Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ hè thu năm 2022, các tỉnh, thành phố vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên xuống giống hơn 181 nghìn ha (tăng 0,84 nghìn ha so với cùng kỳ năm 2021; năng suất đạt từ 58-63 tạ/ha, tăng 1,65-2 tạ/ha; sản lượng ước đạt 1.145.000 tấn, tăng 35 nghìn tấn).
Thời gian qua, các địa phương chủ động tu sửa, nâng cấp hệ thống kênh mương thủy lợi, các hồ chứa; chủ động rà soát sắp xếp thời vụ, mùa vụ phù hợp cho từng khu vực, triển khai tốt việc phòng, chống dịch hại và tiết kiệm chi phí sản xuất…, góp phần tích cực trong nâng cao nhận thức của nông dân về sử dụng giống tốt, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ngày càng nhiều, đã nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, nên sản xuất các mùa vụ hằng năm ngày càng đem lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, sản xuất trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên còn manh mún, chưa có sự hợp tác, liên kết giữa các nông hộ với nhau nên việc quản lý sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quản lý chất lượng sản phẩm thu hoạch, chế biến tiêu thụ còn nhiều khó khăn.
Các đại biểu tham quan những gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng đem lại năng suất và lợi nhuận cao cho nông dân tỉnh Ninh Thuận trong quá trình thực hiện chuyển đổi cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao tại những vùng khô hạn. |
Giá vật tư nông nghiệp tăng và khan hiếm lao động dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư, khiến cho lợi nhuận của nông dân bị giảm; cơ giới hóa trong sản xuất chưa được quan tâm đúng mức…
Tại hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhận xét, trong vụ hè thu, nhờ nguồn nước tưới ổn định nên số diện tích ngưng sản xuất tại các tỉnh, thành phố giảm nhiều so với những năm trước; việc chuyển đổi cây trồng ngày càng được chú trọng… đã đem lại hiệu quả cao.
Chuẩn bị cho vụ đông xuân sắp tới, với thuận lợi về nguồn nước đang tích chứa nhiều tại hệ thống thủy lợi, các tỉnh, thành phố cần xác định cụ thể việc chọn giống và hướng dẫn bà con thực hiện lịch xuống giống gieo trồng phù hợp và chủ động các biện pháp ứng phó với thời tiết biến động để bảo đảm sản xuất hiệu quả từng vừng.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giúp nông dân giảm phân bón trong chăm sóc để nâng cao giá trị sản phẩm sạch, giảm chi phí trồng cây lúa và những cây trồng mới trong quá trình chuyển đổi nhằm đem lại năng suất, lợi nhuận ngày càng cao cho nông dân vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong tương lai.