Gắn mã QR trên 134 tuyến đường

Nhằm cung cấp tiểu sử và thông tin lịch sử về các tuyến đường cho người dân và du khách, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức lắp đặt bảng tra cứu thông tin tên đường thông qua mã QR tại sáu giao lộ ở quận 1. Sau khi lắp đặt thí điểm, Sở GTVT sẽ mở rộng phạm vi lắp đặt ra 134 tuyến đường trên địa bàn quận 1…

Một du khách tra cứu thông tin tên đường từ mã QR gắn ở giao lộ Lý Tự Trọng-Pasteur, quận 1.
Một du khách tra cứu thông tin tên đường từ mã QR gắn ở giao lộ Lý Tự Trọng-Pasteur, quận 1.

Từ giữa tháng 10 vừa qua, tại sáu giao lộ thuộc khu vực trung tâm thành phố gồm Lê Thánh Tôn - Ðồng Khởi; Lê Thánh Tôn - Pasteur; Nguyễn Du - Ðồng Khởi; Lý Tự Trọng - Pasteur; Lý Tự Trọng - Ðồng Khởi và Lê Duẩn - Công xã Paris xuất hiện các bảng biển nhỏ "Thông tin tên đường" có gắn mã QR đặt song song bên dưới bảng tên đường chính. Các mã QR có kích thước 8 cm x 8 cm, dán bên phải biển báo phụ, hướng ra mặt đường.

Tò mò với bảng biển này, chị Lê Thị Tâm làm việc tại một tòa nhà gần ngã tư Lê Thánh Tôn - Pasteur dùng điện thoại thông minh mở ứng dụng QR thì trên điện thoại hiển thị ngay các thông tin về vị trí tuyến đường, thông tin lịch sử liên quan cũng như tiểu sử của nhân vật Lê Thánh Tôn. Chị Tâm khá thích thú với cách tra cứu thông tin về tiểu sử các nhân vật gắn với từng tên đường từ mã QR vì đây là nét mới của TP Hồ Chí Minh.

Gần đó, tại giao lộ Lý Tự Trọng - Ðồng Khởi, một nhóm sinh viên khoa Du lịch, Trường đại học Văn Lang, cũng dùng chức năng ca-mê-ra trên điện thoại thông minh để quét mã QR từ bảng thông tin tên đường. Một thành viên trong nhóm chia sẻ, cách tra cứu thông tin về tiểu sử nhân vật từ mã QR là cách làm sáng tạo của Sở GTVT thành phố nhưng cần có thêm các ngôn ngữ quốc tế bên cạnh tiếng Việt để phục vụ du khách nước ngoài.

Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, đơn vị được Sở GTVT thành phố giao thực hiện gắn các bảng thông tin tên đường có mã QR, thao tác để tra cứu thông tin từ mã QR khá đơn giản, người tra cứu chỉ cần tải về hoặc cài đặt các phần mềm tra cứu mã QR chuyên dụng như QR code Reader, QR Scanner…, hoặc sử dụng phần mềm tích hợp sẵn trên các thiết bị di động như Zalo QR. Ðối với điện thoại thông minh, chỉ cần bật ca-mê-ra là có thể quét mã QR. Mã QR được làm bằng vật liệu giấy phản quang rất bền, không bị tác động bởi thời tiết, rất nhạy nên có thể truy xuất thông tin ngay lập tức.

Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng đường bộ Ngô Hải Ðường cho biết thêm, xuất phát từ ý tưởng cung cấp thông tin tiểu sử các nhân vật được đặt tên đường trên địa bàn thành phố thông qua hình thức gắn mã QR, đơn vị đã đề xuất và được Sở GTVT thành phố chấp thuận thực hiện thông qua việc phối hợp Hội đồng đặt tên đường của Sở Văn hóa - Thông tin thành phố. Tất cả thông tin, dữ liệu đều do Hội đồng đặt tên đường cung cấp, sau đó thực hiện số hóa để đưa lên ứng dụng phục vụ cho việc truy xuất thông tin của người dân. Hình thức gắn mã QR để tìm hiểu thông tin về các tuyến đường được xem là hình thức trực quan và TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước tổ chức thực hiện.

Sau khi đã gắn thí điểm mã QR ở sáu tuyến đường trong năm 2020, thành phố sẽ gắn thông tin tên đường QR trên 134 tuyến đường của quận 1. Sau đó, đánh giá, tiếp tục có kế hoạch để nhân rộng. Hiện, Sở GTVT thành phố đang có phương án phối hợp một số trường đại học như Trường đại học GTVT, Trường đại học Việt Ðức để nhập liệu thêm thông tin ngoài thông tin tiểu sử các nhân vật và số hóa trên mã QR 134 tuyến đường. Ngoài tiếng Việt sẽ có thêm thông tin bằng tiếng Anh. Nguồn kinh phí được huy động theo hình thức xã hội hóa…

Theo Tiến sĩ Ngô Trùng Dương, Giảng viên bộ môn Giao thông đô thị, Trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, thành phố gắn các bảng tên đường có mã QR là cách làm mới vừa góp phần giáo dục, tuyên truyền về các giá trị lịch sử, vừa thể hiện sự văn minh, hiện đại hướng đến kết nối thông tin đa chiều. Ðơn vị thực hiện cần bổ sung các thông tin, dữ liệu để tăng tiện ích cho người sử dụng như các điểm đậu đỗ xe lân cận, trung tâm thương mại, các danh lam, di tích nổi bật… qua đó kết hợp giới thiệu, quảng bá về văn hóa, lịch sử của TP Hồ Chí Minh.