Nhắc đến các xã Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Sơn… là nhắc đến những điểm sáng về thoát nghèo, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao và nỗ lực xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện nhiệm vụ được giao về xây dựng lực lượng và giúp người dân vùng khó trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, bảo vệ biên cương của Tổ quốc, Đoàn KT-QP 337 đã có những việc làm ý nghĩa thiết thực trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân. Trước đây, kinh tế gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu tự cung, tự cấp, ít có sản phẩm trao đổi, buôn bán cho nên đời sống còn khó khăn.
Năm 2010, sau khi nghiên cứu kỹ thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng, Đoàn KT-QP 337 đã đưa cây dong riềng vào trồng thí điểm tại thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng (Hướng Hóa) trước khi nhân rộng ra các hộ gia đình ở các bản, làng. Qua thí điểm cho thấy, cây dong riềng phù hợp điều kiện tự nhiên ở đây nên cây phát triển tốt, ít công chăm sóc, cho năng suất, chất lượng cao.
Từ những mảnh đất hoang hóa, bạc màu, các chiến sĩ bộ đội cùng với bà con dân bản đã cải tạo thành vùng chuyên canh trồng cây dong riềng. Sản phẩm miến dong Trường Sơn được chế biến từ cây dong riềng đến nay đã có thương hiệu, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Bà Hồ Thị Bàn, ở thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng phấn khởi chia sẻ: Bộ đội đã hướng dẫn cho bà con dân bản cách trồng, chăm sóc, thu hoạch cây dong riềng, rồi thu mua sản phẩm của người dân. Nhờ vậy mà người dân có thêm thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Chúng tôi biết ơn các chú bộ đội nhiều lắm!
Trung bình mỗi năm Đoàn KT-QP 337 thu mua khoảng 800 tấn dong riềng, với giá dao động từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg. Bình quân năng suất đạt từ 30 đến 35 tấn/ha, cho thu nhập từ 75 triệu - 80 triệu đồng đã giúp bà con nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững. Theo kế hoạch trong năm 2023, Đoàn KT-QP 337 sẽ giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Hướng Hóa mở rộng diện tích trồng cây dong riềng thêm 30ha nữa…
Đoàn KT-QP 337 thường xuyên bám địa bàn, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp người dân phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống và xây dựng nông thôn mới.
Để hỗ trợ các hộ gia đình thuộc diện khó khăn ở miền núi, ngoài cung cấp bò, dê, lợn giống, Đoàn KT-QP 337 còn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng một số cây, con phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương cho các hộ gia đình đưa vào sản xuất, chăn nuôi.
Từ nguồn giống hỗ trợ, giúp đỡ của Đoàn KT-QP 337 nhiều hộ gia đình đã vươn lên có cuộc sống khá giả, có của ăn, của để, mua sắm các trang thiết bị phục vụ đời sống gia đình, có điều kiện chăm lo cho con cái đến trường học tập...
Tiêu biểu trong công tác xóa nghèo là hộ gia đình anh Hồ Văn Mừng, ở thôn Trăng-Tà Puồng, xã Hướng Việt; anh Hồ Văn Diệp, ở thôn Miệt, xã Hướng Linh. Bình quân mỗi hộ gia đình có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Anh Hồ Văn Diệp cho biết: Nhờ các chú bộ đội hỗ trợ bò giống đưa vào chăn nuôi từ những năm trước, đến nay gia đình đã có đàn bò hơn 10 con. Thu tiền từ bán bò và sản phẩm cây trồng, gia đình đã xây lại ngôi nhà, mua sắm vật dụng trong gia đình và đầu tư cho con cái học hành.
Trong những năm qua, Đoàn KT-QP 337 đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người dân và được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
Đoàn KT-QP 337 đã triển khai xây dựng 4 mô hình chăn nuôi cho 660 hộ gia đình; 4 mô hình trồng trọt cho 1.075 hộ gia đình trên địa bàn 5 xã; tổ chức 23 lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho hơn 1.500 lượt người dân.
Theo đó, triển khai 45 đợt cấp hỗ trợ cây, con giống cho người dân tham gia các mô hình chăn nuôi, trồng trọt của dự án trên địa bàn; nhân rộng mô hình thâm canh cây lúa nước với diện tích 33 ha… Nhờ vậy đến nay đã có hơn 60% số hộ gia đình tham gia dự án thoát nghèo bền vững.
Đại tá Uông Đình Tân, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 337 cho biết: Đơn vị đóng quân trên địa bàn đã đón nhận tình cảm, đùm bọc, yêu thương của đồng bào các dân tộc ở huyện miền núi Hướng Hóa và tỉnh Quảng Trị. Điều đó thể hiện được sự gắn bó khăng khít giữa quân với dân trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn vùng sâu, vùng xa. Chúng tôi rất vui mừng khi cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, đói nghèo từng bước được đẩy lùi…
Qua đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội đã có nhiều mô hình, cách làm hiệu quả của Đoàn KT-QP 337 được nhân rộng như: “Chi bộ đảng giúp đỡ 1-2 hộ gia đình khó khăn trên địa bàn”, “Đội sản xuất kết nghĩa thôn, bản”, phong trào “Đỡ đầu, nuôi dưỡng các cháu mồ côi”...
Đứng chân trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, Đoàn KT-QP 337 đã giúp người dân từng bước xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu và xây dựng nông thôn mới. Những việc làm có ý nghĩa thiết thực đã từng bước đem lại cuộc sống ổn định, tạo thành “thế trận lòng dân” vững chắc; góp phần xây dựng vùng biên giới huyện miền núi Hướng Hóa ổn định về chính trị, xã hội, vững mạnh về quốc phòng, an ninh và phát triển về kinh tế.