Đáng chú ý nhất trong tuần qua là đà tăng gần 10% của mặt hàng cà phê Arabica và cũng là tuần tăng giá mạnh nhất của nguyên liệu này trong vòng 5 tháng qua. Bên cạnh đó, các mặt hàng cùng nhóm như Robusta, đường 11 cũng đón nhận lực mua tích cực. Trái lại, trên thị trường năng lượng, giá dầu quay đầu giảm sau hai tuần tăng giá liên tiếp trong bối cảnh không chắc chắn về đà phục hồi trong nhu cầu, và nguồn cung đang được đảm bảo. Mặc dù trải qua tuần nghỉ Tết Nguyên Đán, song dòng tiền tới thị trường vẫn tăng nhẹ so với tuần trước đó, với giá trị giao dịch toàn Sở đạt trung bình 3.700 tỷ đồng mỗi phiên.
Kỳ vọng tiêu thụ phục hồi thúc đẩy đà tăng của giá Arabica
Kết thúc tuần qua, toàn bộ các mặt hàng trong nhóm nguyên liệu công nghiệp đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh. Trong đó, Arabica có tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng gần 10% nhờ hỗ trợ từ nhu cầu có dấu hiệu tích cực.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), các biến số kinh tế vĩ mô trong quý IV/2022 của Mỹ như tốc độ tăng trưởng và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp chuyển biến theo hướng tích cực hơn so với dự đoán của chuyên gia, đưa đến kỳ vọng về nhu cầu của nước tiêu thụ Arabica lớn nhất thế giới sẽ trở nên tích cực hơn, từ đó hỗ trợ giá tăng. Bên cạnh đó, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US bất ngờ quay đầu giảm mạnh 24.947 bao loại 60kg vào phiên cuối tuần, lớn hơn mức tăng trong cả tuần đó cũng góp phần giúp lực bán chiếm ưu thế và thúc đẩy cho đà tăng mạnh của mặt hàng này.
Với mức tăng 5,61%, Robusta đã nối dài đà tăng sang tuần thứ 4 liên tiếp, đẩy giá giao dịch hiện tại lên mức 2.053 USD/tấn, mức cao nhất trong 3 tháng qua. Lực bán suy yếu khi nông dân tại Việt Nam, nước cung ứng lớn nhất ở thời điểm hiện tại nghỉ Tết Nguyên đán cùng với tồn kho Robusta đạt chuẩn trên Sở ICE UK tiếp tục giảm dù đang ở mức thấp nhất trong vòng hơn 4 năm là những nhân tố giúp giá duy trì được sự khởi sắc trước đó.
Ở một diễn biến khác, giá đường 11 có tuần bật tăng mạnh với 6,29% trước những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung tại các nước cung ứng chính. Brazil, quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới quyết định tăng giá nhiên liệu, phần nào thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất ethanol. Điều này góp phần khiến sản lượng đường suy yếu và hỗ trợ cho giá. Cùng với đó, tại Ấn Độ, quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới có thể sẽ không cho phép xuất khẩu thêm đường do nguồn cung bị hạn chế khi nhiều nhà máy phải đóng cửa sớm vì thiếu mía, cũng góp phần khiến giá đảo chiều tăng mạnh trong tuần qua.
Giá dầu giảm sau hai tuần tăng liên tiếp
Trái với thị trường nguyên liệu công nghiệp, các mặt hàng trong nhóm năng lượng đồng loạt đóng của trong sắc đỏ. Giá dầu quay đầu giảm trở lại sau hai tuần tăng liên tiếp trước đó. Sự thiếu vắng các thông tin cơ bản từ nhà tiêu thụ hàng đầu, Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại, do kỳ nghỉ Lễ Tết Nguyên Đán kéo dài hơn 1 tuần khiến cho thị trường dầu thô biến động tương đối giằng co. Giá dầu WTI kỳ hạn tháng 3 trên Sở NYMEX giảm 2,4% xuống 79,68 USD/thùng, dầu Brent cùng kỳ hạn trên Sở ICE giảm 1,11% xuống 86,66 USD/thùng.
Dầu thô ghi nhận một tuần giao dịch trong biên độ tương đối hẹp, với lực bán chiếm ưu thế ngay từ các phiên đầu tuần. Sau đó, báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 20/01 giảm không quá mạnh như dự đoán của thị trường. Tổng sản phẩm được cung cấp, một thước đo về nhu cầu tiêu thụ thực tế, giảm 866.000 thùng xuống 19,45 triệu thùng/ngày, cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu vẫn chưa có sự cải thiện đáng chú ý. Trong khi đó, đối với nguồn cung từ Mỹ, sản lượng khá ổn định, và dữ liệu của Baker Hughes cũng cho thấy số lượng giàn khoan dầu khí giữ nguyên ở mức 771 giàn trong tuần qua. Trong bối cảnh thiếu vắng các tin tức hỗ trợ từ thị trường Trung Quốc, các tin tức này đã thúc đẩy lực bán đối với dầu thô.
Ngoài ra, tín hiệu nguồn cung mạnh mẽ từ Nga cũng kìm hãm đà tăng của giá dầu. Các thương nhân cho biết chuyến hàng dầu thô từ cảng Baltic của Nga trong 10 ngày đầu tháng 2 có thể tăng lên 1 triệu tấn từ mức 0,9 triệu tấn trong kế hoạch cùng kỳ tháng 1, tăng 11% so với mức cơ sở hàng ngày.
Tuy nhiên, nguồn cung từ Nga vẫn còn là một bài toán phức tạp, nhất là khi các nước phương Tây đang lên kế hoạch áp đặt trần giá đối với các sản phẩm dầu tinh chế từ Nga kể từ ngày 5/2 sắp tới. Ủy ban châu Âu đã đề xuất mức giới hạn giá dầu diesel của Nga là 100 USD/thùng, và sẽ làm việc với nhóm G7 nhằm thống nhất quy chuẩn. Tuy nhiên, việc nhóm G7 đưa ra khoảng giá 100 – 110 USD/thùng, cho thấy sự thận trọng nhất định trước lo ngại rằng việc đặt mức quá thấp có nguy cơ gây ra sự tăng giá đột biến.
Thị trường hàng hóa sẽ đối diện với một tuần đầy biến động
Theo MXV, trong tuần này, thị trường hàng hóa sẽ đối diện với hàng loạt các thông tin và sự kiện quan trọng, nhiều khả năng sẽ giúp một số mặt hàng thoát khỏi xu hướng đi ngang. Các nhà đầu tư sẽ hướng tới tâm điểm cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào đêm ngày 01/02 sắp tới. Bức tranh lạm phát tại Mỹ đang cho thấy các tín hiệu hạ nhiệt lạc quan, và thị trường kỳ vọng FED tăng lãi suất chậm lại với 25 điểm cơ bản trong kỳ họp lần này. Tuy nhiên, điểm mấu chốt nhất vẫn sẽ là lãi suất sẽ tăng đến mức nào và bao nhiêu lâu. Trong trường hợp Fed phát đi các tín hiệu cho thấy mức đỉnh lãi suất không quá cao hơn kỳ vọng, lo ngại suy thoái giảm bớt có thể hỗ trợ cho giá hàng hóa, đặc biệt là nhóm năng lượng và kim loại vốn nhạy cảm với biến động vĩ mô.
Ngoài ra, với sự trở lại của thị trường tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc sau kỳ nghỉ Lễ, niềm tin về các chính sách kích thích kinh tế hậu mở cửa, cùng kỳ vọng tiêu thụ khởi sắc nhiều khả năng sẽ đem lại tín hiệu lạc quan cho thị trường hàng hóa trong tuần này.