Hà Nội nỗ lực tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh nhất

NDO -

Sáng 6/11, thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19”. 

Hà Nội tổ chức Hội nghị “Đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19”. (Ảnh: DUY LINH)
Hà Nội tổ chức Hội nghị “Đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19”. (Ảnh: DUY LINH)

Dự Hội nghị có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng 150 đại biểu đại diện các bộ, ngành trung ương, thành phố Hà Nội, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn (không bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết: Tổng sản phẩm GRDP của thành phố 9 tháng đầu năm 2021 tuy tăng trưởng dương 1,28% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Trong 10 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội giảm 7,8%; kim ngạch xuất khẩu giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 76%, nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lại giảm 10%, doanh nghiệp giải thể tăng 26%, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, một số chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ bị gián đoạn; việc giao thương hàng hóa, đi lại gặp nhiều khó khăn và bị xáo trộn bởi đại dịch Covid 19.

Đồng hành và chia sẻ trước những khó khăn của doanh nghiệp, chính quyền thành phố Hà Nội đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh.

TP Hà Nội đã miễn, giảm, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho hơn 38.000 lượt doanh nghiệp, người nộp thuế, với tổng số tiền đã thực hiện là 22.600 tỷ đồng. Đồng thời, chi hỗ trợ bằng tiền mặt số tiền 4.276 tỷ đồng cho hơn 4,3 triệu lượt đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19, bổ sung 1.050 tỷ đồng cho 9.886 người lao động vay vốn nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm…

Hà Nội nỗ lực tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh nhất -0
Quang cảnh Hội nghị. 

Tại Hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều đề xuất, kiến nghị tới thành phố, tập trung vào 6 nhóm vấn đề gồm: miễn, giảm tiền thuê đất năm 2021; hỗ trợ tiếp cận tài chính để phục vụ sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động, tạo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động; cho phép giãn nợ vay đối với khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021. Đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội cho phép doanh nghiệp được tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội hết năm 2021.

Các doanh nghiệp đề nghị thành phố hỗ trợ chi phí chống dịch như xét nghiệm Covid-19, phun khử khuẩn khi thực hiện giao hàng hóa tại các tỉnh, thành khác và sớm tiêm phòng vaccine (đủ 2 mũi) cho người lao động. Tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa thuận lợi, không bị ách tắc, thống nhất trên toàn quốc về việc kiểm soát lưu thông hàng hoá, kiểm soát người đi lại trong mùa dịch; ổn định chi phí logistics…

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) cho biết, doanh nghiệp đề xuất Trung ương và thành phố ban hành các chính sách có tính chất dài hơi để hỗ trợ doanh nghiệp như giảm, giãn, gia hạn thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh; các chính sách phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước, hình thành các chuỗi liên kết Việt.

Về phía Hà Nội, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 năm 2022 và 2023. Trong đó, mục tiêu là hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn nhằm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian ngắn nhất. Bảo đảm ổn định kinh tế, cân đối ngân sách, củng cố nguồn thu cho ngân sách; Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Để thực hiện mục tiêu này, thành phố tiếp tục kiểm soát dịch Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế; duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối ngân sách; Phục hồi và phát triển ngành, lĩnh vực; xây dựng tiêu chí thích ứng an toàn với dịch Covid-19 và kế hoạch phục hồi, phát triển. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thành lập một số tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đầu tư công.

Về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thành phố sẽ thực hiện nhanh nhất, đầy đủ nhất các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về: Miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp; Hỗ trợ lưu thông hàng hóa và đi lại; Hỗ trợ chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh… 

Đồng thời, thực hiện các cơ chế chính sách của thành phố như thúc đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các Đề án, Kế hoạch đã ban hành. Đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách, bảo đảm thực chất, hiệu quả, thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi, phát triển kinh tế trong thời gian nhanh nhất.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép