giá trị đến các em nhỏ.
NSƯT MỸ UYÊN - Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ
Diễn viên Bảo Chu, đạo diễn vở “Ve Ve, Chành Chành và Hai cục bướu” cho biết, kinh nghiệm có được từ thành công của vở kịch ca nhạc “Đại náo Long cung” giúp anh mạnh dạn hơn trong việc đầu tư đất diễn cho từng nhân vật.
Khi số lượng diễn viên tham gia biểu diễn lần này tăng gấp đôi so với bình thường, việc tạo ra đất diễn để từng nhân vật tỏa sáng là không hề đơn giản. Diễn viên nhiều mà không tạo ra dấu ấn riêng sẽ dễ nhạt nhòa, mất tính liên kết cho cả vở kịch. Có diễn viên đảm nhận cùng lúc nhiều vai, áp lực không hề nhỏ.
Vậy nên rất cần những yếu tố hỗ trợ đắc lực như lời thoại, trang phục, vũ đạo và âm nhạc. Sợ đi vào lối mòn khiến người xem thấy chán, Bảo Chu chủ động lồng ghép vào nhiều kỹ thuật, hiệu ứng giúp các lớp diễn sống động, kết nối liên tục với hàng loạt yếu tố bất ngờ. Chính sự phá cách trong tạo hình, diễn xuất đã tạo nên dấu ấn cho vở kịch ca nhạc - giáo dục độc đáo này.