Bảo tồn và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản ở Bình Dương

Cứ mỗi độ tháng 5, mùa trái chín ở những vườn cây ăn trái đặc sản ở thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương (vườn cây ăn trái Lái Thiêu) luôn sôi động và tấp nập du khách. Năm nay, mùa trái chín ở đây còn vui hơn khi trái măng cụt Lái Thiêu được mùa, được giá.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội "Lái Thiêu mùa trái chín" thu hút nhiều người dân, du khách đến tham quan và mua trái cây.
Lễ hội "Lái Thiêu mùa trái chín" thu hút nhiều người dân, du khách đến tham quan và mua trái cây.

Bên sông Sài Gòn mát mẻ và trong lành, những vườn cây trĩu quả luôn rộn ràng tiếng nói, tiếng cười trong không khí tất bật thu hoạch trái cây để bán cho thương lái của những người làm vườn. Tại xã An Sơn, bà Trần Ngọc Đăng, Tổ trưởng Tổ hợp tác thu mua măng cụt xã An Sơn phấn khởi cho biết, năm nay măng cụt vừa trúng mùa vừa được giá giúp người trồng bội thu. Kế cận xã An Sơn, tại phường An Thạnh, ông Tôn Thất Tú có vườn cây măng cụt khoảng một héc-ta đã hơn 100 năm tuổi, mỗi năm cho thu nhập hơn 500 triệu đồng chia sẻ, giá măng cụt ở vùng đất này luôn ngon hơn và có giá hơn ở những nơi khác, năm nay trái măng cụt được mùa được giá đã mang đến niềm vui cho người trồng.

Không riêng gì xã An Sơn, trên trục đường ĐT 745 từ thành phố Thuận An hướng về Thành phố Hồ Chí Minh, những ngày tháng 5 này, hai bên đường luôn nhộn nhịp cảnh người mua, người bán. Nhìn những giỏ mít tố nữ, chôm chôm, dâu, nhất là măng cụt được người mua chọn lựa, chất lên xe rất nhộn nhịp, vui tươi. Không ít người dân nhiều nơi, nhất là khách du lịch đổ về đây chỉ để trực tiếp thưởng thức các loại trái cây đặc sản, tươi rói, mà nhà vườn vừa hái xuống. Nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh khi đến mùa trái chín vào tháng 5 luôn đưa gia đình đến vườn cây Lái Thiêu để thưởng thức trái cây tươi và hít thở không khí trong lành, mát mẻ của nhà vườn. Trái măng cụt Lái Thiêu có vị ngọt thanh, đậm đà, có sự khác biệt và ngon hơn so với trái cùng loại trồng ở những vùng đất khác.

Nằm ven sông Sài Gòn, vườn cây thành phố Thuận An có truyền thống lâu đời, hình thành hơn 150 năm và nổi tiếng với thương hiệu “vườn cây ăn trái Lái Thiêu” đã tạo nên ấn tượng cho nhiều khách trong và ngoài nước mỗi khi đến tỉnh Bình Dương. Hiện nay, vườn cây Lái Thiêu còn khoảng 1.006ha trồng phổ biến các loại cây ăn quả như măng cụt, sầu riêng, dâu, bòn bon, mít tố nữ..., chủ yếu tập trung ở bốn xã, phường: An Sơn, An Thạnh, Hưng Định, Bình Nhâm với tổng diện tích 948,6ha; trong đó 600ha diện tích trồng măng cụt và trái măng cụt Lái Thiêu đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể từ lâu.

Để có vườn cây ăn trái như hôm nay, những năm trước đây, do tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường đã làm cho các vườn cây ăn quả đặc sản ở thành phố Thuận An bị suy thoái, già cỗi, phần nào đã làm giảm thu nhập, giảm sức hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Trước tình hình đó, tỉnh Bình Dương đã quyết liệt từng bước khôi phục lại vườn cây trái danh tiếng và lợi ích kinh tế của vườn cây Lái Thiêu. Thông qua việc hỗ trợ người trồng cây và đầu tư hệ thống đê bao dài hàng chục kilômét và khai thông, nạo vét các công trình thủy lợi quanh vùng chuyên canh cây ăn trái, giúp vườn cây không thiếu nước, không nhiễm mặn, ngập úng. Nhờ vậy, vườn cây Lái Thiêu đã xanh trở lại và có được những mùa bội thu.

Nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc giữ gìn vườn cây, bảo tồn các giống cây ăn quả và hướng đến mục tiêu khôi phục lại thương hiệu “vườn cây ăn trái Lái Thiêu” đã gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận An, thời gian qua thành phố Thuận An đã tổ chức Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín”. Thông qua lễ hội, thành phố mong muốn tăng cường liên kết, tiếp tục duy trì, phát triển vườn cây ăn trái đặc sản của địa phương một cách bền vững.

Thiết nghĩ, bảo tồn, phát triển và khai thác có hiệu quả lợi thế từ các vườn cây ăn quả đặc sản ven sông, bảo vệ môi trường sinh thái, kết hợp khai thác các di sản văn hóa, làng nghề truyền thống phục vụ người dân và du khách là việc cần làm. Để vườn cây ăn trái Lái Thiêu phát triển bền vững, thật sự là “lá phổi xanh” cho thành phố Thuận An, cho vùng và khu vực, cần tiến hành rà soát lại hiện trạng, đánh giá các tác động ảnh hưởng vườn cây ăn trái và ngành du lịch để đưa ra các giải pháp phát triển vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái nhà vườn trên địa bàn thành phố Thuận An. Chú trọng phát triển hệ thống kinh tế vườn, cùng với việc ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế vườn đi lên theo hướng công nghiệp hóa, đa dạng và bền vững, kết hợp kinh tế với phát triển du lịch sinh thái, một trong những tiềm năng và thế mạnh của vùng đất ven sông Sài Gòn.