Cùng với đó, có 29 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 70,4 triệu USD; có 305 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với số vốn góp đăng ký tương đương 199,7 triệu USD.
Trong đó, lĩnh vực xây dựng chiếm phần lớn về số vốn cấp mới với hơn 53,54 triệu USD (chiếm hơn 54% tổng vốn đăng ký cấp mới); bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô-tô, mô-tô, xe máy đứng thứ hai về số vốn cấp mới với hơn 31,27 triệu USD (chiếm 31,59% tổng vốn đăng ký cấp mới)…
Singapore dẫn đầu về vốn đăng ký cấp mới lẫn góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp với hơn 77,88 triệu USD vốn đăng ký cấp mới (chiếm 78,67% tổng vốn đăng ký cấp mới) và hơn 120,65 triệu USD góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (chiếm 60,42% tổng vốn góp vốn, mua cổ phần…).
Như vậy, trong 2 tháng đầu năm 2023 (tính đến ngày 20/2), tổng giá trị vốn FDI (tính chung cấp mới, vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp) đạt hơn 369,1 triệu USD, tăng 59% về tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2022.
Với con số này, trong 2 tháng đầu năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh giữ vị trí thứ hai so với các địa phương trên cả nước về thu hút vốn FDI, chiếm 10,52% tổng vốn FDI của cả nước (3,097 tỷ USD); địa phương đứng đầu là tỉnh Bắc Giang (thu hút vốn FDI đạt 824,34 triệu USD).
Lũy kế đến nay (tính từ ngày 1/1/1988 đến ngày 20/2/2023), Thành phố vẫn dẫn đầu cả nước về số dự án lẫn tổng vốn FDI.
Trong đó, có 11.455 dự án FDI còn hiệu lực (dự án cấp mới và điều chỉnh), chiếm 31,29% tổng số dự án của cả nước, tổng vốn đầu tư gần 56,35 tỷ USD (chiếm 12,73% tổng vốn FDI cả nước).
Còn tính chung giá trị vốn cấp mới, vốn đầu tư tăng thêm, góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp thì tổng vốn FDI vào thành phố đạt hơn 80,34 tỷ USD (từ 1/1/1988 đến 20/2).
Trong đó, dù chỉ xếp thứ tư về số dự án nhưng lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo lại đứng đầu về giá trị vốn đầu tư, với hơn 20,36 tỷ USD, chiếm 36,14% tổng vốn các dự án FDI còn hiệu lực ở thành phố.
Còn Singapore là quốc gia dẫn đầu về số vốn FDI vào Thành phố, với hơn 14 tỷ USD (chiếm 24,9% tổng vốn của các dự án FDI còn hiệu lực) và 1.677 dự án còn hiệu lực (đứng thứ hai về số dự án, sau Hàn Quốc).