Ghana tuyên bố chấm dứt dịch bệnh do virus Marburg

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 16/9 thông báo, Bộ Y tế Ghana đã tuyên bố chấm dứt đợt bùng phát dịch bệnh do virus Marburg - 1 bệnh sốt xuất huyết gần như gây tỷ lệ tử vong tương tự Ebola - sau khi không có trường hợp nào được ghi nhận trong 42 ngày qua.
0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lấy mẫu xét nghiệm từ bệnh nhân nghi nhiễm virus Marburg ở Kinguangua, Angola. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)
Bác sĩ thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lấy mẫu xét nghiệm từ bệnh nhân nghi nhiễm virus Marburg ở Kinguangua, Angola. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)

Đây là lần đầu tiên dịch sốt xuất huyết do virus Marburg được phát hiện ở Ghana.

Cho đến nay, quốc gia Tây Phi này đã xác nhận tổng cộng 3 trường hợp nhiễm virus, trong đó có 2 ca tử vong, kể từ khi bắt đầu công bố dịch bệnh bùng phát ngày 7/7.

Giám đốc WHO khu vực châu Phi, Tiến sĩ Matshidiso Moeti nhận xét: “Mặc dù quốc gia này không có kinh nghiệm về virus, nhưng phản ứng của Ghana rất nhanh chóng và mạnh mẽ”.

Bà Moeti chia sẻ thêm: “Marburg là 1 căn bệnh đáng sợ vì nó có khả năng lây nhiễm cao và gây chết người. Hiện tại chưa có vaccine hoặc thuốc điều trị kháng virus. Bất kỳ sự bùng phát nào của Marburg đều là mối quan ngại lớn”.

Bệnh sốt xuất huyết do virus Marburg lây truyền sang người từ loài dơi ăn quả và lây lan từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể của bệnh nhân, hoặc các bề mặt và vật dụng.

WHO đã thông báo kết thúc đợt bùng phát virus Marburg đầu tiên ở Tây Phi vào tháng 9/2021, 42 ngày sau khi 1 trường hợp duy nhất được xác định ở Guinea.

Các đợt bùng phát và ca bệnh lẻ tẻ trước đây đã được báo cáo ở nhiều nơi khác thuộc châu Phi - bao gồm Angola, Kenya, Uganda, Nam Phi và Cộng hòa dân chủ Congo.

Bệnh khởi phát đột ngột, sốt cao, nhức đầu dữ dội và cuối cùng là tình trạng khó chịu.

Theo WHO, tỷ lệ tử vong trong các đợt dịch trước đây dao động từ mức 24% đến 88%, tùy thuộc vào chủng virus và cách quản lý ca bệnh.

Mặc dù không có vaccine hoặc phương pháp điều trị kháng virus nào được phê duyệt, song bù nước bằng đường uống hoặc đường tĩnh mạch và điều trị những triệu chứng cụ thể sẽ cải thiện tỷ lệ sống sót của các bệnh nhân.