Hà Giang đối mặt với khô hạn, thiếu nước sinh hoạt

Hơn một tháng nay, tại tỉnh Hà Giang nắng nóng gay gắt, lượng mưa không đáng kể dẫn đến tình trạng khô hạn, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất. Người dân ở nhiều xã vùng cao phải đi hàng chục cây số để lấy nước về sinh hoạt; hàng nghìn héc-ta lúa, ngô, lạc khô héo, ảnh hưởng đến năng suất.
0:00 / 0:00
0:00
Nương ngô của gia đình chị Hoàng Thị Làn, thôn Bản Mán, xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên không có khả năng cho thu hoạch do nắng hạn.
Nương ngô của gia đình chị Hoàng Thị Làn, thôn Bản Mán, xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên không có khả năng cho thu hoạch do nắng hạn.

Tại bốn huyện vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, hầu hết các hồ treo, bể chứa nước cộng đồng đều trong tình trạng cạn kiệt. Điển hình như tại Đồng Văn, huyện có 128 công trình cấp nước sinh hoạt, phục vụ cho hơn 64 nghìn người. Nguồn cấp nước lớn nhất là 44 hồ treo tại 18 xã, thị trấn với tổng dung tích hơn 201.000m3, nhưng thời điểm hiện tại, tất cả hồ treo đều cạn nước.

Anh Ly Mí Hờ, thôn Má Tìa, thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn cho biết: “Gia đình tôi và các hộ dân trong thôn phải đi gần 10km để xuống thị trấn Đồng Văn chở từng can nước. Đường đi khó khăn, mỗi chuyến chỉ chở được khoảng 40 lít nước phục vụ gia đình trong ngày. Do đó, việc sử dụng nước sinh hoạt phải rất tiết kiệm. Hầu như năm nào người dân trong thôn cũng thiếu nước vào mùa khô, nhưng chưa năm nào khắc nghiệt và kéo dài như năm nay”.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt bao phủ hầu hết các xã ở hai huyện Đồng Văn, Mèo Vạc và một số xã ở các huyện Yên Minh, Quản Bạ. Các hộ không có điều kiện thì phải đi hàng chục ki-lô-mét, thậm chí xa hơn để đến các khe nước nguồn, xếp hàng dưới trời nắng gay gắt để hứng nước về sử dụng, nhưng cũng không được nhiều vì nguồn nước tại các khe suối ít mà nhu cầu của người dân thì lớn. Những hộ gia đình có điều kiện kinh tế, các khách sạn, nhà hàng, homestay thì mua nước về sử dụng, phục vụ du khách.

Các trường có học sinh ăn bán trú cũng gặp khó khăn. Tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, hơn 300 học sinh bán trú không có nước tắm giặt, vệ sinh. Nguồn nước tự chảy từ đầu nguồn cạn kiệt khiến các hồ treo chứa nước của xã, bể chứa nước của nhà trường cạn kiệt.

Nhà trường phải mua nước từ huyện Yên Minh lên. Nhưng do khó khăn về kinh phí, lượng nước mua về chỉ đủ phục vụ nấu ăn cho học sinh. Ông Đậu Hoài Ánh, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Sủng Trái cho biết: “Trường tăng cường dạy học sinh kỹ năng tiết kiệm nước sinh hoạt, đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí mua nước”.

Không chỉ ở Sủng Trái, nhiều trường học bán trú tại các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc đều thiếu nước nghiêm trọng. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc đã đề nghị huyện cấp kinh phí hỗ trợ mua nước phục vụ sinh hoạt cho học sinh.

Chính quyền các địa phương cũng đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp tạm thời, giải quyết tình trạng thiếu nước cho người dân. Ông Dinh Chí Thành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Văn cho biết: “Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn có giải pháp hỗ trợ người dân từng bước khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Trong đó, huyện ưu tiên hỗ trợ các gia đình mua téc chứa nước mưa và sử dụng lâu dài; tìm kiếm, khơi thông, bảo vệ nước nguồn. Đối với các trường học, huyện xem xét cấp kinh phí hỗ trợ mua nước phục vụ công tác dạy và học.

