Với chủ đề "Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội", Giải Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 41 có 279 tác phẩm của 18 đơn vị báo chí thành phố tham dự vòng sơ khảo, trong đó 184 tác phẩm đã được chọn vào vòng chung khảo.
Kết quả có 65 tác phẩm xuất sắc nhất được được trao giải, gồm 5 giải nhất, 14 giải nhì, 21 giải ba và 25 giải khuyến khích theo 5 nhóm thể loại gồm: Nhóm 1 (tin, ảnh báo chí); nhóm 2 (chính luận); nhóm 3 (phim tài liệu, phóng sự, điều tra, ký báo chí); nhóm 4 (phỏng vấn, tường thuật, ghi nhanh); nhóm 5 (công trình tập thể).
Theo đánh giá của hội đồng giám khảo, các tác phẩm báo chí dự giải năm nay đã bám sát chủ đề, phản ánh chân thực tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; phản ánh rõ nét sự đoàn kết chung tay khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, hướng tới một thành phố năng động, sáng tạo, văn minh, nghĩa tình.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trải qua 98 năm, Báo chí Cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam nói chung.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại buổi lễ trao giải. |
Nhiều tác phẩm báo chí phản ánh chân thực, sinh động nhiều mặt của đời sống xã hội, lan tỏa hình ảnh nghĩa cử cao đẹp, điển hình tiên tiến, đề xuất các giải pháp thiết thực, hoàn thiện các chính sách, đem lại đời sống tốt hơn cho nhân dân.
Giải báo chí lần này nhằm tôn vinh những thành quả hôm nay của đội ngũ người làm báo đã tạo ra nhiều giá trị cao quý thể hiện qua từng tác phẩm báo chí.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục là vũ khí sắc bén, xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, đấu tranh, lên án các thông tin sai trái…
Các cơ quan báo chí cần phát huy tinh thần mắt sáng, lòng trong, bút sắc trong công tác phòng chống tham nhũng; tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Người làm báo cũng cần trang bị cho mình sự nhạy cảm chính trị, ý thức chính trị, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia mạnh mẽ vào công việc chuyển đổi số để có những tác phẩm báo chí hay đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.