Bắc Ninh thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn

Nhất quán mục tiêu chiến lược hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư, phát triển các mô hình sản xuất có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên của địa phương là xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến và chú trọng đẩy mạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn...
0:00 / 0:00
0:00
 Mô hình nông nghiệp tuần hoàn của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm (huyện Lương Tài).
Mô hình nông nghiệp tuần hoàn của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm (huyện Lương Tài).

Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn là chu trình khép kín, chất thải và phế phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình khác. Điều này giúp sử dụng tài nguyên tiết kiệm, giảm đến mức thấp nhất thất thoát sau thu hoạch và giảm ô nhiễm môi trường. Bám sát Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, tỉnh Bắc Ninh đã tích cực triển khai, trong đó, đã hình thành các mô hình nông nghiệp tuần hoàn khá hiệu quả.

Những tín hiệu lạc quan

Trang trại tổng hợp của gia đình anh Trần Xuân Phòng (ở phường Quế Tân, thị xã Quế Võ) là một trong những mô hình nông nghiệp tuần hoàn tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh hiện nay. Mô hình có tổng diện tích hơn 12 ha, với các hoạt động chính như: chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy sản và trồng cây ăn quả. Chất thải từ nuôi lợn sẽ được tận dụng triệt để làm phân bón hữu cơ cho cây trồng, nuôi bèo, cung cấp thức ăn cho cá và cá sẽ quay trở lại làm thức ăn cho chăn nuôi. Qua đó, bảo đảm việc chăn nuôi an toàn, thân thiện với môi trường và sức đề kháng của vật nuôi cũng được nâng cao.

Theo anh Phòng, việc áp dụng chu trình khép kín đã giúp mỗi năm thu về gần 300 tấn nông sản, nhưng chi phí thức ăn cho vật nuôi và phân bón cho cây trồng lại rất tiết kiệm. Bởi vậy, lợi nhuận đạt cao hơn nhiều so với trước đây.

Tại huyện Tiên Du, mô hình trồng cỏ, nuôi bò, giun quế của gia đình ông Trịnh Bá Biện (xã Lạc Vệ) cũng là một điển hình về sự hiệu quả trong áp dụng chu trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Ông Biện cho biết: Mô hình nuôi 30 con bò, mỗi ngày thải ra hơn hai tạ chất thải rắn. Tận dụng nguồn thải đó, gia đình xây dựng khu chuồng nuôi giun quế và giun quế lại là nguồn thức ăn cho cá, gia cầm; còn chất thải từ giun quế được sử dụng để trồng cỏ, làm thức ăn cho đàn bò... Nhờ đó, chúng tôi tiết kiệm được hơn 80% chi phí đầu vào, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm (huyện Lương Tài) cũng là doanh nghiệp nông nghiệp hiệu quả nhờ áp dụng chu trình tuần hoàn. Theo ông Nguyễn Xuân Bằng-Giám đốc công ty, trong bối cảnh giá vật tư tăng cao, nông nghiệp tuần hoàn là một giải pháp nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả cho người sản xuất. Doanh nghiệp Hồ Gươm sản xuất nấm và cây tía tô. Phế phẩm trồng nấm sau thu hoạch được thu gom và xử lý bằng công nghệ vi sinh thành phân bón hữu cơ dùng cho cây tía tô (chuyên để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản). Phế phụ phẩm của tía tô sau mỗi lần thu hoạch, sơ chế đều được thu gom vào bể chứa, sử dụng chế phẩm sinh học để ủ, làm phân bón. Quy trình này đã tạo ra nguồn phân bón hữu cơ không những tốt cho cây trồng, mà còn giúp công ty giảm nhiều chi phí.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, ngành đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển kinh tế tuần hoàn. Hiện tại trên địa bàn tỉnh còn có nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn hiệu quả khác như: trồng lúa, nấm, sản xuất phân hữu cơ; trồng cỏ kết hợp nuôi bò; chăn nuôi bò, trùn quế, cỏ, ngô, cây ăn quả; gia súc, gia cầm, cá; mô hình lúa, cá, các mô hình VAC tổng hợp…

Tạo hướng đi cho nông nghiệp tuần hoàn

Mặc dù đem lại lợi ích thiết thực, tuy nhiên việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở Bắc Ninh vẫn còn khiêm tốn, chiếm tỷ trọng chưa cao. Nhằm hướng đến nền nông nghiệp xanh, hiệu quả và bền vững, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó bao gồm nông nghiệp tuần hoàn. Cụ thể, Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 19, tập trung hỗ trợ: giá giống cho các vùng sản xuất lúa năng suất cao, chất lượng cao tập trung; kinh phí mua phân bón hữu cơ; đổi mới trang thiết bị, tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp; xây dựng nhà lưới, nhà màng, nhà kính; mua máy móc phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, OCOP…

Cuối tháng 5/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh phối hợp Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: Giải pháp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Tại Diễn đàn, các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông… đến từ Trung ương và địa phương đã thảo luận, phân tích những thuận lợi, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn; cung cấp thông tin về các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới; đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong xây dựng và nhân rộng các mô hình. Trên cơ sở đó, đưa ra giải pháp phù hợp, hiệu quả, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại địa phương, ông Vũ Thái Ninh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Bắc Ninh cho biết: Thời gian tới, cùng với triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của tỉnh, Trung tâm sẽ tích cực chuyển giao khoa học-kỹ thuật về nông nghiệp tuần hoàn; đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về nội dung này. Mặt khác, nghiên cứu, đề xuất chính sách đặc thù nhằm khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn cho cả nông hộ và doanh nghiệp tham gia tái chế chất thải, phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn…■