Hội thảo nằm trong kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn và phát triển liên kết theo chuỗi giá trị tại các địa phương trồng lúa trọng điểm của đồng bằng sông Cửu Long; nhằm thảo luận các giải pháp sản xuất lúa gạo bền vững, thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia thông qua mô hình hợp tác xã kiểu mới và chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Long Trương Sỹ Bá trình bày Đề án phát triển chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo và xây dựng thương hiệu gạo quốc gia A An. Đề án là một bức tranh tổng thể về hiệu quả sản xuất-kinh doanh lúa gạo của tập đoàn trong lĩnh vực xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; hệ thống cơ sở hạ tầng các nhà máy xử lý lúa gạo sau thu hoạch và chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo bền vững. Trong đó, nhấn mạnh ý nghĩa - mục đích - các giai đoạn triển khai mô hình hợp tác xã kiểu mới và phát triển giống lúa.
Trong mô hình hợp tác xã kiểu mới, doanh nghiệp tham gia góp vốn và điều hành, bao tiêu toàn bộ lúa canh tác sau thu hoạch; nông dân tham gia tích tụ ruộng đất. Khi mô hình đủ lớn và tập trung được số lượng đông đảo hợp tác xã, sẽ thành lập liên hiệp hợp tác xã theo mô hình tập đoàn.
Phát triển hợp tác xã kiểu mới thành công sẽ ứng dụng được đồng bộ kỹ thuật canh tác tiên tiến trên cánh đồng quy mô lớn; tiết kiệm các chi phí vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, chuyển sang định hướng sử dụng phân bón hữu cơ, ít ảnh hưởng đến chất lượng đất canh tác, từ đó có thể canh tác lâu dài với chi phí ngày càng thấp và sản phẩm lúa gạo ngày càng chất lượng hơn.
Đối với kế hoạch về giống lúa, Tập đoàn Tân Long cho biết sẽ tích cực hợp tác với kỹ sư Hồ Quang Cua - cha đẻ của giống lúa ST25 để phát triển và phục tráng giống; chọn giống lúa xác nhận trong canh tác... Ngoài ra, sẽ tiến hành đặt hàng nghiên cứu và phát triển các giống lúa cao cấp trong tương lai.
“Chúng tôi tích cực liên kết với nông dân và mở rộng bao tiêu theo mô hình hợp tác xã kiểu mới nhằm xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn và phát triển chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo bền vững, hướng đến tầm nhìn quy mô sản xuất hơn 1 triệu tấn gạo thành phẩm chất lượng cao trước năm 2030 và xây dựng thành công thương hiệu gạo quốc gia A An". Ông Trương Sỹ Bá nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các diễn giả tham dự đã tham gia trình bày, thảo luận về nội dung xoay quanh mục tiêu phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới, chuyển đổi số trong nông nghiệp và các tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất lúa gạo an toàn, giải pháp kiểm soát dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết, tỉnh sẽ có một đồng chí lãnh đạo điều phối mối quan hệ giữa doanh nghiệp và hợp tác xã. Sở đang làm chương trình tập huấn cho những cán bộ địa phương và những người chuyên môn tham gia xây dựng tái cơ cấu nông nghiệp hiểu rõ kinh tế hợp tác xã thì mới thực hiện tốt việc điều phối mối quan hệ giữa doanh nghiệp và hợp tác xã. Ngoài ra, tỉnh sẽ cung cấp nền tảng chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán.