Tăng cường chất lượng quản lý hoạt động khí tượng thủy văn

Trước những thách thức của biến đổi khí hậu, Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực khí tượng thủy văn; ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong công tác đo đạc, quản lý và sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn để nâng cao chất lượng dự báo hoạt động thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lũ, triều cường.
0:00 / 0:00
0:00
Mưa và triều cường thường xuyên gây ngập trên quốc lộ 13, phường 1, thành phố Thủ Đức.
Mưa và triều cường thường xuyên gây ngập trên quốc lộ 13, phường 1, thành phố Thủ Đức.

Thành phố Hồ Chí Minh nằm ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai và giáp biển ở phía nam, nơi có mạng lưới sông, kênh rạch chằng chịt; phân nửa độ cao địa hình của thành phố có đặc điểm là địa hình thấp. Do đó, thành phố là khu vực rất nhạy cảm với các yếu tố khí tượng thủy văn như vấn đề ngập khi mưa lớn và thủy triều dâng cao; thay đổi nhiệt độ làm tăng nhiệt độ vùng nội ô do mật độ xây dựng tăng cao. Nhiều năm qua, xu hướng biến đổi khí hậu đã và đang lan tỏa trên toàn cầu, làm ảnh hưởng đến quốc gia nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, tác động rõ nét tới yếu tố tự nhiên và môi trường, quá trình phát triển kinh tế-xã hội cũng như đời sống nhân dân. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng khí tượng thủy văn có xu hướng biến động phức tạp: Mùa mưa bão xuất hiện thất thường so với quy luật; đồng thời, tần suất xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng thiên tai như bão mạnh, lũ lớn, mưa to gia tăng nguy cơ ngập lụt đối với các vùng đất thấp… Những thách thức này, đòi hỏi thành phố cần tăng cường công tác quản lý hoạt động khí tượng thủy văn để phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và đời sống nhân dân.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Quyết định 2902/QĐ-UBND ngày 26/8/2022 triển khai Kế hoạch số 90-KH/TU ngày 31/12/2021 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn thành phố. Để thực hiện kế hoạch trên, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều giải pháp liên quan đến công tác quản lý, tuyên truyền, ứng dụng kỹ thuật công nghệ, cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khí tượng thủy văn. Cụ thể, liên quan đến giải pháp ứng dụng kỹ thuật, công nghệ, thành phố chú trọng phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng. Mạng lưới nhằm phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trong phát triển kinh tế-xã hội và phòng, chống thiên tai. Mạng lưới bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, nhất là thông tin về nguy cơ xảy ra các hiện tượng bất thường có thể ảnh hưởng hoặc gây thiệt hại về người, tài sản và môi trường với độ tin cậy, chính xác cao. Mạng lưới sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu liên ngành, dữ liệu của thành phố và quốc gia, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch, mạng trạm quốc gia. Ngoài ra, thành phố cũng xây dựng và phát triển hệ thống giám sát thời tiết, quan trắc khí tượng thủy văn tự động nhằm cảnh báo thiên tai, bão lũ, triều cường. Từ đó có đầy đủ dữ liệu, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai trên địa bàn thành phố. Thành phố sẽ xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu, phân tích thông tin trên WebGIS, Mobile GIS phục vụ giám sát khí tượng thủy văn trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đầu tư hệ thống thiết bị tiếp nhận, lưu trữ và quản lý dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn tự động. Thành phố tập trung các nghiên cứu khoa học về đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số và các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác khí tượng thủy văn như: Xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu tích hợp trong hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành tài nguyên và môi trường.

Để tạo nguồn lực cho công tác khí tượng thủy văn, thành phố sẽ kết hợp nguồn lực từ ngân sách nhà nước với các nguồn vốn đầu tư trong nước và ngoài nước, nhất là các nguồn vốn ưu đãi quốc tế cho công tác khí tượng thủy văn; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động khí tượng thủy văn; phát triển mạnh thị trường dịch vụ khí tượng thủy văn đáp ứng nhu cầu của các ngành, lĩnh vực. Trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung tham mưu triển khai 11 nhiệm vụ chủ yếu được đề ra trong kế hoạch bao gồm tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác tuyên truyền về khí tượng thủy văn; tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan để ứng dụng công nghệ kỹ thuật, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thời tiết cực đoan, thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu; xây dựng cơ chế, chính sách tại địa phương đáp ứng yêu cầu quản lý.