Hội thảo khoa học quốc tế về Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng

NDO - Trong 2 ngày từ 30/6 đến 1/7, tại thành phố Đồng Hới, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình phối hợp Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị Di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trong xu thế hội nhập và phát triển bền vững”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới (5/7/2003-5/7/2023).

Tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, UNESCO, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển tại Việt Nam, tỉnh Khăm Muộn (Lào) và các nhà khoa học trong nước, thế giới.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế trao đổi, thảo luận những kết quả đã đạt được, và các hạn chế, thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Qua đó, các đại biểu đưa ra các ý tưởng, giải pháp và đề xuất chính sách để nâng cao hiệu quả công tác quản trị Di sản, quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản để phát triển bền vững.

Hội thảo khoa học quốc tế về Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Thắng nhấn mạnh, quá trình kiến tạo vỏ trái đất hơn 450 triệu năm trước đã dày công tạo cho Quảng Bình một Phong Nha-Kẻ Bàng với những giá trị đặc sắc, độc đáo về địa chất, địa mạo, hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Nơi đây có rừng Bách xanh đá hơn 500 năm tuổi; có các loài cá và bò sát lưỡng cư mới được phát hiện. Đặc biệt, có hàng nghìn hang động lớn nhỏ, trong đó có hơn 400 hang động được khảo sát, nổi bật như: Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới, động Phong Nha có sông ngầm dài nhất thế giới, động Thiên Đường có thạch nhũ kỳ ảo, độc đáo nhất thế giới…

Với những giá trị vô giá của nhân loại, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã 2 lần được tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Trải qua 20 năm bảo tồn, phát huy Di sản, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã trở thành biểu tượng du lịch không chỉ riêng của Quảng Bình mà của cả Việt Nam và đã vươn tầm thế giới; khơi nguồn cảm hứng bất tận về bảo vệ, phát huy Di sản và khám phá những giá trị còn ẩn giấu của vùng đất Quảng Bình “địa linh nhân kiệt.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Thắng

Hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng không chỉ là Di sản thiên nhiên quý hiếm cần được bảo vệ, gìn giữ, mà còn là nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Hội thảo khoa học quốc tế về Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng ảnh 2

Ông Michel Croft, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo này, tỉnh Quảng Bình mong muốn các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tiếp tục giải mã những vấn đề, những giá trị còn tiểm ẩn của Di sản thiên nhiên thế giới để tiếp tục có các giải pháp bảo tồn và phát huy bền vững.

Tỉnh Quảng Bình cam kết và khẳng định sẽ làm hết sức mình để bảo tồn và khai thác Di sản một cách hợp lý, hiệu quả, bền vững, đúng pháp luật và tuân thủ Công ước quốc tế; hợp tác chặt chẽ với Vườn quốc gia Hin Nậm Nô, tỉnh Khăm Muộn (Lào) để liên kết, hợp tác, phát triển quần thể danh thắng và du lịch độc đáo của khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Tiếp đó, Hội thảo đã nghe các nhà khoa học, chuyên gia, diễn giả trình bày báo cáo về định hướng phát triển bền vững Di sản thế giới theo quan điểm của UNESCO; kết quả 20 năm khám phá hang động tại Quảng Bình của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh; khai thác du lịch Di sản Phong Nha-Kẻ Bàng theo hướng phát biểu bền vững; các tham luận kinh tế, kỹ thuật trong các lĩnh vực: quản lý Di sản văn hóa, địa chất, địa mạo, lâm nghiệp, đa dạng sinh học và du lịch...

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong, những ý tưởng, gợi mở, hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ được lãnh đạo tỉnh tiếp thu, nghiên cứu, trên cơ sở đó lựa chọn để đưa vào trong chương trình, kế hoạch, đề án bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng gắn với thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.