Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023)

Dân vận khéo để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công, thời gian qua, bằng những cách làm sáng tạo, cấp ủy và chính quyền các cấp ở tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều mô hình dân vận hiệu quả. Dân vận khéo giúp tạo ra sự lan tỏa sâu rộng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ lãnh đạo xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) trò chuyện với một hộ dân ở khu tái định cư thôn Vịnh Sơn.
Cán bộ lãnh đạo xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) trò chuyện với một hộ dân ở khu tái định cư thôn Vịnh Sơn.

Những năm qua, công tác dân vận được Đảng bộ tỉnh Quảng Bình chỉ đạo hướng mạnh về cơ sở, quan tâm các địa bàn vùng sâu, vùng xa; chú trọng thực hiện dân vận khéo trên tất cả các lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội.

Dân vận góp phần gỡ khó cho dự án trọng điểm

Trung tâm Điện lực Quảng Trạch là dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Bình, tạo động lực cho sự phát triển của địa phương và khu vực miền trung nhưng công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do dự án kéo dài nhiều năm và phải thay đổi chủ đầu tư.

Nhiều hộ dân không nhận tiền đền bù mà gửi kiến nghị, thậm chí có hành vi cản trở việc triển khai dự án. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Trạch đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong cả hệ thống chính trị, nhằm khơi thông “nguồn mạch tư tưởng”, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp ở Quảng Trạch đã tích cực gặp gỡ, đối thoại, cùng với chủ đầu tư và các ngành của tỉnh kịp thời giải đáp các ý kiến, thắc mắc của người dân trong vùng dự án.

Ông Nguyễn Văn Uy là một trong những hộ dân ở thôn Vịnh Sơn có nhiều kiến nghị, thắc mắc và không chịu nhận tiền đền bù, nhận đất ở khu tái định cư. Sau nhiều lần cấp ủy, chính quyền xã Quảng Đông vận động chưa thành công, đồng chí Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch Nguyễn Xuân Đạt đã trực tiếp đến gặp gia đình ông Uy trò chuyện, gợi mở để nắm tâm tư, nguyện vọng.

Cùng với đó, các quy định về đền bù giải phóng mặt bằng đối với cá nhân ông Uy và người dân ở đây được rà soát kỹ lưỡng trên tinh thần không để người dân bị thiệt thòi. Nhờ đó, ông Uy dần dần đã hiểu và đồng thuận tháo dỡ nhà, giao đất cho dự án. Hiện, gia đình ông đã an cư trong ngôi nhà mới khang trang ở khu tái định cư thôn Vịnh Sơn.

Bí thư Đảng ủy xã Quảng Đông Lê Chí Tương cho biết, để nhường mặt bằng cho dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, hơn 500 hộ dân ở thôn Vịnh Sơn phải dời nhà cửa đến nơi ở mới. Lúc đầu, người dân không muốn rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn đã gắn bó bao đời nay.

Tuy nhiên, nhờ được tuyên truyền, vận động, họ hiểu được đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nên hộ nào cũng ủng hộ việc di dời. Đến nay có 400 hộ dân đến làm nhà mới ở khu tái định cư, biến nơi đây thành vùng dân cư kiểu mẫu, khang trang của xã Quảng Đông.

Năm 2020, tỉnh Quảng Bình đồng ý cho một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án cụm trang trại điện gió B&T trên địa bàn vùng cát ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Khi triển khai dự án, người dân vùng dự án, nhất là ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh không đồng thuận do chưa thống nhất về giá đền bù giải phóng mặt bằng, lo ngại về tiếng ồn và độ rung khi thi công công trình “khổng lồ” là các tua-bin điện gió. Cấp ủy, chính quyền huyện Quảng Ninh và xã Hải Ninh cùng với nhà đầu tư tổ chức các buổi họp để tuyên truyền rõ hơn về dự án. Những thắc mắc, kiến nghị của người dân đều được nhà đầu tư lắng nghe, cân nhắc biện pháp hợp lý nhằm giảm những ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, sinh hoạt của họ.

Hiểu được nhiều nội dung mà bấy lâu còn “lấn cấn”, người dân ở huyện Quảng Ninh đã ủng hộ chủ trương triển khai dự án năng lượng sạch đầu tiên của tỉnh ngay tại quê nhà. Nhờ vậy mà dự án có quy mô lớn, phạm vi rộng như cụm trang trại điện gió B&T có tổng công suất 252MW, chỉ sau chưa đầy hai năm xây dựng đã đi vào hoạt động ổn định.

