Họa sĩ có duyên với điện ảnh về đề tài chiến tranh

NDO - Phạm Quốc Trung bảo dù không cố tình chọn, nhưng phần lớn những phim anh tham gia đoạt giải cao như Hà Nội mùa đông năm 1946, Người đàn bà mộng du, Chớp mắt cùng số phận, Ðừng đốt... đều về đề tài chiến tranh. Gần đây nhất, anh vừa cùng Hãng phim truyện Việt Nam hoàn thành Mùi cỏ cháy - bộ phim về cuộc chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị; và hiện anh đang tiếp tục hành trình với bộ phim mới Nếu như còn được sống của đạo diễn Lê Ngọc Linh, cũng lại về đề tài chiến tranh.
Họa sĩ Phạm Quốc Trung (người thứ ba từ phải sang) và đoàn làm phim Người đàn bà mộng du.
Họa sĩ Phạm Quốc Trung (người thứ ba từ phải sang) và đoàn làm phim Người đàn bà mộng du.

Tôi gặp họa sĩ Phạm Quốc Trung vào một ngày mùa hè oi bức, giữa cái nắng xen mưa ngột ngạt ở nơi có bối cảnh phim nhựa Mùi cỏ cháy (đạo diễn Hữu Mười, Hãng phim truyện Việt Nam) tại Ðồng Mô, Sơn Tây. Mấy tháng nay, anh gần như "bám rễ" ở vùng đồi nắng cháy này để dựng cảnh chiến trường Thành cổ Quảng Trị. Gương mặt sạm nắng, quần lửng, dép quai hậu bết đỏ đất đồi. Giữa quả đồi không một bóng cây, căn lán nhỏ lợp lá là nơi tránh mưa tránh nắng của họa sĩ và tốp thợ dựng cảnh. Anh phàn nàn với chúng tôi về thời tiết khắc nghiệt, hết nắng như nung lại mưa tầm tã, mấy trận lốc lớn làm "thành cổ" sập phải dựng lại, vừa vất vả, vừa tốn kém, trong khi điều kiện kinh phí của phim eo hẹp. Rồi việc vận chuyển vật liệu dựng cảnh trên một địa hình đất đồi trơn ướt thật khó khăn vào những ngày mưa... Gần năm tháng trời, anh gần như "nằm vùng" tại đây, cùng cả đoàn làm phim chỉnh sửa từng chi tiết cảnh quay một cách say mê, cẩn thận. "Dẫu không thể hoàn toàn giống như Thành cổ, nhưng về cơ bản là mình đã tái hiện được cái tinh thần của hiện thực ấy, ở thời kỳ ấy". Anh tâm sự khi nhìn lại những gì đã làm.

Phạm Quốc Trung sinh năm 1958, tại Hà Nội. Cha anh, đạo diễn Phạm Kỳ Nam là một trong những cánh chim đầu đàn của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam với những tác phẩm kinh điển: Chung một dòng sông, Chị Tư Hậu, Biển lửa, Tiền tuyến gọi, Chom và Sa... Mẹ anh, bà Nguyễn Phương Nghi, là một nhạc công chơi đàn pi-a-nô. Học khá các môn tự nhiên từ nhỏ, lớn lên anh theo học ngành kiến trúc, năm 1982, anh về làm việc tại Xí nghiệp phim truyện Việt Nam, sau đó theo học khóa Thiết kế mỹ thuật của Cục Ðiện ảnh. Năm 1992, phim nhựa đầu tay anh tham gia được giải Bông sen Vàng là Bọn trẻ của đạo diễn Khánh Dư, một bộ phim về đề tài thiếu nhi. Lần lượt sau đó, anh cùng các đồng nghiệp đã giành được nhiều giải thưởng cao với một loạt tác phẩm điện ảnh gây tiếng vang, trong đó có giải Họa sĩ xuất sắc cho các bộ phim Trở về (đạo diễn Ðặng Nhật Minh, 1996); Hà Nội mùa đông năm 1946 (đạo diễn Ðặng Nhật Minh, 1999); Những người thợ xẻ (đạo diễn Vương Ðức, 1999); Ðừng đốt (đạo diễn Ðặng Nhật Minh, 2009). Năm 2001, Phạm Quốc Trung vinh dự được nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Phạm Quốc Trung tâm sự, anh đến với những tác phẩm về đề tài chiến tranh hoàn toàn ngẫu nhiên, và những thành công nhiều khi như trong... thể thao, là sự may mắn. Bởi chiến tranh đương nhiên là một đề tài khó, việc phục dựng những bối cảnh cũ, hoành tráng không phải dễ dàng từ khâu đạo cụ, trang phục... Bộ phim làm vất vả với nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất với anh là Hà Nội mùa đông năm 1946. Suốt gần một năm anh phải đi thực tế chọn cảnh, vào các thư viện, bảo tàng, gặp gỡ những người trong giới chuyên môn... tìm hiểu, sưu tầm tư liệu. Ðể có được khung cảnh một phòng mổ của Pháp thời chiến trong phim, anh phải gặp một số giáo sư, bác sĩ đầu ngành nhờ họ tư vấn. Hay dựng lại khung cảnh quán cà-phê nghệ sĩ thời đó, anh lại tìm đến các văn nghệ sĩ tên tuổi như Hoàng Giác, Ðoàn Chuẩn... nghe các "cụ" mô tả, hình dung lại. Ðặc biệt, việc phục dựng chiếc tàu điện cổ làm anh mất hẳn năm tháng trời khi phải kỳ công tìm gặp một kỹ sư làm ở Công ty xe điện thời Pháp đã về hưu nhiều năm, cùng ông ngồi vẽ, thiết kế lại từng bộ phận và trực tiếp tham gia đóng cả hai toa tàu dài 14 m bằng gỗ nặng hơn hai tấn... Với Phạm Quốc Trung, những khó khăn cũng chính là thách thức thúc đẩy sự sáng tạo của người nghệ sĩ, và với mỗi bộ phim, điều quan trọng là phải tìm ra được một điều đặc biệt gì đó để thể hiện, làm toát lên tinh thần, hồn cốt của bộ phim. Phim về thời hậu chiến bắt đầu mở cửa, phải cho người xem cảm nhận được không khí của giai đoạn đó; phim về chiến tranh phải đậm hơi thở thời chiến; phim về làng quê phải rõ nét đặc trưng vùng miền không thể trộn lẫn... "Nhiều khi kinh phí cũng là một cản trở, đặc biệt là với đề tài chiến tranh. Có những bối cảnh tôi muốn làm hoành tráng, chân thực, gần với hiện thực nhưng không thể bởi thiếu xe cộ, lửa đạn, đổ nát... Vì thế, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến hiệu quả nghệ thuật", anh bộc bạch tiếc nuối. Ðiểm lại những thành công của mình, Quốc Trung nói anh hài lòng nhất với hai bộ phim Hà Nội mùa đông năm 1946 và Ðừng đốt.

Không chỉ ở Hãng phim truyện Việt Nam, mà cả trong giới điện ảnh nói chung, có lẽ Phạm Quốc Trung là cái tên được nhắc đến đầu tiên khi nói đến họa sĩ về đề tài chiến tranh. Cùng với các đồng nghiệp, anh vẫn đang ngày đêm miệt mài trong hành trình lao động nghệ thuật để mảng điện ảnh về đề tài chiến tranh tiếp tục được giữ gìn và tỏa sáng. 

NGUYỄN PHƯƠNG LIÊN