Những tấm gương người cao tuổi làm kinh tế giỏi

“Tuổi già nhưng trí không già”, hàng trăm nghìn người cao tuổi trên địa bàn Hà Nội vẫn đang say sưa, tích cực tham gia nghiên cứu, lao động sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, đóng góp cho kinh tế Thủ đô và đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Những tấm gương người cao tuổi làm kinh tế giỏi của Thủ đô chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay.
Những tấm gương người cao tuổi làm kinh tế giỏi của Thủ đô chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay.

Năm nay đã bước sang tuổi 76 nhưng PGS, TS Nguyễn Thị Chính (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển nấm Linh Chi) vẫn say sưa nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, đem lại doanh thu hằng năm hơn 15 tỷ đồng.

Bà cũng đã dành hầu hết các kết quả nghiên cứu ứng dụng về nấm chuyển giao cho cộng đồng, nhất là nông dân và các trang trại để đưa vào sản xuất hiệu quả. Bà Chính bày tỏ: “Tôi không nghĩ tuổi cao rồi thì phải nghỉ ngơi. Còn sức khỏe, còn tinh thần, còn minh mẫn thì người cao tuổi vẫn có thể theo đuổi đam mê, sở thích và có những đóng góp tích cực cho xã hội”.

Cũng đã ở cái tuổi lên chức ông bà, nhưng ông Đỗ Hạnh Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Ký (phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây) vẫn điều hành doanh nghiệp. Dưới sự quản lý của ông, mỗi năm công ty đạt doanh thu hơn 20 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 100 lao động trên địa bàn.

Trên địa bàn Thủ đô hiện có gần 158 nghìn người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế. Trong đó, 16.040 người làm kinh tế giỏi các cấp, 9.178 người cao tuổi là chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ hộ kinh doanh cá thể ở địa phương. Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Nguyễn Anh Tuấn cho biết, 5 năm qua, phong trào thi đua “Người cao tuổi nêu gương sáng xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng” trên địa bàn đã thu hút hàng chục nghìn người cao tuổi tham gia. Tổng doanh thu 5 năm qua của người cao tuổi làm kinh tế giỏi đạt hơn 307.249 tỷ đồng; thu hút, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hơn 76.800 lao động.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, gần 10 nghìn người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động sản xuất, mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như phát triển kinh tế trang trại. Nhiều hộ gia đình người cao tuổi có doanh thu từ 200 triệu đến hàng chục tỷ đồng/năm.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp-xây dựng, có hơn 3.200 người cao tuổi là chủ các doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh, là những nghệ nhân, người cao tuổi tâm huyết với làng nghề. Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, có 2.784 người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi... Người cao tuổi làm kinh tế giỏi còn tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo, giúp đỡ người nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở địa phương với tổng giá trị trong giai đoạn 5 năm đạt hơn 61 tỷ đồng…

Tuy nhiên, hiện công tác hỗ trợ cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng đối với người cao tuổi còn hạn chế. Đơn cử như hiện còn quy định khống chế độ tuổi và quy mô sản xuất, kinh doanh, người cao tuổi khó có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, cho nên chưa động viên được đông đảo người cao tuổi tham gia phong trào xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

Thời gian tới, Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố tiếp tục xác định mục tiêu hàng đầu là “Phát huy tối đa vai trò, kinh nghiệm của người cao tuổi tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, việc làm, kinh tế, chính trị của đất nước phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu, khả năng; thực hiện đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của người cao tuổi”.

Giai đoạn 2022-2025, phấn đấu ít nhất 50% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm, được hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp. Hộ gia đình người cao tuổi có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Lê Hồng Sơn đã yêu cầu các cấp Hội Người cao tuổi trên địa bàn tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ người cao tuổi, là cầu nối, tạo điều kiện để người cao tuổi giúp nhau đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Những tấm gương người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi, những mô hình kinh tế hay cần được phổ biến, nhân rộng để không chỉ những người cao tuổi khác mà các thế hệ sau cũng cùng nhau học tập, hăng hái thi đua, đóng góp cho Thủ đô và đất nước.t