Ngay khi phát hiện có ca nhiễm Covid-19, chính quyền các địa phương đã lập tức phong tỏa, tạm ngừng hoạt động hai chợ đầu mối là chợ phía Nam, chợ Minh Khai và hai chợ đang hoạt động như quy mô chợ đầu mối là Long Biên, Phùng Khoang để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh. Tại chợ Long Biên, khi chợ bị đóng, nhiều tiểu thương chở rau, củ, quả đến bán đã phải đưa hàng về.
Một số người tranh thủ bán ngay trên đường Trần Nhật Duật bên ngoài chợ, để giải quyết số hàng đã nhập. Nguồn hàng bán buôn bị ảnh hưởng đã khiến giá một số loại rau xanh, củ, quả… trên thị trường tăng nhẹ trong những ngày qua.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, ngay khi các chợ đầu mối phải đóng cửa, sở đã phối hợp các huyện ngoại thành tập trung hàng hóa, giao cho các hệ thống phân phối của siêu thị thu mua tăng số lượng để bù vào nguồn cung bên ngoài bị thiếu hụt.
Các đơn vị cũng tích cực rà soát, truy vết, phun khử khuẩn…, bảo đảm yêu cầu dịch tễ để có thể sớm mở cửa trở lại các chợ. Ngoài ra, UBND thành phố chỉ đạo Sở Công thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các quận, huyện, thị xã tìm các điểm đất trống để làm điểm trung chuyển nông sản, hàng hóa thiết yếu, nhằm giảm áp lực cho các chợ đầu mối, đồng thời, sẵn sàng cho những tình huống dịch bệnh diễn biến bất thường.
Hiện, hai ngành công thương, nông nghiệp đang đề xuất thành phố bố trí một số điểm như bến xe Hà Đông, bến xe Yên Nghĩa, sân vận động huyện Thanh Trì, sân vận động huyện Hoài Đức và một số vị trí khác tại huyện Gia Lâm… làm điểm trung chuyển nông sản, hàng hóa thiết yếu.
Đồng thời, kiến nghị thành phố đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho Hà Nội sử dụng Trung tâm Xúc tiến thương mại của bộ tại quận Cầu Giấy làm nơi tập kết trung chuyển hàng từ các địa phương, giảm tải cho chợ đầu mối. “Nguồn hàng từ các tỉnh đưa về Hà Nội được tập kết ở các điểm trên địa bàn giáp ranh vào thành phố, từ đó các đầu mối có thể cung ứng hàng hóa về cho tiểu thương đi các chợ dân sinh" - Bà Phương Lan cho biết.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Bởi trong điều kiện bình thường, hệ thống chợ đầu mối cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài hai chợ đầu mối phía Nam và Minh Khai, nhiều chợ còn lại chỉ là chợ hạng 2, hạng 3, quy mô nhỏ, diện tích có hạn lại nằm ở giữa khu dân cư đông đúc, nhưng đang phải hoạt động như quy mô của chợ đầu mối.
Đó là các chợ Long Biên, Bắc Thăng Long, Phùng Khoang, Văn Quán, Hà Vỹ... Các chợ này chưa thực hiện tốt các chức năng tập trung mối hàng cung cấp cho thị trường Hà Nội, điều tiết giá cả thị trường, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, cũng như đảm nhiệm được chức năng xuất khẩu nông sản, hàng hóa ra nước ngoài...
Năm 2012, Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đặt mục tiêu xây dựng thêm năm chợ đầu mối nông sản tại các huyện Gia Lâm, Mê Linh, Phú Xuyên, Quốc Oai, thị xã Sơn Tây, quy mô mỗi chợ 30 ha.
Tuy nhiên, hiện mới chỉ có một số doanh nghiệp nghiên cứu đề xuất các dự án đầu tư chợ đầu mối nông sản tại huyện Mê Linh; chợ đầu mối hàng nông nghiệp nông thôn (Ocop) thị trấn sinh thái Quốc Oai và chưa có dự án nào được triển khai. Cùng với đó, Dự án Nghiên cứu khả thi xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại TP Hà Nội (dự kiến triển khai tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, quy mô khoảng 155 ha) cũng đang chậm tiến độ vì nhiều nguyên nhân.
Thực tế này đòi hỏi cần có sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu, cùng với các chính sách ưu đãi về đất, thuế, vốn vay để các đơn vị đầu tư phát triển hệ thống chợ đầu mối. Khi các chợ đầu mối được xây dựng, nâng cấp đồng bộ, bảo đảm vệ sinh môi trường, có hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với khâu chế biến và phân phối hiện đại sẽ góp phần đưa thành phố trở thành trung tâm thương mại lớn, hiện đại của cả nước.