Ông Wan Noor cho biết, quyết định được ông đưa ra sau khi tham vấn các quan chức pháp lý của Hạ viện và cố vấn của mình. Các chuyên gia đều cho rằng nếu Quốc hội vẫn tiến hành bỏ phiếu bầu Thủ tướng theo dự kiến vào ngày 27/7 thì rất có thể sẽ gây ra những rắc rối khi Tòa án Hiến pháp đưa ra phán quyết sau đó.
Ông Wan Noor cho biết thêm, còn một lý do khác để hoãn cuộc họp chung giữa hai viện Quốc hội là có nhiều nghị sĩ lo ngại rằng, nếu cuộc họp kéo dài có thể khiến họ không kịp quay trở lại các tỉnh để dự lễ mừng sinh nhật Nhà Vua và Hoàng hậu Thái Lan.
Dự kiến, phiên họp chung để bầu Thủ tướng sẽ được đưa trở lại chương trình nghị sự của Quốc hội sau khi có phán quyết của Tòa án Hiến pháp.
Trước đó, Văn phòng Thanh tra quốc gia Thái Lan ngày 24/7 ra thông báo cho biết, đã yêu cầu Tòa án Hiến pháp xem xét tính hợp hiến trong quyết định của Quốc hội về việc bác bỏ tư cách tái ứng cử chức Thủ tướng của lãnh đạo đảng Tiến bước (MFP) Pita Limjaroenrat.
Thanh tra quốc gia Thái Lan cũng đề nghị tòa án ra lệnh cho Quốc hội tạm dừng tiến trình bỏ phiếu bầu Thủ tướng cho tới khi có phán quyết về việc tái đề cử ông Pita, với lý do là để ngăn chặn những thiệt hại không thể khắc phục có thể xảy ra nếu tiến trình bỏ phiếu vẫn tiếp diễn.
Theo ông Keerop Kritteeranont, Tổng Thư ký Văn phòng Thanh tra quốc gia Thái Lan, cơ quan này đã nhận 17 đơn kiến nghị phản đối quyết định của Quốc hội bác bỏ việc tái đề cử lãnh đạo đảng Tiến bước Pita Limjaroenrat vào vị trí Thủ tướng, và cho rằng quyết định này vi phạm quyền hiến định của họ.
Trong số những đơn kiến nghị này, do một số nghị sĩ và người dân gửi tới, có đề xuất tạm hoãn cuộc bỏ phiếu bầu Thủ tướng trong thời gian chờ phán quyết của Tòa án. Sau khi xem xét, Văn phòng Thanh tra quốc gia Thái Lan đã đồng ý tiếp nhận và chuyển vụ việc lên Tòa án Hiến pháp để cơ quan này đưa ra phán quyết.
Theo lịch trình dự kiến trước đây, ngày 27/7 tới, Quốc hội Thái Lan sẽ tiến hành một phiên họp chung để bỏ phiếu bầu Thủ tướng mới với ứng cử viên dự kiến do Pheu Thai, đảng lớn thứ hai trong liên minh tám đảng thắng cử do MFP dẫn đầu, đưa ra. MFP đã đồng ý để Pheu Thai đưa ra ứng cử viên Thủ tướng của mình và thành lập chính phủ sau khi Quốc hội bác bỏ tư cách tái tranh cử của ông Pita hôm 19/7.
Tại phiên họp này, các nghị sĩ phản đối việc tái đề cử ông Pita giải thích rằng điều 41 quy định của Quốc hội cấm tái đệ trình một vấn đề đã bị bác bỏ trong cùng một kỳ họp quốc hội, trong đó bao gồm cả việc tái đề cử ông Pita. Trong khi đó, những người ủng hộ ông Pita khẳng định, việc ông Pita được tái đề cử không phải là một vấn đề chung và không nằm trong phạm vi của Điều 41.