Lan tỏa mô hình “Mỗi xã giúp mỗi bản”

Nhằm phát triển kinh tế-xã hội ở các bản miền núi, khó khăn, huyện Bố Trạch triển khai mô hình dân vận khéo “Mỗi xã giúp mỗi bản”. Tuy mới thực hiện nhưng mô hình đang tạo sức lan tỏa, không chỉ giúp hộ nghèo, bản nghèo vượt khó, nâng cao đời sống mà còn góp phần gắn kết nghĩa đảng, tình dân.

Bản Nịu ở xã biên giới Thượng Trạch có 37 hộ dân với 142 nhân khẩu phần lớn đều là hộ nghèo và cận nghèo. Triển khai mô hình dân vận khéo này, xã Trung Trạch được phân công giúp đỡ bản Nịu. Bí thư Đảng ủy xã Trung Trạch Nguyễn Minh Quang cho biết, để triển khai có hiệu quả việc giúp đồng bào, xã lập đoàn công tác lên làm việc với lãnh đạo xã Thượng Trạch và tìm hiểu thực tế đời sống của người dân bản Nịu, từ đó có sự hỗ trợ phù hợp.

Xã kêu gọi sự chung tay hỗ trợ nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm để triển khai một số hạng mục công trình thiết yếu giúp bản. Với sự hỗ trợ về kinh phí và nhân lực của xã Trung Trạch, nhà văn hóa cộng đồng và hệ thống nước sạch ở bản Nịu được sửa chữa, phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Các đoàn thể chính trị xã Trung Trạch giúp người dân ở bản Nịu vật nuôi, giống cây trồng và hướng dẫn kỹ thuật để phát triển chăn nuôi, trồng trọt.

Ở bản Bụt, xã Thượng Trạch, cán bộ, nhân dân xã Thanh Trạch hỗ trợ xây dựng các điểm cấp nước sinh hoạt, xây dựng cổng trường mầm non, xây các chuồng nuôi nhốt và tặng vật nuôi để tạo sinh kế cho người dân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thượng Trạch Đinh Cu chia sẻ, nhờ mô hình dân vận khéo “Mỗi xã giúp mỗi bản” mà nhiều bản của Thượng Trạch được hỗ trợ các công trình như giếng khoan, điểm cấp nước sạch, đường giao thông, mô hình chăn nuôi, trồng trọt.

Không những vậy, cách dân vận này còn góp phần tích cực trong việc thay đổi nhận thức của đồng bào vùng cao trong cách sinh hoạt, giao tiếp và thúc đẩy suy nghĩ về cách thức làm kinh tế để tự tạo lập cuộc sống mỗi hộ dân.

Theo Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bố Trạch Nguyễn Quốc Hạnh, qua gần một năm triển khai mô hình “Mỗi xã giúp mỗi bản”, toàn bộ 22 xã, thị trấn trong huyện đã khảo sát, thực hiện mô hình ở 22 bản, với nguồn kinh phí hơn 3,1 tỷ đồng. Không chỉ giúp đầu tư các thiết chế văn hóa, tu sửa công trình công ích, hỗ trợ sinh kế mà việc thực hiện mô hình dân vận khéo này bước đầu góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi về nhận thức, tham gia phát triển kinh tế, xây dựng bản làng văn hóa.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Văn Bảo cho biết, thời gian qua, công tác dân vận đã góp phần quan trọng vào việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội và các chương trình, đề án lớn của tỉnh cũng như ở các địa phương.

Từ những mô hình dân vận hay, sáng tạo của đảng bộ các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa… Tỉnh ủy Quảng Bình đã chỉ đạo thực hiện “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Tỉnh ủy Quảng Bình cũng vừa ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó công tác dân vận được đặt lên hàng đầu.

Thông qua “Dân vận khéo” để hiểu hơn về đời sống, tâm tư của người dân qua đó kịp thời chia sẻ khó khăn; đồng thời tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chung tay thực hiện tốt các quy định của Đảng và Nhà nước, xây dựng bản làng ngày càng khang trang.