Kiến nghị gỡ khó về phương án tài chính dự án hầm Đèo Cả

NDO -

Ngày 28-12, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị các biện pháp tháo gỡ khó khăn về phương án tài chính cho dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả, bao gồm các hầm: Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và Hải Vân và đưa công trình mở rộng hầm Hải Vân vào khai thác.

Công trình hầm đường bộ qua Đèo Cả.
Công trình hầm đường bộ qua Đèo Cả.

Theo đó, để giải quyết khó khăn về phương án tài chính của dự án, kịp thời đưa công trình mở rộng hầm Hải Vân vào khai thác theo kế hoạch, góp phần phát huy hiệu quả đầu tư, giảm thiểu nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông trong bối cảnh hầm Hải Vân 1 đang quá tải, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bố trí 1.180 tỷ đồng vốn Nhà nước theo kế hoạch để hỗ trợ dự án theo chủ trương đã được chấp thuận và hợp đồng đã ký.

Theo Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ, dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả là dự án trọng điểm quốc gia, có vai trò quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh các tỉnh khu vực miền trung và Tây Nguyên. Hiện nay, các công trình hầm: Đèo Cả, Cổ Mã và Cù Mông đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc, tạo điều kiện thuận lợi về kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế -  xã hội các tỉnh duyên hải miền trung.

Kiến nghị gỡ khó về phương án tài chính dự án hầm Đèo Cả -0
Trạm thu phí hầm Hải Vân. 

Công trình mở rộng hầm Hải Vân là hạng mục triển khai sau cùng của dự án, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã kiểm tra, chấp thuận kết quả nghiệm thu, đánh giá công trình bảo đảm an toàn, chất lượng (Thông báo 148 ngày 16-12-2020 của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước).

“Như vậy, toàn bộ các công trình thuộc dự án đã được nhà đầu tư triển khai, hoàn thành theo đúng cam kết, bảo đảm an toàn, chất lượng. Hiện tại, Bộ GTVT đang phối hợp nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục theo quy định để sớm đưa công trình mở rộng hầm Hải Vân vào vận hành, khai thác, dự kiến vào cuối tháng 12 này”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.

Tuy nhiên, phương án tài chính của dự án hiện đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, trong đó, có việc bố trí 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước cho dự án; cơ chế trạm thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan chưa được giải quyết dứt điểm, gây ảnh hưởng đến nguồn kinh phí vận hành, bảo trì các công trình hầm và phương án trả nợ ngân hàng theo hợp đồng đã ký kết. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý dứt điểm các vướng mắc ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ nhà đầu tư và các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải  pháp xử lý.

Kiến nghị gỡ khó về phương án tài chính dự án hầm Đèo Cả -0
 Đào hầm Hải Vân.

Đối với vướng mắc nguồn vốn 1.180 tỷ đồng, đây là phần vốn nhà nước cam kết tham gia hỗ trợ dự án nhưng chưa được bố trí để giải ngân, Bộ GTVT đã xây dựng phương án phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn và kế hoạch năm 2020 vốn ngân sách Trung ương cho các dự án thuộc danh mục dự án sử dụng nguồn dự phòng chung và nguồn 10 nghìn tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ (Thông báo số 02/TB-VPCP ngày 3-1-2020), Bộ GTVT đã rà soát hợp đồng, phân tích cơ sở pháp lý và sự cần thiết tiếp tục bố trí 1.180 tỷ đồng vốn Nhà nước hỗ trợ dự án; lấy ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Vietinbank, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trước mắt chấp thuận bố trí 50 tỷ đồng từ nguồn dự phòng cho dự án, phần còn lại cân đối trong năm 2020, 2021 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên đến nay, những khó khăn, vướng mắc về việc bố trí 1.180 tỷ đồng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.