Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm 2023, các tỉnh, thành phố cần quyết liệt triển khai các giải pháp, trong đó nâng cao hơn nữa trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương để bảo đảm tiến độ, hiệu quả nguồn vốn đầu tư công.
Bài 1: Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bốn tháng đầu năm ước đạt 110.633,6 tỷ đồng, bằng 14,66% kế hoạch năm, đạt 15,65% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so cùng kỳ năm 2022 (18,48%), trong đó, 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15% kế hoạch. Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương ảnh hưởng xấu đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của cả nước năm 2023.
Ông Đoàn Văn Mười Ba (đường Lê Văn Lương, khu phố 1, phường Tân Phong, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh), một người dân bị thu hồi một phần đất trong Dự án xây dựng cầu Rạch Đỉa (Quận 7, huyện Nhà Bè) cho biết: Tôi và gia đình đều ủng hộ chủ trương, chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, trong khi đất đai của gia đình hiện là đất ở đô thị, có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp nhưng giá đền bù chỉ 8,3 triệu đồng/m2 là chưa hợp lý. Theo ông Ba, với giá bồi thường này, gia đình ông không thể sửa chữa bốn căn nhà của các thành viên trong gia đình.
Theo ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ có nguyên nhân do công tác phối hợp giữa các phòng, ban, đơn vị tại địa phương chưa thật sự tốt trong việc xác minh nguồn gốc đất, thẩm tra hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của hộ dân, phối hợp tham mưu Ủy ban nhân dân địa phương để xử lý các vướng mắc phát sinh…, dẫn đến chậm trễ trong việc lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Song song đó, công tác tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn chưa nhanh chóng, kịp thời. Quan trọng hơn nữa, đơn giá bồi thường đất đai cũng chưa sát thực tế, khiến dự án chậm triển khai.
Mặc dù, thời gian qua, Ủy ban nhân dân thành phố đã có chỉ thị và văn bản chỉ đạo, nhưng thái độ chấp hành của một số lãnh đạo địa phương, sự quan tâm của phòng, ban, đơn vị liên quan tại các quận, huyện không đạt yêu cầu. Không những vậy, còn có tình trạng khi Sở Tài nguyên và Môi trường mời quận, huyện làm việc nhưng các đơn vị này chỉ cử cán bộ không có trách nhiệm, không nắm rõ nội dung đi họp, cho nên nhiều vấn đề không thể giải quyết được.
Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh HOÀNG LIÊM) |
Những khó khăn, vướng mắc nêu trên khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại Thành phố Hồ Chí Minh chậm.
Theo Ủy ban nhân dân thành phố, tình trạng này là do nhiều nguyên nhân như: Phải tập trung hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn năm 2022; thực hiện các thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm; giá cả vật liệu xây dựng “leo thang”, ảnh hưởng đến kế hoạch thi công của nhà thầu; việc lập kế hoạch giải ngân của các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư dự án chưa sát thực tế.
Bên cạnh đó, còn có tình trạng “vốn chờ dự án”, tức là vốn đã bố trí nhưng hồ sơ thủ tục còn chưa hoàn tất, phải bổ sung, chỉnh sửa nhiều lần làm mất thời gian; việc tham mưu quản lý, điều hành, thực hiện kế hoạch đầu tư công chưa đạt hiệu quả cao…
Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công không chỉ xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh mà còn xảy ra tại nhiều địa phương khác. Đến cuối tháng 5/2023, thành phố Cần Thơ giải ngân vốn đầu tư công hơn 2.600 tỷ đồng trong tổng số vốn 9.277 tỷ đồng đầu tư công năm 2023 của thành phố, đạt tỷ lệ 28% kế hoạch.
Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Cần Thơ vẫn chậm hơn so với kế hoạch. Nhiều công trình tiến độ kéo dài, đội vốn, gây khó khăn cho sự phát triển của thành phố.
Tương tự, tại tỉnh Sóc Trăng, kế hoạch vốn năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 5.850 tỷ đồng, đã giải ngân đạt 16,13% kế hoạch; kế hoạch vốn năm 2023 tỉnh giao bổ sung là 162,864 tỷ đồng chưa giải ngân; kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài 454,591 tỷ đồng, giải ngân đạt 4,05% kế hoạch.
Tại Đồng Nai, tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2023 là hơn 12.958 tỷ đồng, nhưng việc giải ngân đến cuối tháng 4/2023 mới khoảng 1.300 tỷ đồng, mới đạt gần 10% kế hoạch; trong đó, vốn ngân sách Trung ương giải ngân được 4,2% kế hoạch. Vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội là hơn 1.300 tỷ đồng, chưa được giải ngân; vốn ngân sách địa phương hơn 10.000 tỷ đồng, giải ngân được hơn 1.200 tỷ đồng, đạt hơn 12% kế hoạch. Như vậy, mức giải ngân này của Đồng Nai còn thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) Dương Bá Đức cho rằng: Đồng Nai cùng với Bình Dương là những địa phương có cơ cấu nguồn vốn lớn, tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm 2023 đến nay còn thấp, đồng thời, tình trạng giải ngân vốn tạm ứng hợp đồng còn cao, trong khi thanh toán khối lượng rất thấp, khiến nhiều nơi tiền đang chờ công trình.
Phát biểu tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên vào giữa tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổ trưởng Tổ công tác số 5 của Chính phủ, đánh giá: Năm địa phương nêu trên có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bốn tháng đầu năm 2023 quá thấp.
Do đó, các tỉnh cần quyết liệt thực hiện các giải pháp, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công… Giải ngân được đầu tư công sẽ mở đường cho đầu tư tư nhân phát triển. Một đồng giải ngân đầu tư công sẽ kéo ba, bốn đồng đầu tư ngoài ngân sách và tạo đột phá, cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của chín tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu) đến hết quý I/2023 đều chưa đạt mức bình quân chung của cả nước (10,35%) và kết quả còn hạn chế so với cùng kỳ.
Tương tự, tổng số vốn đầu tư công năm 2023 phân bổ cho năm địa phương, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Vĩnh Long nêu trên tương đối lớn (hơn 92.000 tỷ đồng), chiếm hơn 10% tổng số vốn đầu tư công cả nước, nhưng kết quả chưa đạt như mong muốn, tỷ lệ giải ngân đến hết quý I/2023 ở mức thấp dưới trung bình cả nước.
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, khi thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2023, ông Nguyễn Tấn Thịnh, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng: Nếu giải ngân đầu tư công chậm cũng đồng nghĩa đang làm lãng phí thời gian, kinh phí và cơ hội hưởng lợi của người dân, không thực hiện được các mục tiêu để phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội và tạo việc làm cho lao động.
…Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên…; có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công…
(Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 23/3/2023, Thủ tướng Chính phủ)
(Còn nữa)