Tháo gỡ khó khăn cho ngành dệt may

Ngành dệt may, da giày được đánh giá là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế mới, tác động của dịch Covid-19 kéo dài dẫn tới sự suy thoái của nhiều nền kinh tế trên thế giới, ngành dệt may, da giày Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.
0:00 / 0:00
0:00
Người tiêu dùng mua sắm tại Tuần lễ triển lãm sản phẩm ngành dệt may và da giày năm 2022, Quận 1.
Người tiêu dùng mua sắm tại Tuần lễ triển lãm sản phẩm ngành dệt may và da giày năm 2022, Quận 1.

Từ thực tế trên, Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may, da giày tháo gỡ khó khăn, cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, mở rộng thị trường xuất khẩu... Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết: Doanh nghiệp thuộc hai lĩnh vực dệt may và da giày tập trung phần lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh, với năng lực sản xuất tương đối lớn so với các địa phương khác.

Theo quy hoạch phát triển ngành dệt may, da giày giai đoạn 2022-2026 theo bảy khu vực, thì khu vực phía nam gồm: vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm thiết kế thời trang, trung tâm sản xuất mẫu mã, cung cấp dịch vụ, nguyên phụ liệu, công nghệ dệt may của cả nước.

Theo thống kê, ngành dệt may đã tìm ra đối sách đa dạng hóa thị trường. Doanh nghiệp đã chuyển đổi từ gia công sang phát triển mẫu, quản trị số, thúc đẩy giải pháp chuỗi cung ứng tự chủ...10 tháng năm 2022, ngành dệt may cả nước xuất khẩu sang 66 nước, vùng lãnh thổ đạt gần 38 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may 9 tháng năm 2022 của Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 43,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngành da giày đang đứng

thứ 5 trong các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam; nhưng vẫn chưa được công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kim ngạch xuất khẩu ngành da giày cả nước 9 tháng năm 2022 đạt 21 tỷ USD; trong đó Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021.

Các chuyên gia nhận định, hiện ngành dệt may, da giày đang đối mặt nhiều khó khăn, các thị trường nhập khẩu lớn tiếp tục giảm đơn hàng. Đồng thời, nhiều năm gần đây, các thị trường truyền thống liên tục đưa ra các tiêu chuẩn xanh về lao động, nguyên vật liệu và điều kiện sản xuất. Những yêu cầu sau càng nghiêm ngặt hơn yêu cầu trước.

Trong đó, nổi bật là “Chiến lược dệt may bền vững và tuần hoàn” với tầm nhìn đến năm 2030 do EU đề xuất. Giai đoạn 2023-2025, dự báo kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, ngành dệt may, da giày cần có hướng đi mới, giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu, chuyển dần trọng tâm sang khai thác thị trường nội địa và các thị trường khác.

Mới đây, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh (AGTEK), Hội Da giày Thành phố Hồ Chí Minh (SLA) tổ chức Tuần lễ triển lãm sản phẩm ngành dệt may và da giày năm 2022.

Tuần lễ quy tụ hơn 40 doanh nghiệp tiêu biểu của ngành dệt may, da giày của thành phố với các sản phẩm được lựa chọn trưng bày là sản phẩm mới, sản phẩm ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, sử dụng nguyên liệu truyền thống, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường như: sợi vải xanh từ bã cà-phê, lá và thân sen, vỏ sò, than vỏ dừa, cellulose bạc hà, chai nhựa PET...

Tuần lễ cũng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp của thành phố và hội viên Hội Dệt may thêu đan, hội viên Hội Da giày thành phố trưng bày, giới thiệu sản phẩm chất lượng để tìm kiếm đối tác trong nước và nước ngoài; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ tại thành phố, doanh nghiệp khởi nghiệp và sáng tạo trong ngành dệt may, da giày có định hướng sản xuất sản phẩm và xúc tiến xuất khẩu.

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Tuần lễ triển lãm sản phẩm ngành dệt may và da giày năm 2022 được tổ chức để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành dệt may, da giày gặp gỡ, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường sau một thời gian gián đoạn do dịch bệnh, là cơ hội giúp doanh nghiệp tìm kiếm và thúc đẩy quan hệ thương mại.

Cùng với hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, các chuyên gia nhấn mạnh: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được các doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam tận dụng rất tốt. Đây là một yếu tố giúp tăng trưởng xuất khẩu của ngành da giày rất tốt từ đầu năm đến nay. Vì vậy, để đón đầu và nắm bắt cơ hội do các hiệp định thương mại tự do mang lại, ngành dệt may và da giày cần đầu tư các quy trình tự động hóa, áp dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất...