Cơ hội hạ nhiệt xung đột ở Yemen

Sau nhiều năm đối đầu căng thẳng, Iran và Saudi Arabia đã nhất trí khôi phục quan hệ ngoại giao. Nỗ lực "phá băng" quan hệ của hai nước có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực làm dấy lên hy vọng về khả năng "chảo lửa Trung Ðông" hạ nhiệt, qua đó giúp ổn định tình hình tại các điểm nóng, trong đó có Yemen.
0:00 / 0:00
0:00
Các tay súng trung thành với Phong trào Houthi diễu binh trên đường phố thủ đô Sanaa, Yemen. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)
Các tay súng trung thành với Phong trào Houthi diễu binh trên đường phố thủ đô Sanaa, Yemen. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)

Nội chiến nổ ra ở Yemen cuối năm 2014 khi lực lượng Houthi, được cho là do Iran hậu thuẫn, giành quyền kiểm soát một số thành phố phía bắc và buộc Chính phủ được cộng đồng quốc tế công nhận ở Yemen, do Saudi Arabia ủng hộ, phải rút khỏi thủ đô Sanaa. Xung đột kéo dài đã khiến hàng chục nghìn người Yemen thiệt mạng và ít nhất 4 triệu người phải di tản, đẩy đất nước đến bờ vực thảm họa nhân đạo. Yemen còn là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai như hạn hán, lũ lụt…

Bộ Ngoại giao của Chính phủ Yemen ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận đạt được giữa Iran và Saudi Arabia là cơ hội tiềm năng để hạ nhiệt xung đột tại Yemen và hướng tới sự ổn định của khu vực. Người phát ngôn của lực lượng Houthi cũng nêu rõ, các thủ lĩnh của lực lượng này hoan nghênh Iran và Saudi Arabia nối lại quan hệ ngoại giao và tin rằng điều này thúc đẩy ổn định trong khu vực.

Theo người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran là cơ hội rõ ràng để thúc đẩy con đường chính trị hướng tới hòa bình ở Yemen. Thỏa thuận ngừng bắn tại Yemen chưa được gia hạn, song tác động tích cực từ lệnh ngừng bắn tiếp tục được ghi nhận. Khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo tại Yemen được cải thiện. Liên hợp quốc hy vọng những điều tốt lành này sẽ được duy trì và mở rộng nhanh chóng.

Theo đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Yemen Hans Grundberg , tình hình tại Yemen tương đối ổn định trong những tháng qua. Kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực ngày 2/4/2022, mức độ bạo lực tại Yemen có phần giảm. Nêu bật tiến triển trong các cuộc đàm phán về trao đổi tù nhân giữa Chính phủ Yemen và lực lượng Houthi thông qua vai trò trung gian của Liên hợp quốc, ông Grundberg kêu gọi các bên kiềm chế tối đa trong thời điểm quan trọng này để tránh làm mất ổn định tình hình.

Ðặc phái viên của Liên hợp quốc đánh giá, thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia đã tạo động lực mới để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Yemen. Nhấn mạnh bước thay đổi về phạm vi và chiều sâu của các cuộc thảo luận nhằm tìm lối thoát cho cuộc xung đột tại Yemen, ông Grundberg hối thúc Chính phủ Yemen và lực lượng Houthi nắm bắt cơ hội từ việc bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran.

Ðại diện Trung Quốc tại Liên hợp quốc cũng cho rằng, thỏa thuận đạt được giữa Saudi Arabia và Iran là một tin tức đáng mừng cho thế giới vốn bất ổn hiện nay. Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục nỗ lực không ngừng hướng tới giải quyết xung đột và hy vọng thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran có thể giúp ổn định tình hình ở Yemen. Bắc Kinh kêu gọi tất cả các bên liên quan duy trì mục tiêu bao trùm là đặt lợi ích của người dân Yemen lên hàng đầu và đối thoại là cách thực tế duy nhất để giải quyết xung đột.

Tuy nhiên, trong bầu không khí đầy hy vọng về khả năng ổn định tình hình tại Yemen, đụng độ lại nổ ra. Ngày 17/3, bốn binh sĩ của quân đội Chính phủ Yemen thiệt mạng trong cuộc giao tranh ác liệt với các tay súng của lực lượng Houthi tại tỉnh Marib, miền đông bắc Yemen. Houthi cũng chịu thương vong, song chưa công bố con số cụ thể.

Một số nhà quan sát cho rằng, chỉ riêng thỏa thuận Saudi Arabia-Iran là chưa đủ để giải quyết xung đột tại Yemen. Những vấn đề cơ bản dẫn đến xung đột như chia rẽ chính trị, tranh giành quyền lực, bất ổn kinh tế là rất phức tạp và khó giải quyết. Một giải pháp chính trị toàn diện cho các vấn đề của Yemen cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong khu vực, cũng như nỗ lực của cộng đồng quốc tế.