Thiếu nước, cũng đang làm giảm năng suất cây trồng vụ xuân. Sau Tết Nguyên đán 2023, gia đình chị Hoàng Thị Làn, thôn Bản Mán, xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên trồng gần 3.000m2 ngô lai. Vào thời điểm này hằng năm, nương ngô đủ nước cao hơn đầu người, chuẩn bị cho thu hoạch, mỗi vụ gia đình chị thu hơn 2 tấn ngô phục vụ chăn nuôi.

Nhưng năm nay, sau hơn ba tháng xuống giống, hạn hán kéo dài, cây ngô không phát triển, một số cây có bắp nhưng bên trong không có hạt. Chị Làn cho biết: “Vụ ngô năm nay mất trắng khiến gia đình không có nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi. Gia đình tôi vừa phải bán hơn 20 con lợn thịt, mỗi con mới nặng gần 30kg. Bán non tiếc lắm nhưng có giữ lại cũng không có tiền để mua thức ăn”.

Xã Phong Quang có 190ha ngô vụ xuân thì có đến 125ha không được thu hoạch, diện tích còn lại giảm từ 30 đến 70% năng suất. Người dân trong xã cũng trồng 50ha dưa hấu. Đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng vụ dưa năm nay cũng thất thu do khô hạn, trong đó có 30ha mất trắng.

Ông Thượng Duy Du, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phong Quang cho biết: “Xã đã rà soát diện tích cây trồng bị thiệt hại do nắng nóng; mời các trưởng thôn và một số doanh nghiệp, hợp tác xã họp bàn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Với những diện tích ngô không có khả năng cho thu hoạch, xã vận động người dân chặt bỏ làm thức ăn cho gia súc và tiến hành cải tạo đất. Ngay sau vụ ngô xuân, các doanh nghiệp sẽ liên kết với người dân trồng các loại cây ngắn ngày như đu đủ, bí ngô, gừng đen”.

Đồng Văn có hơn 234ha cây ngô đang trong giai đoạn phát triển bị ảnh hưởng do nắng nóng, thiếu nước. Tuy chưa có diện tích ngô bị chết hoàn toàn, nhưng nếu khô hạn kéo dài, một số diện tích có thể bị chết và sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Văn Nguyễn Thanh Viễn cho biết, phòng đã cử cán bộ đến các xã cùng cán bộ khuyến nông kiểm tra tình hình khô hạn.

Những nơi có điều kiện về nước, chúng tôi hướng dẫn người dân dùng máy bơm phun để hạn chế khô hạn, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chỉ đạo các xã, thị trấn theo dõi thường xuyên diện tích ngô không thể tiếp tục sinh trưởng để trồng thay thế rau, màu bảo đảm diện tích không bị bỏ trống.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, đến ngày 23/5, thống kê ở 4/11 huyện, thành phố đã có hơn 2.000ha lúa, ngô, đậu tương, lạc, rau vụ xuân bị nắng nóng, khô hạn, ảnh hưởng đến năng suất. Các huyện còn lại cũng đang rà soát, thống kê hậu quả do hạn hán, do đó diện tích cây trồng bị thiệt hại có thể tăng lên.

Ông Vũ Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết: “Sở đã thành lập hai đoàn công tác phối hợp các huyện kiểm kê, rà soát diện tích cây trồng bị thiệt hại, đồng thời đưa ra các giải pháp khắc phục cụ thể đối với từng loại cây trồng ở từng địa phương. Đối với diện tích bị thiệt hại hoàn toàn, ngành sẽ đề xuất với tỉnh phương án hỗ trợ người dân theo quy định của Nhà nước”.

Bên cạnh đó, để tránh hạn cho cây trồng, ngành nông nghiệp cũng chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân sử dụng những giống cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, giống cây trồng có khả năng chịu hạn tốt. Các huyện, thành phố chủ động xây dựng phương án giống dự phòng cho sản xuất, chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là trên đất trồng lúa không bảo đảm nước tưới sang cây trồng có khả năng chịu hạn tốt.