Cạnh tranh công nghệ quyết liệt, cần khắc phục những rủi ro tiềm ẩn từ các nền tảng AI

Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục chứng kiến cuộc đua khốc liệt giữa các hãng công nghệ lớn, với hàng loạt mô hình AI có các tính năng vượt trội ra đời. Tuy vậy, những rủi ro tiềm ẩn từ công nghệ mới này đòi hỏi các công ty công nghệ phải thật sự thận trọng và phát huy tinh thần trách nhiệm trong xây dựng, phát triển sản phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
"Gã khổng lồ" công nghệ Google đang thử nghiệm một chương trình AI chuyên biệt cho lĩnh vực y tế. Ảnh: google.com
"Gã khổng lồ" công nghệ Google đang thử nghiệm một chương trình AI chuyên biệt cho lĩnh vực y tế. Ảnh: google.com

Mới đây, "gã khổng lồ" công nghệ Google đang thử nghiệm một chương trình AI chuyên biệt cho lĩnh vực y tế, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh với đối thủ Microsoft ngày càng trở nên gay gắt. Chatbot với tên gọi Med-PaLM 2 được phát triển trên cơ sở của PaLM 2, mô hình ngôn ngữ lớn tiên tiến nhất của Google.

Theo đó, Med-PaLM 2 được cho là có thể đưa ra các câu trả lời về chuyên ngành y tế có chất lượng vượt trội hơn so với các chatbot thông thường khác như Bing của Microsoft và ChatGPT của OpenAI.

Trong khi đó, Meta và Microsoft cũng thúc đẩy hợp tác để phát triển Llama 2, một mô hình AI ngôn ngữ lớn hướng tới cả mục đích thương mại và nghiên cứu.

Để tăng sức nóng cho cuộc đua công nghệ, đơn vị điện toán đám mây của Amazon cũng cho ra mắt công nghệ nhằm giúp các công ty khác phát triển công cụ chatbot riêng và dịch vụ tạo hình ảnh bằng AI.

Sự ra mắt của sản phẩm ChatGPT của OpenAI hồi tháng 11/2022 đã mở đường cho cuộc canh tranh gay cấn trong giới công nghệ.

Không thể phủ nhận đây là một hướng phát triển đầy triển vọng cho các hãng công nghệ, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của các công ty này khá ảm đạm do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế và sự thay đổi thói quen sử dụng mạng của khách hàng sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.

Cùng với sự nóng dần của cuộc đua AI, kết quả kinh doanh của các "đại gia" công nghệ xuất hiện những tín hiệu khả quan hơn.

Tập đoàn công nghệ Alphabet, công ty mẹ của Google, cho biết doanh thu trong quý I năm nay đạt gần 70 tỷ USD, cao hơn mức dự báo 60 tỷ USD của các nhà phân tích, trong khi lợi nhuận ròng đạt 15 tỷ USD.

Kết quả kinh doanh của tập đoàn Microsoft trong quý I/2023 cũng làm hài lòng các nhà đầu tư, với lợi nhuận đạt 18,3 tỷ USD trên tổng doanh thu là 52,9 tỷ USD, chủ yếu là nhờ doanh thu từ các sản phẩm đám mây và AI.

Những lợi ích mà AI mang lại cho xã hội là không thể phủ nhận, nhưng ngày càng có nhiều lời cảnh báo về các rủi ro tiềm tàng của công nghệ mới này, kéo theo sự siết chặt quản lý của các quốc gia.

Mới đây, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần đầu họp để bàn về các nguy cơ từ việc phát triển AI. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, những ứng dụng của AI trong cả lĩnh vực quân sự và phi quân sự đều có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh toàn cầu. Ông Antonio Guterres kêu gọi tất cả các quốc gia khẩn trương thực hiện các biện pháp cần thiết để kiểm soát công nghệ này.

Bảy công ty công nghệ lớn, trong đó có OpenAI, Alphabet và Meta, mới đây cam kết phát triển một hệ thống gắn dấu nhận biết tất cả những nội dung từ văn bản, hình ảnh, âm thanh tới video do AI tạo ra để người dùng được minh bạch thông tin.

Khi các nhà lập pháp trên toàn thế giới tập trung xem xét những cách thức giảm nguy cơ từ AI, các công ty công nghệ lớn đã có những động thái cho thấy nỗ lực mang đến các sản phẩm an toàn hơn cho người dùng.

Bảy công ty công nghệ lớn, trong đó có OpenAI, Alphabet và Meta, mới đây cam kết phát triển một hệ thống gắn dấu nhận biết tất cả những nội dung từ văn bản, hình ảnh, âm thanh tới video do AI tạo ra để người dùng được minh bạch thông tin.

Các công ty của Mỹ cũng công bố thành lập diễn đàn mang tên Frontier Model Forum có chức năng giúp giảm những rủi ro phát sinh từ các nền tảng AI cũng như xây dựng tiêu chuẩn về ngành này.

Theo giới phân tích, trong vài năm tới, thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến cuộc chạy đua về công nghệ AI, một cuộc đua "hao tài tốn của" cho các tập đoàn công nghệ.

Trong bối cảnh đó, để con người thật sự làm chủ công nghệ, cần có sự vào cuộc của cả các chính phủ và các công ty trong lĩnh vực này nhằm cung cấp cho người dùng những sản phẩm an toàn hơn.