Phóng viên: Thưa Phó Cục trưởng, với tư cách là người chỉ huy, trực tiếp tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội để triển khai các dự án, đề án, đồng chí có thể cho biết những khó khăn, vất vả, thách thức của lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong quá trình thực hiện những công việc được coi là cuộc “cách mạng số” của lực lượng Công an nhân dân?
Đại tá Tô Anh Dũng: Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử, Đề án 06 là các dự án, Đề án lớn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an đặc biệt quan tâm.
Trong đó, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay, chuyển đổi phương thức cũ sang phương thức mới ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Căn cước công dân. Khối lượng công việc lớn, nhiều việc chưa có tiền lệ thực hiện, trong khi đó, đòi hỏi về mặt thời gian rất cấp bách, tạo ra áp lực công việc đối với ban, bộ, ngành nói chung và Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội nói riêng.
Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến các quốc gia trên thế giới và Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình triển khai các dự án của Nhà nước nói chung và dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; sản xuất, cấp và quản lý CCCD, mà rõ nhất là ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng, dẫn đến việc nhập khẩu hệ thống máy móc thiết bị từ nước ngoài về bị chậm so với dự kiến.
Bên cạnh đó, việc thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin dân cư tại cơ sở đòi hỏi nguồn nhân lực lớn và được đào tạo, tập huấn đầy đủ. Trong khi đó, Công an các đơn vị, địa phương biên chế còn khó khăn…
Tuy nhiên, nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, tính cấp bách của các dự án và những khó khăn thách thức đặt ra, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, lãnh đạo Bộ Công an đã xác định đây là một “chiến dịch”, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của toàn lực lượng. Bộ Công an đã thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai quyết liệt, lồng ghép các nhiệm vụ, qua đó góp phần giảm mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, theo đúng nguyên tắc đã đề ra là “hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí”.
Đến nay, đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Đồng thời, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tiếp tục tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an triển khai Đề án 06 theo lộ trình đề ra.
Phóng viên: Trong những tháng ngày nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, có những câu chuyện hay kỷ niệm gì về sự vất vả trong khi làm nhiệm vụ gây ấn tượng với đồng chí?
Đại tá Tô Anh Dũng: Có rất nhiều kỷ niệm về sự vất vả trong quá trình làm nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính, một trong số đó là hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, sự chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo của Bộ Công an về huy động tổng lực lượng phòng, chống dịch Covid-19.
Vào ngày 22/8/2021, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tăng cường 48 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 2 cán bộ là nữ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tham gia giúp việc Bộ Chỉ huy tiền phương của Bộ Công an tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam.
Lần đi này, ngoài công tác phòng, chống dịch, các cán bộ, chiến sĩ đã chú trọng việc tăng cường, hỗ trợ Công an TP Hồ Chí Minh và Công an các tỉnh, thành phố phía nam triển khai, thực hiện quản lý di biến động dân cư, triển khai hệ thống phần mềm quản lý công dân vùng dịch, hệ thống quản lý tiêm chủng, hệ thống phần mềm hỗ trợ thực hiện Nghị quyết số 68/2021/NQ-CP, ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động ảnh hưởng do dịch.
Có thể nói, toàn thể cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội được tăng cường đã lên đường với tinh thần không ngại khó, không ngại khổ, quyết tâm và đã cùng với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ, TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh, thành phố phía nam kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19
Phóng viên: Trong việc triển khai các dự án, đề án, có rất nhiều những công nghệ lần đầu được đưa vào sử dụng, cán bộ chiến sĩ C06 có gặp nhiều “bỡ ngỡ” khi triển khai hay không?
Đại tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an). |
Đại tá Tô Anh Dũng:
Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hệ thống thông tin lớn nhất từ trước tới nay của Bộ Công an và là 1 trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia để hình thành Chính phủ số.
Đặc biệt, mới đây, ngày 18/7/2022, Bộ Công an đã công bố hệ thống Định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức, là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia.
Hệ thống có quy mô triển khai diện rộng phủ khắp 63 tỉnh, thành phố với hàng chục nghìn cán bộ công an các địa phương truy cập cùng lúc. Qua theo dõi, mỗi ngày hệ thống phải tiếp nhận và xử lý gần 110 nghìn hồ sơ (60 nghìn hồ sơ về cư trú, 50 nghìn hồ sơ về căn cước công dân) nên cần sử dụng những công nghệ hiện đại nhất để xử lý bài toán lưu trữ, để phục vụ lưu hồ sơ của công dân cũng như phải bảo đảm hiệu năng, tốc độ để xử lý, phê duyệt để bảo đảm thời hạn trả kết quả cho người dân.
