Hà Nội của chúng ta

Hồ Linh Ðàm

Có tên như vậy vì huyện có nhiều sông chảy qua như Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Sét, sông Nhuệ và có nhiều đầm hồ, có những đầm gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước, như Ðầm Vạn Xuân, Ðầm Mực. Giữa huyện lại có một đầm lớn, xưa kia gọi là Long Ðàm, bây giờ gọi là Linh Ðàm. Ðầm này có hình móng ngựa hay hình vành trăng gần giống với hình dáng hồ Tây, xưa kia rộng bằng hai phần ba hồ Tây, nay theo diện tích quy hoạch rộng 74 ha, gấp sáu lần hồ Hoàn Kiếm.

Trải qua năm tháng, hồ Long Ðàm đã mang nhiều tên gọi khác nhau như Linh Ðường, Pháp Vân, Ðại Từ, đó là tên ba làng ven hồ hiện nay.

Nhưng tên chính thức của hồ được ghi trong sách Ðại Nam Nhất thống chí là Ðàm Linh Ðường. Sách này cho biết, hồ Linh Ðường còn có hai tên gọi khác là Kinh Nguyệt Ðàm vì hồ có hình vành trăng lưỡi liềm, nước hồ trong suốt như gương và Liên Ðàm do hồ trồng nhiều sen, hoa sen thơm ngát mùa hạ và hạt sen rất to.

Cũng như hồ Tây, dấu tích của sông Hồng, Linh Ðàm là dấu tích của sông Tô Lịch. Dòng Tô Lịch đã bị thu hẹp theo năm tháng và vẫn hiện diện ở phía tây bắc hồ Linh Ðàm, chảy qua Thanh Liệt và vòng về phía đông nam, chảy giữa các làng Huỳnh Cung, Bằng Liệt và Tựu Liệt, các thôn này đều ở phía nam hồ Linh Ðàm.

Long Ðàm hay Linh Ðàm ngày nay, theo truyền thuyết là nơi ở của Long Vương, người con của Long Vương là học trò Chu Văn An. Theo sự tích Ðức thành Thủy thần tại Liếu Xạ Can, tức Miếu Trà Gàn, nơi thờ người học trò thủy thần ở phía nam hồ Linh Ðàm thì vào thời Chu Văn An dạy học ở Trang Cung Hoàng, tại Ðầm Sen xuất hiện một chàng trai trẻ, vẻ nho phong lên xin học, người học trò khiêm tốn nói về thân phận của mình, thầy Chu nghe xong bảo rằng đã hiếu học thì bất kỳ ai cũng học được, miễn là chịu khó. Thầy Chu dạy ân cần, trò chăm chỉ, nên chữ của thầy, lời thầy vâng giảng cứ thấm sâu vào tâm trí người học trò ấy. Vào một năm trời nắng nóng kéo dài, ruộng đồng khô nẻ, lúa chết, cá cua cũng chết. Thầy Chu suy nghĩ thăm dò rồi bàn cùng môn đệ tìm cách chống hạn, cứu lúa, cứu dân. Người học trò thủy thần thưa trình thầy, xin thầy cho dùng bút nghiên mài mực, vẩy khắp bốn phương cầu đảo trời xanh. Bỗng mây đen ùn ùn kéo đến, mưa xối xả. Cả vùng hồ và đồng ruộng nước ngập tràn, cá tôm bơi lội, đồng ruộng tốt tươi. Truyền thuyết kể rằng, sau khi làm mưa, mực rơi xuống Ðầm Vĩnh Quỳnh biến thành Ðầm Mực, còn bút rơi xuống làng Tó (Tả Thanh Oai), nơi sau này phát tích dòng họ Ngô Gia Văn Phái, có sáu người đỗ tiến sĩ. Nhưng người học trò đã phải về chịu tội với Long Vương, một tiếng sét đánh xuống mặt hồ, xác thuồng luồng nổi lên trôi về phía Cầu Bươu. Tương truyền đó là xác người học trò Thủy thần. Nơi hóa của người học trò Thủy thần được dân lập miếu thờ, tên chữ là Miếu Xạ Can, tức đền thờ Trừ nạn hạn hán.

Dân các làng trong vùng hồ Long Ðàm cầu được mưa, đồng ruộng tốt tươi, nên làng nào cũng lập đền thờ người học trò Thủy thần, được Vua phong là Bảo Linh vương. Nhưng nơi thờ chính vẫn là Miếu Trà Gàn ở làng Bằng Liệt. Hằng năm vào ngày 16-8, ngày hóa của người học trò Thủy thần, dân bảy làng trong vùng lại tổ chức nước Thánh và làm lễ tế thần ở Miếu Trà Gàn. Có lẽ vì tính linh thiêng của vị thánh này mà hồ được mang tên là Linh Ðường, rồi Linh Ðàm (Hồ Thiêng).

