Chính vì vậy, chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng.
Sông Mekong dài 4.763km, bắt nguồn từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia trước khi vào Việt Nam rồi đổ ra Biển Đông. Lưu vực sông Mekong có tổng diện tích 810.000km2, trong đó phần nằm trên lãnh thổ của bốn quốc gia Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam là hạ lưu vực, chiếm trên 77%. Hạ lưu vực sông Mekong là “ngôi nhà” của gần 70 triệu người với trên 100 dân tộc tạo thành một trong những vùng đa dạng văn hóa nhất trên thế giới.
Sông Mekong |
Chủ đề của hội nghị lần này là “Đổi mới và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong”. Tại Phiên toàn thể của hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Ủy hội sông Mekong quốc tế là tổ chức có vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ, hợp tác, điều phối trong phát triển vì lợi ích bền vững của tất cả các quốc gia ven sông và ngăn ngừa sử dụng lãng phí nước trong lưu vực sông Mekong; đồng thời nêu bật vấn đề, lưu vực sông Mekong đang đứng trước những thách thức chưa từng có do tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, sức ép của yêu cầu phát triển kinh tế và sự gia tăng sử dụng nước nhanh chóng, dẫn đến nguồn tài nguyên nước Mekong đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp nỗ lực bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh lương thực cho tất cả các quốc gia trong lưu vực.
Những tác động tiêu cực đó ngày càng trở nên trầm trọng hơn ở các khu vực hạ nguồn sông Mekong, trong đó có vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, sự suy giảm dòng chảy sông Mekong do tác động tổng hợp của biến đổi khí hậu và hoạt động của con người, trong đó có các dự án phát triển thiếu bền vững ở thượng nguồn cũng đang làm thay đổi chế độ lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, làm giảm lượng phù sa về đồng bằng và gia tăng hiện tượng xói lở bờ sông, bờ biển. Thực tế đáng lo ngại này đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy hợp tác và có những bước đi đột phá mới có thể đáp ứng được yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tinh thần sử dụng công bằng và hợp lý tài nguyên nước, duy trì hợp lý dòng chảy trên dòng chính; ngăn ngừa và hạn chế tác động tiêu cực, nhất là đối với các nước hạ nguồn; mọi chính sách và hành động liên quan của Ủy hội và các nước thành viên cần lấy con người làm trung tâm, với cách tiếp cận toàn dân, toàn diện và toàn lưu vực.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tinh thần sử dụng công bằng và hợp lý tài nguyên nước, duy trì hợp lý dòng chảy trên dòng chính; ngăn ngừa và hạn chế tác động tiêu cực, nhất là đối với các nước hạ nguồn; mọi chính sách và hành động liên quan của Ủy hội và các nước thành viên cần lấy con người làm trung tâm, với cách tiếp cận toàn dân, toàn diện và toàn lưu vực, nhằm bảo đảm sinh kế bền vững của người dân, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân sinh sống trong lưu vực, nhất là cư dân sinh sống trên và dọc sông, đối với các tình huống bất trắc xảy ra như dịch bệnh, thiên tai, bão lũ…; tiếp tục đổi mới công tác quản lý, điều hành, nâng cao năng lực thực thi của Ủy hội thông qua đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên nước sông; thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ các quy hoạch cấp vùng về nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Thủ tướng kêu gọi các đối tác tăng cường hợp tác, hỗ trợ Ủy hội về nguồn lực tài chính, tri thức, kinh nghiệm và công nghệ hiện đại; nỗ lực xây dựng Ủy hội trở thành một trung tâm tri thức, cung cấp các thông tin, số liệu và kiến thức về lưu vực, các dịch vụ tư vấn…
Những thông điệp mà nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nêu ra được hội nghị đánh giá rất cao, nhiệt liệt hoan nghênh và chia sẻ bởi các thành viên đều tìm thấy điểm tương đồng rất lớn, đó là nhu cầu phải tăng cường hợp tác, xây dựng các kế hoạch, dự án phát triển chung của lưu vực để bảo đảm phát triển bền vững, bảo đảm sinh kế của người dân.
Điều này khẳng định Việt Nam luôn đề cao vai trò của Ủy hội và cam kết hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên để triển khai thành công các chiến lược, kế hoạch và chương trình hành động của Ủy hội, vì mục tiêu xây dựng lưu vực sông Mekong thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội, lành mạnh về môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, vì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng chung của Cộng đồng ASEAN.
Các nhà lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị cấp cao lần thứ 4 Ủy hội sông Mekong quốc tế. |
Ủy hội cũng được coi là diễn đàn khu vực quan trọng nhất giúp Việt Nam bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và an ninh nguồn nước quốc gia nói chung. Vì vậy, Việt Nam cũng xác định phải là quốc gia thành viên tích cực nhất, gương mẫu nhất và có tính xây dựng nhất.
Một trong những vấn đề được hội nghị thảo luận sôi nổi là đổi mới phương thức hoạt động của Ủy hội. Ủy hội có bề dày hoạt động gần 30 năm và đã đạt được nhiều thành tựu, cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng các đối tác phát triển, các nhà tài trợ quốc tế; thật sự khẳng định vai trò không thể thiếu, thực hiện hiệu quả các chức năng và nhiệm vụ của một tổ chức lưu vực sông quốc tế, khẳng định giá trị lâu dài của Hiệp định Mekong năm 1995. Các thành tựu trên góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện cuộc sống của người dân trong lưu vực; đồng thời, tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết và quan hệ hợp tác mật thiết giữa các nước ven sông.
Ủy hội có bề dày hoạt động gần 30 năm và đã đạt được nhiều thành tựu, cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng các đối tác phát triển, các nhà tài trợ quốc tế; thật sự khẳng định vai trò không thể thiếu, thực hiện hiệu quả các chức năng và nhiệm vụ của một tổ chức lưu vực sông quốc tế, khẳng định giá trị lâu dài của Hiệp định Mekong năm 1995.
Tuy nhiên trong bối cảnh thế giới có rất nhiều biến động, Ủy hội không thể mãi đi theo các cách thức trước đây mà cần có những thay đổi để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, đó là thay đổi về tư duy, cách tiếp cận, phương thức quản trị, công nghệ, phương thức hợp tác trong khai thác, sử dụng, phát triển và quản lý tài nguyên nước lưu vực; đổi mới cách tiếp cận trong ứng phó thách thức và biến động trong lưu vực…
Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun, Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội đánh giá “Chúng ta cần đổi mới bởi vì chúng ta không thể giữ cách làm cũ và mong muốn có kết quả tốt hơn, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số”. Sự tham gia và cam kết hợp tác của các quốc gia này rất quan trọng đối với sự phát triển và quản lý tổng hợp tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của toàn lưu vực.
Chúng ta cần đổi mới bởi vì chúng ta không thể giữ cách làm cũ và mong muốn có kết quả tốt hơn, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số.
Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun, Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội
Tại hội nghị khoa học quốc tế, thu hút sự tham gia của khoảng hơn 600 nhà khoa học, nghiên cứu, các nhà quản lý, hoạt động quốc tế, lãnh đạo Trung tâm Hợp tác tài nguyên nước Mekong-Lan Thương khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác với Ủy hội trong các nghiên cứu chung và xây dựng kế hoạch điều phối thống nhất các công trình khai thác sử dụng nước trên sông Mekong nhằm đáp ứng các nhu cầu sinh kế của người dân đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái của lưu vực.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với một số nước thành viên Ủy hội. Tại cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, hai bên nhất trí tiếp tục nâng tầm hợp tác kinh tế; hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng và hiệu quả; tăng cường kết nối hai nền kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án viện trợ…
Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Hun Sen. |
Tại cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ba Thủ tướng đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác kết nối ba nền kinh tế, hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp ba nước; khuyến khích thương mại biên giới và phát huy hệ thống cửa khẩu trên đất liền giữa ba nước…
Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong lần thứ 4 đã thành công tốt đẹp, trong đó có sự đóng góp rất tích cực, chủ động, hiệu quả của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong lần thứ 4 đã thành công tốt đẹp, trong đó có sự đóng góp rất tích cực, chủ động, hiệu quả của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính, thể hiện Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm ở khu vực cũng như cộng đồng quốc tế, chung tay đóng góp để Mekong mãi là dòng chảy của hòa bình, thịnh vượng và phát triển, như nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam khẳng định mạnh mẽ tại diễn đàn quan trọng này: sông Mekong quanh co, uốn khúc nhưng thái độ của chúng ta đối với dòng sông sẽ luôn rõ ràng, minh bạch, tất cả vì môi trường sinh thái của dòng sông, vì lợi ích chung của cộng đồng cư dân sống quanh lưu vực, vì trách nhiệm với thế hệ tương lai.