Thông tin mới

Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai phối hợp Tổng cục Thể dục-Thể thao vừa tổ chức khai mạc Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XIII, khu vực II năm 2023. Hội thi diễn ra từ ngày 18/6 đến 23/6.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn vận động viên tỉnh Gia Lai tham gia Hội thi.
Đoàn vận động viên tỉnh Gia Lai tham gia Hội thi.

Năm nay, Hội thi quy tụ gần 500 vận động viên của 13 địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực phía nam từ thành phố Đà Nẵng trở vào gồm: Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Phước, Gia Lai, Quảng Nam, Kon Tum, Khánh Hòa, Đắk Nông, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Đắk Lắk và Quảng Ngãi. Tại hội thi, các vận động viên tranh tài ở 7 môn gồm: việt dã, bóng đá nam, bóng chuyền nam-nữ, bắn nỏ, cà kheo, đẩy gậy và kéo co.

Đây là dịp để các vận động viên là người dân tộc thiểu số giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thi đấu; qua đó thúc đẩy mạnh mẽ Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số Kon Tum

Trong tháng 6 và 7 năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ truyền dạy văn hóa phi vật thể về nghề truyền thống đan lát của dân tộc Brâu và xây dựng Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc Ba Na vùng di dân tái định cư thủy điện tại thôn Đăk Mút, xã Đăk Mar (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum).

Hoạt động bồi dưỡng tập trung phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số; bảo tồn, phát huy nghề truyền thống đan lát của dân tộc Brâu…

Ban tổ chức cũng tập huấn về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Ba Na gắn với phát triển du lịch tại địa phương và thành lập Câu lạc bộ; tổ chức hoạt động truyền dạy về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc Ba Na tại thôn Đăk Mút; tổ chức ra mắt Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian của đồng bào Ba Na tại thôn Đăk Mút.

Canh tác cà-phê thích ứng biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên

Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc ảnh 1

Canh tác cà-phê thông minh thích ứng biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết hiện nay ở Tây Nguyên.

Tại Đắk Lắk, Trung tâm khuyến nông quốc gia, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền vừa tổ chức Hội nghị triển khai chương trình Canh tác cà-phê thông minh thích ứng biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên, giai đoạn 2023-2025.

Tây Nguyên là vùng sản xuất cà-phê trọng điểm chiếm 92% diện tích cả nước. Chương trình sẽ được thực hiện tại 5 tỉnh Tây Nguyên với 15 huyện trọng điểm trồng thuần và trồng xen cà-phê với sầu riêng, hồ tiêu.

Quá trình thực hiện sẽ có thí nghiệm chuyên sâu, điều tra thực tế trên 500 hộ canh tác, phân tích 200 mẫu đất ở các tầng canh tác, trong các vườn cây già cỗi, vườn cây kinh doanh sung sức… để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến quá trình canh tác cà-phê hiện tại, dự báo cho 3 năm tới, cũng như tìm hiểu về hệ sinh học của đất.

Chương trình hướng đến mục tiêu xây dựng được quy trình canh tác cà-phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu áp dụng cho từng tỉnh vùng Tây Nguyên, giúp người dân sản xuất cà-phê bền vững, giảm giá thành, tăng thu nhập cho người dân và các đối tác tham gia trong chuỗi sản xuất cà-phê.

Liên Khương sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cảng hàng không Liên Khương (Lâm Đồng) sẽ trở thành một trong 14 cảng hàng không quốc tế của cả nước.

Theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương có quy mô sân bay cấp 4E, công suất thiết kế dự kiến khoảng 5 triệu hành khách/năm, diện tích hơn 340ha, chi phí đầu tư khoảng 4.591 tỷ đồng.

Định hướng đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế này có quy mô sân bay cấp 4E, công suất thiết kế dự kiến khoảng 7 triệu hành khách/năm, diện tích hơn 486ha, chi phí đầu tư tăng thêm khoảng 3.157 tỷ đồng. UBND tỉnh Lâm Đồng giao các sở liên quan và UBND huyện Đức Trọng theo chức năng nhiệm vụ nghiên cứu, quán triệt, phổ biến và thực hiện Quy hoạch theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm liên quan.