KỶ NIỆM 47 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM,THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2022)

Phong trào “Đồng khởi mới” ở Bến Tre

Sau ngày giải phóng, Bến Tre là một trong những tỉnh nghèo nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thế nên, phát huy mạnh mẽ tinh thần đồng khởi năm xưa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre đã phát động phong trào “Đồng khởi mới” nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa quá trình xây dựng quê hương.

Một góc đô thị trung tâm thành phố Bến Tre hôm nay. (Ảnh TRUNG HIẾU)
Một góc đô thị trung tâm thành phố Bến Tre hôm nay. (Ảnh TRUNG HIẾU)

Bến Tre là quê hương của phong trào Đồng khởi vào năm 1960, tạo nên bước ngoặt của cách mạng miền nam, tiến tới thống nhất đất nước. Vùng đất Đồng khởi anh hùng năm xưa giờ đang đổi thay từng ngày cùng với sự phát triển chung của đất nước.

Diện mạo mới ở vùng quê cách mạng

Sau ngày đất nước thống nhất, Bến Tre đối mặt với muôn vàn khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là hạ tầng giao thông khi Bến Tre được hình thành bởi ba dãy cù lao tách biệt với đất liền, muốn ra khỏi tỉnh đều phải “lụy” phà. Vì thế, tỉnh đã tập trung phát triển hạ tầng giao thông để mở đường cho phát triển kinh tế. Lần lượt những cây cầu nối các dãy cù lao được hoàn thành như An Hóa, Hàm Luông, giúp giao thông trong tỉnh thông suốt. Đến năm 2009, cầu Rạch Miễu rồi cầu Cổ Chiên được đưa vào sử dụng, giúp Bến Tre không còn là “ốc đảo”.

Đại tá Trần Quốc Việt, 74 tuổi, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre, cho biết, bằng sự đồng lòng, tỉnh từng bước xây dựng hạ tầng giao thông, điện, trường, trạm, cơ sở sản xuất... để phát triển. Trong đó, cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền nối với tỉnh Tiền Giang là tiền đề để phát triển kinh tế. Các khu công nghiệp được hình thành và lấp đầy, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

Thành phố Bến Tre, trung tâm tỉnh lỵ Bến Tre, đang phát triển nhanh, đồng bộ và được công nhận đô thị loại II từ năm 2019. Chủ tịch UBND thành phố Bến Tre Huỳnh Vĩnh Khánh cho biết, thời gian tới, thành phố Bến Tre tập trung xây dựng đô thị theo hướng xanh, sạch, đẹp và thân thiện; quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, chủ yếu là hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị theo hướng thực hiện các tiêu chí đô thị loại I.

Xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, vùng đất là “cái nôi của phong trào Đồng khởi”, từng phải đối mặt với cảnh nghèo khó, kinh tế kém phát triển. Đồng chí Lê Văn Cảm, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Định Thủy, kể lại: “Định Thủy là vùng đất cách mạng lại gần với trung tâm huyện lỵ nên hứng chịu rất nhiều bom đạn trong kháng chiến. Sau ngày hòa bình, người dân mới trở về sinh sống. Lúc đó rất khó khăn, Đảng ủy, UBND xã quyết định chọn những việc không tốn kinh phí để làm trước như: Vận động đoàn viên, thanh niên làm đường phục vụ việc đi lại của người dân, đắp đập để phát triển nông nghiệp, lấp hố bom để xây chợ... Sau đó mới xây dựng trường, trạm và các công trình khác”.

Nay, Định Thủy đã xây dựng thành công xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Phó Chủ tịch UBND xã Định Thủy Phạm Văn Ngời cho biết: “Hiện, toàn xã có 1.112 ha dừa, trong đó có 144 ha dừa hữu cơ. Hầu hết người dân trồng dừa ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp giá bán cao, ổn định. Địa phương có 159 cơ sở chuyên gia công các mặt hàng dừa giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động; thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển. Thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt hơn 68 triệu đồng/người/năm, cao gấp hai lần so với năm 2015. Cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng thông suốt từ xã tới các ấp... Nghị quyết của Đảng ủy xã Định Thủy xác định đến năm 2023 sẽ hoàn thành các tiêu chí để công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu”.

Nhiều địa phương khác ở Bến Tre, từ nông thôn đến thành thị, cũng đang thay đổi từng ngày. Đường quốc lộ 57B về trung tâm huyện Bình Đại không còn đá đỏ gồ ghề, cầu sắt cũ kỹ như trước, mà thay bằng đường nhựa, cầu bê-tông kiên cố. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng cho biết, từ địa phương vùng sâu, nghèo khó, đến nay, huyện Bình Đại đã có những bước phát triển vượt bậc.

Đổi thay lớn nhất là xây dựng hạ tầng giao thông, xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị, phát triển kinh tế biển... Trong nhiệm kỳ này, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Bến Tre phát triển về hướng đông. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển chiều sâu, gia tăng sản lượng, chất lượng hàng hóa trên đơn vị sản xuất, phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, thủy sản theo từng chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực là dừa và thủy sản...

“Đồng khởi mới” để bứt phá vươn lên

Từ sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ tỉnh Bến Tre đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết phát huy mạnh mẽ tinh thần đồng khởi năm xưa để làm thành phong trào “Đồng khởi mới” xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Năm 1997, Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy Bến Tre đã phát động phong trào “Đồng khởi mới” đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đẩy lùi nghèo nàn, lạc hậu. Ngày 29/1/2021, Tỉnh ủy Bến Tre ban hành Nghị quyết số 04 về phát triển Bến Tre về hướng đông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu đầu tư phát triển giao thông, khu công nghiệp, cảng nước sâu, du lịch, nuôi tôm công nghệ cao, điện gió…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho biết, năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 0,53% và đứng thứ 7 khu vực đồng bằng sông Cửu Long; GRDP bình quân đầu người đạt 43,2 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách vượt dự toán Trung ương giao. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,248 tỷ USD. Hiện, tỉnh đang khẩn trương triển khai thực hiện 11 công trình, dự án trọng điểm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 đã đề ra, đặc biệt là dự án cầu Rạch Miễu 2 vừa được khởi công xây dựng vào tháng 3/2022.

Đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi đa mục tiêu; triển khai dự án tuyến đường bộ ven biển; các dự án thích ứng biến đổi khí hậu, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, hạ tầng cấp nước ngọt, phòng, chống xâm nhập mặn; phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển công nghệ cao; hoàn thành cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận và kêu gọi đầu tư; đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển đô thị...

Đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, Tỉnh ủy Bến Tre thống nhất chọn chủ đề năm 2022 là “Đồng thuận-Sáng tạo-Phát triển”. Với quyết tâm, khát vọng vươn lên sánh cùng các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước, Bến Tre đang đổi mới mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chào đón và tạo cơ hội tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài về đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ 11 đã đề ra mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Phát huy truyền thống anh hùng, tỉnh Bến Tre quyết tâm khắc phục những khó khăn, bước qua thách thức, tận dụng thời cơ, thực hiện thắng lợi cuộc “Đồng khởi mới” để đưa Bến Tre sớm vươn lên thành tỉnh phát triển khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước; đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.