Hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố Thủ Đức trở thành đô thị thông minh, đến nay, địa phương này đã tập trung triển khai một số hoạt động chuyển đổi số quan trọng. Cụ thể, Thủ Đức đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của thành phố. Đây là hệ thống cung cấp cho lãnh đạo chính quyền Thủ Đức cách nhìn toàn diện, tập trung, 360 độ về các hoạt động đang diễn ra, thực hiện giám sát và quản lý chất lượng dịch vụ một cách tổng thể, cho phép phân tích dữ liệu lớn, hỗ trợ ra quyết định, xây dựng phương án tổ chức. Cùng với đó, thành phố Thủ Đức triển khai, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS trong công bố, công khai thông tin quy hoạch.
Hệ thống này hỗ trợ người dùng xem thông tin quy hoạch, tra cứu hồ sơ, kiểm tra tình trạng xử lý hồ sơ ngay tại nhà một cách công khai, minh bạch. Đối với Cổng thông tin điện tử và Ứng dụng trực tuyến thành phố Thủ Đức được đưa vào vận hành cuối tháng 4/2022, ứng dụng này là một trong các giải pháp trọng tâm thực hiện công tác quản lý, giám sát việc thực thi công vụ, tạo môi trường tương tác giữa chính quyền và người dân, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền. Đây cũng là kênh thông tin chính thức của thành phố Thủ Đức cung cấp thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và tiếp thu ý kiến từ người dân, doanh nghiệp...
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng cho biết: "Thủ Đức xác định chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh là hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, cùng các chuyên gia công nghệ phải cùng nhau đưa ra những phương thức và bước đi thích hợp xây dựng thành phố Thủ Đức có chất lượng môi trường sống tốt cho người dân, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, việc triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh tại thành phố vẫn gặp một số khó khăn. Còn nhiều câu hỏi được đặt ra đó là: Mô hình nào, phương thức nào để triển khai chuyển đổi số một cách đồng bộ và hiệu quả trong bối cảnh nguồn lực hiện có? Cần hoạch định xây dựng các chính sách như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng thành phố thông minh? Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp… sẽ được thực hiện như thế nào?".
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Việt Hải cho rằng: "Yếu tố đầu tiên cần phải làm chuẩn bị cho thành phố thông minh trong tương lai là công tác quy hoạch. Công tác quy hoạch ở đây bao gồm quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng công nghệ thông tin, cũng như quy hoạch về kinh tế-xã hội trong những năm tới. Muốn thực hiện việc quy hoạch thì việc đầu tiên chúng ta cần phải có là sự hội tụ của các chuyên gia, những nhà khoa học, doanh nghiệp để có thể có một tầm nhìn xa hơn về tương lai 20 năm, 30 năm nữa như thế nào. Với tầm nhìn này, chính quyền chuẩn bị quy hoạch, chuẩn bị chính sách để mời gọi đầu tư khu vực tư nhân, từ đó chúng ta có được đô thị thông minh như chúng ta muốn".
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Toàn, yếu tố quan trọng nhất đối với đô thị thông minh là chính sách nhà nước và sự vận động phát triển thị trường. Bởi vì đô thị thông minh hay thành phố số là sự phát triển tất yếu của thị trường, là sự phát triển tất yếu của công nghệ. Vấn đề chúng ta đón đầu sự phát triển đó như thế nào và chúng ta nuôi dưỡng sự phát triển đó như thế nào cho một đô thị bền vững.
Nói về thành phố thông minh, các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số giữ vai trò đặc biệt quan trọng ở trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, bên cạnh hiệu lực của chính phủ số, kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng.
Chuyển đổi số đồng bộ là nền tảng để xây dựng thành phố thông minh trên các lĩnh vực. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với các quốc gia, mọi lĩnh vực, ngành nghề. Hiện, chuyển đổi số đang được triển khai hết sức nhanh chóng, quyết liệt từ cấp Chính phủ, bộ, ngành đến các tỉnh, thành phố địa phương, doanh nghiệp ở Việt Nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2020, thành phố đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, giúp hoàn thiện cấu trúc chính quyền điện tử, phục vụ mục tiêu chiến lược xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh.
Thành phố đã chính thức ban hành chương trình "Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh" vào năm 2020, với mục tiêu tổng quát là phát triển chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số trong các ngành. Thành phố đặt ra tầm nhìn, mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.