Giải bài toán về thiếu hụt nhân lực

NDO - Từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không chỉ khó khăn về lãi suất cao, chi phí đầu vào, lương công nhân tăng mà còn phải đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân công đứng máy. Nhiều DN đã đưa ra mức lương thưởng hấp dẫn nhưng hai, ba tháng nay vẫn chưa tìm đủ nguồn lao động. Ðáng chú ý, có DN phải ra tận miền trung, phía bắc để tuyển công nhân nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu.  

Thiếu nguồn nhân lực đứng máy là tình trạng chung của nhiều DN ở TP Hồ Chí Minh lâu nay, nhất là các DN thuộc ngành may mặc, giày da, thủ công mỹ nghệ, sản xuất thủy hải sản xuất khẩu và tình trạng này còn tiếp tục từ nay đến cuối năm.

Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu May mặc Tuấn Hoàng (quận Bình Tân) Nguyễn Bá Huy cho biết: Mặc dù thiếu hụt 200 công nhân ở bộ phận may nhưng ba tháng nay chỉ tuyển được hơn 100 người. Không những tuyển không ra người, ông Huy còn cho biết có đến 40 người cũ "nhảy việc" đến công ty khác có mức lương cao hơn làm cho tình thế không có người đứng máy càng trầm trọng. Công ty Xuất nhập khẩu Thủy hải sản Thủy Linh (quận Tân Phú) hai tháng trước thông báo tuyển gấp 120 công nhân lột vỏ tôm với điều kiện bao ăn trưa và chu cấp 50% tiền nhà trọ nhưng đến nay chỉ tuyển được 65 người. Lý do tìm không ra công nhân, chủ DN này cho biết, mức lương trả cho công nhân ngành thủy sản cao nhất chỉ 3 triệu đồng/tháng, nếu trả thêm thì DN không kham nổi. Ngược lại với mức lương này, nhiều người lao động không muốn vào làm việc vì chưa đủ trang trải cuộc sống.   

Doanh nghiệp tư nhân May mặc Tuấn Chí Lan (quận Tân Bình) cần 180 thợ may gia công hàng xuất khẩu, sau nhiều tháng không tuyển đủ công nhân đích thân chủ DN này phải ra miền trung để tuyển cả người chưa có tay nghề để về đào tạo. Phó Giám đốc DN Tuấn Chí Lan Trần Thị Bích cho biết: Việc đào tạo nhân công để đứng máy là không đáng ngại, sợ nhất là sau khi có tay nghề họ lại bỏ mình đến với công ty khác. Lương công nhân ngành may chỉ có 2 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng. Biết nhiều người bỏ đi nhưng không có cách gì để giữ chân, vì DN không giúp họ giải quyết được mức lương tối thiểu.      

Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) ở TP Hồ Chí Minh, tình trạng thiếu lao động cũng thường xuyên xảy ra. Công ty EINS VINA, Công ty May mặc Kollan & Hogo Knit (Linh Trung I); Công ty May mặc Huỳnh Gia, Công ty Freetrend Industrial Việt Nam (Linh Trung II, Thủ Ðức) thông báo tuyển công nhân nhiều tháng qua kèm thêm điều kiện hợp đồng lao động ngay, hưởng chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tăng tiền ăn, lưu trú, tàu xe... nhưng vẫn không tuyển đủ người. Ðã thế, nhiều DN trong KCN, KCX ở TP Hồ Chí Minh còn cho biết, họ luôn bị tình trạng "công nhân nhảy việc", ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất.

Theo Ban Quản lý các KCX-KCN thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA), do mức lương DN chỉ trả lương thấp trên dưới hai triệu đồng/tháng là nguyên nhân DN không tuyển được nguồn nhân công đang thiếu hụt. Phó Ban quản lý HEPZA Nguyễn Tấn Ðịnh cho biết, TP Hồ Chí Minh hiện có 13 KCN, KCX và có hơn 253 nghìn lao động đang làm việc, nhưng đầu năm đến nay có hơn 30 nghìn lao động "nhảy việc", tỷ lệ bỏ việc chiếm khoảng 12%. Các trường hợp "nhảy việc" tập trung chủ yếu là lao động phổ thông, trong đó ngành giày da, may mặc, sản xuất hàng thủ công số lượng công nhân tìm chỗ làm mới khá nhiều.  

Người làm công thực tế đang thất nghiệp không ít nhưng DN lại tuyển không ra người. Nguyên nhân do đâu? Theo những người công nhân từng dự thi tuyển nhiều nơi nhưng chưa có việc làm là do các công ty trả lương quá thấp, không đủ trang trải các chi phí cho cuộc sống thường ngày. Trong khi đó, phía DN cho rằng, nếu trả lương công nhân cao hơn mặt bằng mức lương hiện nay thì DN khó thực hiện được.

Hiện tại trong các KCN, KCX của TP Hồ Chí Minh tỷ lệ lao động qua đào tạo đại học, cao đẳng trở lên chỉ chiếm 6,7%, lao động phổ thông (trình độ trung học cơ sở và trung học phổ thông) chưa qua đào tạo chiếm đến 84%, trong đó có hơn 60% là lực lượng lao động ngoại tỉnh. Như vậy không chỉ từ nay đến cuối năm các DN ở thành phố khan hiếm lao động mà tình trạng này sẽ tiếp tục còn kéo dài. Ðể giải bài toán về nhân lực thiếu hụt trong các nhà máy, xí nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, nhiều DN cho rằng, chính quyền TP Hồ Chí Minh cần có giải pháp để hỗ trợ cho DN như xây nhà trọ cho công nhân, ưu tiên miễn giảm thuế và các chi phí đối với loại hình DN sử dụng nhiều lao động phổ thông ngoại tỉnh và xem họ như một phần tất yếu trong guồng máy công nghiệp để có những chính sách ưu đãi hợp lý.

Tính đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ có 23 KCN, KCX. Năm 2015, dự báo nhu cầu lao động của KCN, KCX khoảng 100 nghìn người, trong đó lao động trình độ công nhân kỹ thuật 19%, trung cấp 12%, cao đẳng - đại học 17%, lao động phổ thông chưa qua đào tạo chiếm 32%.(Nguồn: Ban Quản lý các KCX-KCN TP Hồ Chí Minh)