Hậu Giang từng bước hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở

NDO - Ngày 24/5, Đoàn công tác liên ngành của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, làm Trưởng đoàn, có buổi khảo sát về công tác giáo dục và đào tạo tại tỉnh Hậu Giang.
Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Đoàn công tác khảo sát kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; kết quả thực hiện Kết luận số 49-KL/TW, ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư khóa XII về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”.

Đoàn cũng khảo sát công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng và phát triển đảng trong các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn; kết quả hai năm rưỡi triển khai thực hiện chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Thanh Mai cho rằng, Hậu Giang đã triển khai nghiêm túc, bài bản các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và đạt kết quả thiết thực.

Tỉnh đã thực hiện 9 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, trong đó đã xây dựng các đề án, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương, từng bước hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Lãnh đạo tỉnh rất coi trọng giáo dục, xem đây là “chìa khóa mở cửa tương lai”, nhất là quan tâm đổi mới chính sách, cơ chế tài chính để huy động toàn xã hội tham gia.

Đặc biệt, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển kỹ năng sống cho học sinh. Từ đó, công tác quản lý giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tăng đà phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Đồng chí Vũ Thanh Mai đề nghị, thời gian tới, Hậu Giang cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền về chủ trương, đường lối của Đảng, nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện, nhất là Nghị quyết 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” .

Tỉnh cần chú trọng xây dựng văn hóa con người Hậu Giang, chuẩn hóa tin học, xã hội hóa... để hội nhập, xem con người là mục tiêu, là động lực để phát triển trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Đến nay, Hậu Giang đã đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, 100% trẻ 5 tuổi được huy động đến trường. Công tác phổ cập giáo dục các cấp đạt chỉ tiêu, so với năm 2011 đều được giữ vững và bền vững hơn.

Phổ cập giáo dục tiểu học đạt chuẩn mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt mức độ 2. Trong đó, 22/75 xã đạt chuẩn mức độ 2 và 48/75 xã đạt chuẩn mức độ 3; có 6/8 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 và 2/8 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Toàn tỉnh hiện có 263/317 trường đạt chuẩn quốc gia (tăng 183 trường so với năm 2013). 100% các trường trên địa bàn tỉnh đã sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục.

Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên cấp học mầm non đạt chuẩn 97,54%, trên chuẩn 74,37%; cấp tiểu học đạt chuẩn 91,16%, trên chuẩn 0,8%; cấp trung học cơ sở đạt chuẩn 93,56%, trên chuẩn 0,69%; cấp trung học phổ thông đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 20,09%; giáo dục thường xuyên đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 17,33%...