Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 tại Vientiane, Lào ngày 5/4. Chuyến đi nhằm khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Việt Nam với sự ổn định và phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong, việc bảo đảm an ninh nguồn nước và cuộc sống của người dân ở lưu vực, trong đó có vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chuyến đi cũng nhằm khẳng định trách nhiệm và cam kết của Việt Nam ở cấp cao với hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội, góp phần tăng cường vai trò của Ủy hội, cũng như sự đoàn kết, hợp tác giữa các nước thành viên vì lợi ích chung.

THÚC ĐẨY HỢP TÁC
VÌ MỤC TIÊU CHUNG

Tiền thân của Ủy hội sông Mekong quốc tế là Ủy ban Mekong được thành lập năm 1957 gồm bốn nước ở hạ lưu vực sông Mekong. Ngày 5/4/1995, Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam thành lập Ủy hội sông Mekong quốc tế theo Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong (Hiệp định Mekong năm 1995).

Theo Hiệp định, mục tiêu chính của Ủy hội là thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên trong sử dụng, phát triển và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên lưu vực sông Mekong một cách bền vững.

Trong các khuôn khổ hợp tác hiện nay về lưu vực sông Mekong, Ủy hội là tổ chức duy nhất có chức năng xây dựng các khuôn khổ pháp lý, trong đó có những quy chế ràng buộc đối với các quốc gia thành viên về chia sẻ công bằng, hợp lý tài nguyên nước và bảo vệ môi trường sinh thái lưu vực sông bên cạnh chức năng thúc đẩy các dự án phát triển chung.

Trong gần 30 năm qua kể từ khi thành lập, Ủy hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần thúc đẩy sự phát triển ở các nước thành viên, tăng cường hợp tác lưu vực trong nhiều lĩnh vực như xây dựng các quy chế sử dụng nước, quản lý môi trường, liên kết giao thông đường thủy, sản xuất nông nghiệp, thủy sản và mở rộng hợp tác với các đối tác đối thoại, đối tác phát triển, cộng đồng tài trợ và nhiều đối tác quốc tế khác.

Hoạt động của Ủy hội không chỉ có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường của các nước thành viên mà còn với việc tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các nước trong lưu vực.

Bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được và những cơ hội hợp tác mới, trong những năm gần đây, vai trò, vị thế và hoạt động của Ủy hội đang gặp những thách thức không nhỏ như tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, hoạt động khai thác và sử dụng thiếu bền vững tài nguyên trong lưu vực… Những thách thức này đòi hỏi phải tăng cường, củng cố vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động và hợp tác của Ủy hội.

Ủy hội sông Mekong quốc tế thống nhất Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế được tổ chức bốn năm một lần luân phiên tại các quốc gia thành viên. Theo đó, Hội nghị cấp cao đã được tổ chức lần lượt tại Thái Lan năm 2010, Việt Nam năm 2014 và Campuchia năm 2018.

Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 sẽ diễn ra tại Vientiane, Lào với chủ đề “Đổi mới và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong”.

Mục tiêu của Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4

“Đổi mới và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong”

- Tiếp tục khẳng định cam kết chính trị ở cấp cao nhất của bốn quốc gia thành viên trong việc tăng cường thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong năm 1995 và chức năng của Ủy hội.

- Tiếp tục khẳng định các mục đích và nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững của lưu vực.

- Ghi nhận các thành tựu đạt được từ các Hội nghị cấp cao trước đây.

- Phân tích, đánh giá các thách thức và cơ hội liên quan nguồn nước, bao gồm các vấn đề phát triển bền vững và quản lý môi trường lưu vực.

- Xác định các định hướng phát triển, quản lý lưu vực và thống nhất các thỏa thuận, kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển lưu vực sông Mekong giai đoạn 2021-2030.

Sự đổi mới của Hội nghị năm nay được thể hiện trên ba lĩnh vực chính. Một là đổi mới trong chính sách, bao gồm việc gắn kết chính sách giữa các lĩnh vực khác nhau; tăng cường sự liên kết giữa chính sách khu vực, quốc gia và hỗ trợ vượt qua thách thức để đạt được tiến bộ chung về đổi mới tư duy, xác định và đẩy nhanh các chính sách mang lại lợi ích chung.