Với các yêu cầu cao về hệ thống như trên, quá trình thực hiện đã gặp nhiều khó khăn ngay từ khi nghiên cứu, lựa chọn các giải pháp công nghệ để thiết kế hệ thống. Thực trạng chất lượng cũng như số lượng nguồn nhân lực về công nghệ thông tin trong Bộ Công an nói riêng và các cơ quan nhà nước nói chung còn thấp. Cùng với đó là hiện trạng về hạ tầng thông tin chưa được đầu tư nên cũng chưa có môi trường phù hợp để cán bộ chiến sĩ có điều kiện để học tập, trau dồi kỹ năng, kiến thức.
Tuy nhiên, không vì những khó khăn trên mà Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có tâm lý lo sợ, ngại khó khăn. Ngay từ khi thiết kế hệ thống, C06 đã phân công cụ thể vai trò, nhiệm vụ đối với từng cán bộ để phối hợp nghiên cứu, trao đổi cùng các chuyên gia hàng đầu có kinh nghiệm ở cả trong và ngoài nước nghiên cứu, lựa chọn giải pháp; chủ động phối hợp cùng các nhà thầu trong quá trình cài đặt hệ thống cũng như trực tiếp quản trị, vận hành khi hệ thống được đưa vào hoạt động chính thức.
Phóng viên: Bộ Công an những năm gần đây đã có những sự đổi mới rất rõ nét, nhất là trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào công việc, đồng chí có thể chỉ rõ những tiện ích mà người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi?
Đại tá Tô Anh Dũng: Chuyển đổi số mục tiêu là vì lợi ích của nhân dân; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và phải bắt đầu từ người dân. Tuy nhiên phải bảo đảm tính pháp lý, an toàn, bảo mật và niềm tin của người dân, không thể phát triển nóng mà không tuân thủ. Đó là quan điểm chỉ đạo, là nguyên tắc xuyên suốt của lãnh đạo Bộ Công an trong quá trình triển khai thực hiện.
Chính vì vậy trong 2 năm vừa qua, Bộ Công an đã quyết tâm xây dựng thành công và đưa vào vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ bản hoàn thành việc cấp CCCD gắn chíp, thực hiện bỏ sổ hộ khẩu nhằm cải cách hành chính mang lại tiện ích cho người dân; đã hoàn thành vượt tiến độ mà Bộ Công an cam kết trước Quốc hội.
Đồng thời, Bộ Công an đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 06 “phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030”. Đây là đề án quốc gia có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với chuyển đổi số của quốc gia mà Bộ Công an là thường trực.
Bộ Công an đã gương mẫu, đi đầu, hoàn thành 9/11 dịch vụ công mức độ 4; đồng thời mở rộng thực hiện 187/224 nhóm dịch vụ công khác của lực lượng Công an nhân dân, trong đó mở rộng phân cấp đến tận cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện. Riêng trong tháng 5/2022, đã triển khai 2 dịch vụ công cấp hộ chiếu online; phân cấp đăng ký, cấp biển số xe ô-tô và mô-tô tại cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, Bộ Công an đã triển khai 2 tháng thí điểm dịch vụ công tại 3 nhà văn hóa thuộc Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội....
Triển khai thí điểm sử dụng thẻ CCCD thay thẻ ATM tại thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh. Tích hợp thông tin bảo hiểm y tế lên thẻ CCCD…
Phóng viên: Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ phải thực hiện tiếp các công việc gì để việc triển khai Đề án 06 bảo đảm tiến độ?
Đại tá Tô Anh Dũng: Trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an tham mưu với lãnh đạo Bộ trình Chính phủ ban hành các văn bản pháp lý, các Nghị định để hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư.
Tham mưu, đẩy mạnh việc thực hiện các dịch vụ công thiết yếu đã hoàn thành, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân tạo lập tài khoản và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục đơn giản hóa các giấy tờ, tài liệu để triển khai thực hiện dịch vụ công Cư trú. Hoàn thành phần mềm thực hiện 2 thủ tục liên thông: Liên thông Đăng ký khai sinh, Đăng ký thường trú, Cấp thẻ bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi; Liên thông Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí, để tạo tiện ích nhất cho người dân
Đẩy mạnh việc ứng dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử trong lĩnh vực ngân hàng, triển khai các thiết bị đầu đọc QR code trên thẻ CCCD phục vụ các điểm tiếp công dân giải quyết các thủ tục hành chính, góp phần rút ngắn quy trình, số hóa dữ liệu. Phục vụ việc kiểm soát, xác thực thông tin tiêm chủng, đọc các thông tin tích hợp trên thẻ CCCD: Bảo hiểm y tế, bằng lái xe... Làm sạch thông tin thuê bao di động; phối hợp với ngân hàng cấp tài khoản an sinh xã hội cho nhóm đối tượng được hưởng an sinh xã hội.
Chủ động làm việc với các đơn vị thuộc các Bộ, ngành để đẩy nhanh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đảm bảo đúng tiến độ. Phân tích dữ liệu dân cư trên hệ thống bản đồ số, báo cáo, đề xuất lãnh đạo Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương để hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, chỉ đạo, điều hành.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi.