Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét các nội dung theo chương trình công tác năm 2021, gồm: Đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định việc thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính một số đơn vị hành chính tại thành phố Hà Nội và ba tỉnh: Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang; xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới để mở rộng TP Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đồng thời, cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp tục sử dụng số vốn còn lại của Nghị quyết số 324/NQ-UBTVQH14 để đầu tư xây dựng các dự án Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong giai đoạn 2021-2025; xem xét, quyết định về phương án sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2020; cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung kinh phí mua bù vaccine, hóa chất sát trùng và hạt giống cây trồng quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là phiên họp thường kỳ đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi được kiện toàn nhân sự Chủ tịch Quốc hội, một số Phó Chủ tịch Quốc hội, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian qua, các cơ quan hữu quan đã tích cực, khẩn trương chuẩn bị nội dung phiên họp, tuy nhiên vẫn còn ba nội dung do Chính phủ chưa chuẩn bị kịp theo tiến độ, nên phải rút ra khỏi chương trình phiên họp, gồm: Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; báo cáo tài chính Nhà nước năm 2019; báo cáo công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2020.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, bên cạnh việc tập trung cao độ cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, từ sau Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để bảo đảm hoạt động của Quốc hội được liên tục, thông suốt và hiệu quả. Đồng thời, tích cực chuẩn bị xây dựng các đề án, chương trình hành động nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 11, nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Quốc hội khóa XV.
Theo tinh thần đó, ngay sau Kỳ họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị với tất cả đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách ngành, lĩnh vực đã triển khai kế hoạch làm việc với 10 cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm tìm hiểu sâu, nghiên cứu kỹ tổ chức và hoạt động của từng cơ quan, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị đề xuất nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, chương trình công tác còn lại của Quốc hội khóa XIV; đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị trong thời gian một ngày diễn ra phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng, xem xét thấu đáo các vấn đề trước khi quyết định, bảo đảm phiên họp diễn ra thành công tốt đẹp.
* Ngay sau phiên khai mạc, trong thời gian làm việc sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, quyết định việc thành lập, điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính tại thành phố Hà Nội và ba tỉnh: Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang.
Với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới và thành lập các đơn vị hành chính của các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang và TP Hà Nội. Việc điều chỉnh địa giới hành chính theo các Tờ trình của Chính phủ là cần thiết, đúng quy định của pháp luật.
Theo đó, tỉnh Thanh Hóa thành lập thị trấn Quý Lộc và thị trấn Yên Lâm trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Quý Lộc và xã Yên Lâm thuộc huyện Yên Định. Sau khi thành lập, tỉnh Thanh Hóa có 559 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, huyện Yên Định có 26 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 22 xã và bốn thị trấn.
Tỉnh Đồng Nai, thành lập thị trấn Long Giao trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Long Giao thuộc huyện Cẩm Mỹ. Sau khi thành lập, tỉnh Đồng Nai có 170 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó, huyện Cẩm Mỹ có 12 xã và một thị trấn.
Tỉnh Tuyên Quang điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị trấn thuộc huyện Lâm Bình, huyện Yên Sơn. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị trấn, tỉnh Tuyên Quang có 138 đơn vị hành chính cấp xã.
Thành phố Hà Nội điều chỉnh toàn bộ phần diện tích tự nhiên của 08 tổ dân phố khu vực Bắc Nghĩa Tân của phường Nghĩa Tân đang thuộc địa giới hành chính của phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm về địa giới hành chính của phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy quản lý. Điều chỉnh toàn bộ phần diện tích tự nhiên của tổ dân phố số 28 - tập thể Bệnh viện 19-8 của phường Mai Dịch đang thuộc địa giới hành chính của phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm về địa giới hành chính của phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy quản lý.
Đối với tổ dân phố Hoàng 4 của phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm (trước đây là thôn Hoàng 4 của xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm) nằm giữa các tổ dân phố Bắc Nghĩa Tân do phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy quản lý giữ nguyên hiện trạng .
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, việc lập thêm phường mới, thị trấn mới là điều tất yếu trong quá trình đô thị hóa. Vấn đề quan trọng là phải xem xét lại các quy hoạch để phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó, phát triển về quy hoạch hạ tầng giao thông phải gắn với phát triển kinh tế đô thị.
Tại phiên họp sáng nay, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt thống nhất việc điều chỉnh địa giới để mở rộng TP Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên Huế có kế hoạch chi tiết, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, từ quy hoạch cho đến hạ tầng, các tiêu chí liên quan đến việc sắp xếp 9 phường và thành lập 4 phường mới, bảo đảm không nợ chỉ tiêu…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương tổng kết, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Nghị quyết 1210 và Nghị quyết 1211 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII để làm rõ mô hình thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ chế đặc thù phù hợp từng loại hình đơn vị.
* Chiều nay, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Sau khi các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu ý kiến, thảo luận về hai nội dung này; kết luận nội dung làm việc, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo báo cáo được xây dựng dựa trên cơ sở kết quả thực tế của kỳ họp và đã lấy ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội cũng như tổng hợp dư luận, đánh giá của nhân dân và cử tri cả nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV thành công rất tốt đẹp, để lại dấu ấn và tình cảm rất tốt đẹp trong nhân dân và cử tri cả nước. Đây là kỳ họp liên quan đến kiện toàn nhân sự, nên không chỉ nhân dân trong nước, mà dư luận khu vực và thế giới cũng quan tâm rất nhiều. Sau khi Quốc hội kiện toàn nhân sự lãnh đạo cấp cao, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội nhận được rất nhiều điện, thư chúc mừng của lãnh đạo các nước.
Tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét rất kỹ lưỡng, đánh giá rất sâu sắc báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của các cơ quan; có nghị quyết yêu cầu tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mỗi cơ quan ngày càng tốt hơn, theo đúng quy định của Hiến pháp, pháp luật, đáp ứng ngày càng cao hơn yêu cầu của cử tri và nhân dân cả nước cũng như của thực tiễn.
Về công tác nhân sự được chuẩn bị và tiến hành rất thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đạt được sự đồng thuận rất cao. Có được kết quả ấy là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo rất sát sao và sự chuẩn bị nhân sự rất kỹ lưỡng của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan hữu quan trong công tác nhân sự.
Các luật, nghị quyết được ban hành bảo đảm chất lượng, đúng trình tự quy định của pháp luật. Đây đều là những nội dung rất cấp thiết hiện nay. Phòng, chống ma túy là vấn đề rất được cử tri, nhân dân cũng như Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Đây là luật thứ 73 được Quốc hội khóa XIV thông qua trong nhiệm kỳ. Đồng thời, Quốc hội cũng điều chỉnh số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội. Công tác lập pháp chứng tỏ Quốc hội sẵn sàng làm hết sức mình để phục vụ sự phát triển của đất nước; vì vậy, tại kỳ họp cuối cùng nhưng vẫn dành thời gian thỏa đáng để hoàn thành tốt công tác xây dựng pháp luật.
Công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai tốt, kịp thời, chuyển tải đầy đủ, xác thực diễn biến Kỳ họp, nhất là những nội dung quan trọng về nhân sự, về Lễ tuyên thệ của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; các phiên họp xem xét báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan.
Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành kiện toàn Chủ tịch Quốc hội, một số Phó Chủ tịch Quốc hội, một số Ủy viên UBTVQH. Theo đánh giá của cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội khóa XIV không tham gia tái cử đã làm việc hết sức trách nhiệm, tận tâm, tận lực, cho nên tạo điều kiện rất thuận lợi cho các đồng chí được kiện toàn. Mặc dù có biến động về công tác nhân sự, nhưng công tác điều hành vẫn được thực hiện bài bản, khoa học, hợp lý, sát với thực tiễn, tạo ra được không khí vừa dân chủ, vừa đoàn kết, vừa phấn khởi trong kỳ họp. Đây là sự lan tỏa từ kết quả của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Bên cạnh đó, công tác phục vụ thông tin, tài liệu, cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh, an toàn, phòng, chống dịch bệnh được thực hiện chu đáo, kịp thời, đáp ứng yêu cầu đề ra. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng kết quả đạt được của Kỳ họp Quốc hội vừa qua tiếp tục thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Đảng; sự quyết tâm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan; sự đoàn kết, trách nhiệm, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và một nhân tố quan trọng nữa là sự quan tâm, ủng hộ, giám sát chặt chẽ của cử tri và nhân dân cả nước; sự đưa tin kịp thời của các cơ quan thông tấn, báo chí ở cả Trung ương và địa phương. Trong tất cả công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia và nhân sự, Quốc hội đã bám sát, quán triệt, chấp hành rất nghiêm túc sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu ra một số vấn đề cần rút kinh nghiệm cho các kỳ họp Quốc hội tiếp theo, cần quan tâm, bố trí, sắp xếp chương trình phù hợp hơn.
Trên cơ sở ý kiến phát biểu của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Tổng thư ký Quốc hội tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý và giải trình đầy đủ.
* Về chuẩn bị cho Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm; kế hoạch tài chính 5 năm, trong đó có tỷ lệ điều tiết là nội dung rất quan trọng; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cần phải được Quốc hội khóa XV xem xét tại Kỳ họp thứ nhất. Do đó, Chính phủ cần khẩn trương tiến hành các bước theo luật định, các cơ quan của Quốc hội cần vào cuộc sớm để bảo đảm chất lượng cho báo cáo thẩm tra, trình Quốc hội quyết định. Thời gian cụ thể cho hoạt động này này sẽ được xác định sau khi đã chốt các nội dung.
Đề án và dự thảo nghị quyết liên quan đến xử lý tài chính theo cam kết bảo lãnh của Chính phủ (GGU) với dự án nhà máy lọc dầu Nghị Sơn sẽ được trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ nhất nếu chuẩn bị kịp. Riêng vấn đề thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với phân bón, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đưa vào luôn chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV theo hướng sửa căn bản các luật thuế chính sách, trong đó có Luật Thuế VAT, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mang tính tổng thể, hệ thống. Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Chúng ta có Luật Quản lý thuế rồi, bây giờ các luật thuế chính sách phải rà soát lại hết để trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung theo đúng chiến lược cải cách về thuế.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phối hợp các cơ quan hữu quan tiếp tục cập nhật và có quyết định chương trình cụ thể vào thời điểm phù hợp; đồng thời yêu cầu các cơ quan hữu quan của Quốc hội, của Chính phủ, các cơ quan hữu quan chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ nhất trên tinh thần rất khẩn trương, bảo đảm chất lượng.
Theo báo cáo việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV do Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày, Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 20-7. Phiên trù bị được đề nghị tiến hành vào chiều 19-7 để có thời gian thực hiện một số công việc cần thiết, trong đó có việc hướng dẫn đại biểu Quốc hội sử dụng hệ thống kỹ thuật…
* Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc tiếp tục sử dụng số vốn còn lại của Nghị quyết số 324/NQ-UBTVQH14 để đầu tư xây dựng các dự án Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong giai đoạn 2021-2025. Dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận và thông qua nghị quyết về phương án sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2020; xem xét, thảo luận và thông qua nghị quyết về việc bổ sung kinh phí mua bù vaccine, hóa chất sát trùng và hạt giống cây trồng quốc gia.