Hai là đổi mới trong hợp tác, bao gồm xác định các cơ hội thực tiễn để cùng thực hiện hiệu quả hơn việc thông qua các quy trình, quản lý rủi ro chung và đạt được những kết quả khả quan ở cấp khu vực và quốc gia vì lợi ích của người dân sinh sống trong lưu vực.

Ba là đổi mới về công nghệ, bao gồm trang thiết bị, công cụ và sản phẩm kỹ thuật số, nâng cấp để tăng cường quy hoạch và quản lý lưu vực sông, hỗ trợ quá trình ra quyết định trong các điều kiện khó khăn, đặc biệt liên quan thay đổi điều kiện dòng sông do thay đổi hoạt động của hạ tầng nước và khí hậu. 

THÀNH VIÊN TÍCH CỰC,
CÓ TRÁCH NHIỆM

Với vị thế là quốc gia hạ nguồn sông Mekong, Việt Nam xác định, Ủy hội sông Mekong quốc tế là một cơ chế hợp tác vùng có cơ sở pháp lý chặt chẽ nhất, có cơ cấu thể chế với truyền thống lâu dài và ổn định, và quan trọng hơn cả là cơ chế hợp tác về tài nguyên nước lưu vực sông Mekong đầy đủ duy nhất trong khu vực.

Ủy hội cũng được coi là diễn đàn khu vực quan trọng nhất giúp Việt Nam bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và an ninh nguồn nước quốc gia nói chung. Vì vậy, Việt Nam cũng xác định phải là quốc gia thành viên tích cực nhất, gương mẫu nhất và có tính xây dựng nhất để có thể kêu gọi các quốc gia thành viên góp phần thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong năm 1995 và tuân thủ các quy định của Ủy hội, qua đó kêu gọi sự hỗ trợ và ủng hộ của cộng đồng quốc tế và khu vực.

Việt Nam xác định phải là quốc gia thành viên tích cực nhất, gương mẫu nhất và có tính xây dựng nhất.

Việt Nam xác định mục tiêu hợp tác trong Ủy hội là thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong năm 1995, trong đó có bảo đảm sử dụng và quản lý hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và lưu vực sông Mekong nói chung; duy trì ổn định và tăng cường quan hệ hợp tác với các quốc gia trong lưu vực sông Mekong, thúc đẩy hợp tác phát triển trong khu vực.

Kể từ khi Ủy hội được thành lập đến nay, Việt Nam luôn thể hiện cam kết chính trị rất cao, thể hiện vai trò của một nước thành viên tích cực trong tham gia các hoạt động của Ủy hội trên tất cả các cấp, các lĩnh vực hợp tác thông qua các sáng kiến, đóng góp nổi bật về tài chính, thông tin số liệu, chuyên gia…

Việt Nam cũng là nước thành viên đi đầu trong nỗ lực nâng cao hình ảnh, vị thế và tầm quan trọng của hợp tác trong Ủy hội trên các diễn đàn quốc tế và khu vực; luôn đề cao tinh thần đoàn kết hợp tác giữa các quốc gia sông Mekong, đóng góp vào ổn định và hợp tác khu vực; quan tâm lợi ích chính đáng của tất cả các quốc gia sông Mekong; thúc đẩy hợp tác với các quốc gia thượng nguồn.

Hiện nay, Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; giữ vững được quốc phong, an ninh; thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và đứng hàng đầu khu vực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030. Ảnh: VGP

Tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch nhấn mạnh việc phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Để thực hiện các mục tiêu mà Quy hoạch đề ra, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác tại Ủy hội.

Tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4, Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò là thành viên tích cực và có trách nhiệm. Theo đó, Việt Nam sẽ thúc đẩy hợp tác với các nước thành viên của Ủy hội, các đối tác quốc tế nhằm triển khai các mục tiêu đề ra, góp phần bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong, đồng thời phát triển kinh tế-xã hội đất nước, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày xuất bản: 4/4/2023
Chỉ đạo thực hiện: CHU HỒNG THẮNG
Nội dung: Ninh Sơn - Như Ngọc
Trình bày: Bảo Minh
Nguồn tư liệu: Bộ Ngoại giao
Ảnh: Báo Nhân Dân, mrcmekong.org