Nông sản tăng vọt, thị trường kim loại vẫn “đỏ lửa”

Dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, diễn biến giá phân hóa khiến chỉ số hàng hóa MXV-Index chốt tuần mức 2.152 điểm, chỉ giảm 1 điểm so với tuần trước đó. Tuy nhiên, đây là tuần giao dịch rất sôi động khi đóng cửa nhiều mặt hàng ghi nhận các mức biến động mạnh từ 5-10%.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Nông sản tăng vọt, thị trường kim loại vẫn “đỏ lửa” ảnh 1

Trong khi đó, nhà đầu tư trong nước cho thấy tâm lý thận trọng khi biên độ giá dao động rất mạnh, thể hiện qua giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt 4.400 tỷ đồng/phiên, giảm 100 tỷ đồng so với mức trung bình của tuần trước đó.

Giá ngô tăng vọt gần 9%

Kết thúc tuần giao dịch 22/5-28/5, giá ngô đã bất ngờ đảo chiều, nhảy vọt tới gần 9% lên trên 237 USD/tấn. Đây cũng là tuần ghi nhận mức tăng cao nhất của mặt hàng này trong vòng 10 tháng qua. Thị trường hồi phục mạnh mẽ trở lại do nguồn cung có thể sụt giảm khi mùa vụ Mỹ đang bước vào giai đoạn nắng nóng cao điểm của mùa hè.

Cụ thể, dự báo thời tiết tại Mỹ cho thấy thời tiết nóng và khô ráo sẽ bao trùm trên hầu hết khu vực trồng trọt quan trọng là Midwest trong 2 tuần tới. Vụ ngô của Mỹ đã sắp hoàn thành giai đoạn gieo trồng và khung thời tiết này có thể gây ra ảnh hưởng xấu đối với cây trồng, hạn chế quá trình nảy mầm. Lo ngại này đã thúc đẩy giá ngô tăng vọt 5 phiên liên tiếp.

Ngoài ra, thời tiết khô hạn thời gian gần đây cũng đang khiến nông dân Brazil lo ngại về triển vọng ngô vụ 2 năm nay, đặc biệt là tại Parana - bang sản xuất ngô vụ 2 lớn thứ 2 của nước này.

Nông sản tăng vọt, thị trường kim loại vẫn “đỏ lửa” ảnh 2

Mặc dù nguồn cung cũng chính là lý do dẫn tới việc lực mua áp đảo trên thị trường lúa mì nhưng giá mặt hàng này ghi nhận mức tăng thấp hơn nhiều so với ngô. Khoảng cách giữa giá ngô và giá lúa mì đã thu hẹp dần sau tuần giao dịch vừa qua.

Khả năng Nga không tiếp tục tham gia thỏa thuận lúa cốc Biển Đen cũng liên tục thúc đẩy giá lúa mì. Tuy nhiên, khối lượng bán hàng lúa mì của Mỹ giảm về mức âm đã hạn chế đà tăng của giá.

Thị trường kim loại lao dốc do sức ép từ đồng USD

Kết thúc tuần giao dịch 22/5-28/5, các mặt hàng kim loại đồng loạt giảm giá. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạch kim dẫn đầu đà giảm khi giảm mạnh 4,43% xuống 1.028,1 USD/ounce, đánh dấu tuần giảm thứ hai liên tiếp của bạch kim, trong khi giá bạc giảm tuần thứ ba liên tiếp. Cụ thể, giá bạc giảm 2,91% về 23,36 USD/ounce.

Trong tuần qua, đàm phán nâng trần nợ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy vẫn là tâm điểm chú ý của thị trường. Trong bối cảnh Mỹ vẫn bế tắc về trần nợ, các nhà đầu tư tăng cường nắm giữ đồng USD với tính trú ẩn và thanh khoản cao hơn. Điều này khiến vai trò trú ẩn của bạc và bạch kim có phần thất thế hơn.

Ngoài ra, dữ liệu lạm phát cao hơn ước tính được công bố vào cuối tuần tiếp tục làm gia tăng lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6. Điều này tiếp tục củng cố sức mạnh đồng USD. Chỉ số Dollar Index tăng lên 104,21 điểm, mức cao nhất trong hơn 2 tháng. Chi phí đầu tư đắt đỏ hơn cũng là yếu tố làm giảm sức mua bạc và bạch kim.

Nông sản tăng vọt, thị trường kim loại vẫn “đỏ lửa” ảnh 3

Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng USD mạnh lên và triển vọng tiêu thụ kém khiến giá các mặt hàng đồng loạt giảm. Giá đồng COMEX giảm 1,34%. Giá quặng sắt cũng giảm mạnh 4,55% xuống 100,58 USD/tấn.

Trong khi nhu cầu tiêu thụ chưa có dấu hiệu khởi sắc, nguồn cung đồng toàn cầu tương đối ổn định. Tồn kho đồng trên Sở LME hiện đã tăng lên 97.725 tấn, mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/2022. Hơn nữa, Nhóm Nghiên cứu đồng Quốc tế (ICSG) cho biết thị trường đồng tinh luyện thặng dư 332.000 tấn trong quý I/2023, tăng hơn 40 lần so mức thặng dư 8.000 tấn trong cùng kỳ năm ngoái.

Còn với thị trường quặng sắt, nhu cầu tiêu thụ cũng trở nên mờ nhạt khi mùa cao điểm xây dựng tại Trung Quốc dần kết thúc. Hơn nữa, triển vọng ngành thép kém sắc làm giảm sức mua quặng sắt do sắt là nguyên liệu đầu vào sản xuất thép. Theo Hiệp hội thép thế giới (WorldSteel), tổng sản lượng thép thô trên thế giới trong tháng 4 đạt 161,4 triệu tấn, giảm 2,4% so cùng kỳ năm ngoái.

Giá hàng hóa nguyên liệu có khả năng xu hướng tăng trong tuần này

Theo MXV, tuần này, trọng tâm chú ý của thị trường nông sản, cũng như cà phê hay bông tiếp tục là các thông tin về thời tiết, mùa vụ cũng như số liệu xuất khẩu để đánh giá về nguồn cung và nhu cầu đối với từng mặt hàng.

Hiện tại đang là thời điểm mà thời tiết tại Mỹ là mối lo ngại lớn nhất đối với thị trường khi nông dân đang bước vào những đợt gieo trồng ngô và đậu tương cuối cùng của mùa vụ năm nay. Đây cũng được xem là bắt đầu bước vào mùa nóng và khô nhất hằng năm. Xu hướng giảm của giá nông sản trong vài tháng vừa qua có thể sẽ chậm lại và giá các mặt hàng khả năng sẽ tiếp đà hồi phục ngắn trong tuần.

Trong khi đó, Báo cáo Bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ phát hành vào thứ 6 cùng với dữ liệu sản xuất tháng 5 của Trung Quốc sẽ có tác động mạnh lên xu hướng giá các mặt hàng kim loại, năng lượng.

Cuối tuần, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ sẽ tổ chức cuộc chính sách tháng 6. Nếu nhóm này quyết định cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu như thị trường dự đoán, hai mặt hàng dầu thô nhiều khả năng sẽ bứt phá.