Một thuyết khác được ghi trong thần phả làng Tứ Kỳ, thì người học trò này là con trai của bà Loan Nương, quê ở Tức Mặc, Nam Ðịnh, lên tu ở Chùa Tứ Kỳ. Nhà nghèo nhưng siêng năng, cậu thường bơi thuyền trên hồ sen câu cá, rồi một hôm cậu bơi thuyền qua sông Tô Lịch đến trang Cung Hoàng xin học thầy Chu. Việc cầu mưa không phải là việc làm xa lạ đối với thời bấy giờ. Rất có thể người học trò này cùng với các môn đệ khác của thầy Chu đã làm việc cầu mưa. Và trời mưa xuống là sự tất nhiên của trời đất "nắng hạn thì sẽ gặp mưa rào" và sấm sét làm chết người cũng có thể xảy ra. Và thế là truyền thuyết về người học trò Thủy thần của Chu Văn An dùng bút mực cầu trời mưa, được hình thành trong dân gian. Việc thờ Thủy thần trở thành một tín ngưỡng văn hóa của dân vùng hồ Linh Ðàm, cũng giống như tín ngưỡng Thoải, là tín ngưỡng văn hóa của nền nông nghiệp lúa nước ta.

Các làng ven hồ Linh Ðàm đều rất giỏi nghề nông, đồng ruộng lúa tốt, gạo ngon nên chế biến ra nhiều sản phẩm như bún Tứ Kỳ và bột gạo Ðại Từ cung cấp cho những nơi làm bánh giò và chỉ có bánh giò bột gạo Ðại Từ mới ngon. Bột gạo ngon, phụ nữ Ðại Từ hiền hậu, khéo tay nên từ Kẻ Chợ đến một số làng quê đều tìm đến Ðại Từ nhờ nuôi trẻ vì thế có câu: "Ðại Từ mẹ nuôi thiên hạ".

Hoàng Giáp Vũ Nhự (1836 - 1886) người làng Kim Cổ, huyện Thọ Xương, rồi tiến sĩ Nguyễn Sỹ Giác, người làng Lủ đã từng được các bảo mẫu ở Ðại Từ nuôi dưỡng.

Ðình Ðại Từ cũng thờ người học trò Thủy thần, Ðại Từ là đất hiếu học, nhiều người học giỏi, đỗ đạt cao. Cụm di tích đình đền, Chùa Ðại Từ và nhà Lưu niệm Bác Hồ, trong đó có bức tượng Bác Hồ do họa sĩ Vũ Tiến tạc bằng cây gỗ mít cổ thụ của Chùa làng làm cho bờ bắc hồ Linh Ðàm này trở thành một quần thể di tích văn hóa đáng trân trọng.

Ðối diện với Ðại Từ, bên kia là làng Linh Ðàm, làng nổi tiếng về nghề nuôi và đánh bắt cá, nhưng xưa kia cũng có rất nhiều phụ nữ đẹp, Hoa Dung Thái Phi là người Linh Ðàm, vợ Chúa Trịnh Doanh và là mẹ Chúa Trịnh Sâm, một vị Chúa kiêu hùng đã thành công trong việc kết thúc cuộc chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh vào cuối thế kỷ 18. Thôn Linh Ðàm có hai di tích lịch sử văn hóa đã được công nhận xếp hạng. Ðó là Ðình Linh Ðàm và Chùa Linh Ðàm. Ðình và Chùa Linh Ðàm là những di tích hầu như nguyên vẹn sau những năm chiến tranh.

Tấm bia đình dựng năm Chính Hòa 1698 ghi lại việc bà Nguyễn Thị Ngọc Tốt, đứng ra tu bổ đình và thần phả đình làng do Ðông các Ðại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc 1573, cho thấy ngôi đình được dựng vào thế kỷ 16 toàn bộ khối kiến trúc cột rường gỗ lim khỏe chắc và rồng đá ở bực thềm bái đường mang đậm nét kiến trúc đời Lê Trung Hưng.

Chùa Linh Ðàm xây dựng muộn hơn đình hơn 300 năm, song do được giữ gìn và tôn tạo thường xuyên nên chùa vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ kính. Chùa Linh Ðàm nằm giữa những hồ sen, nhiều cây cổ thụ, tạo cảnh u tịch, tĩnh tâm, rất hấp dẫn khách du lịch.

Ðình Chùa Tứ Kỳ, Chùa Pháp Vân cũng là những di tích lịch sử - văn hóa nằm trong khu du lịch hồ Linh Ðàm, đang và sẽ được giữ gìn tôn tạo để làm đẹp vùng danh thắng Linh Ðàm. Ðảng bộ và chính quyền xã Hoàng Liệt rất quan tâm đến việc giữ gìn, tôn tạo các di tích văn hóa của địa phương.

Nếu ta đi sâu vào mỗi làng, xã quanh khu vực hồ Linh Ðàm, ta sẽ vô cùng quý yêu và càng trân trọng trước những công trình kiến trúc, phong tục tập quán, nghề truyền thống và mọi người sẽ phải gắng níu kéo lại nét đẹp hồ xưa.

Viễn cảnh một vùng đô thị hiện đại đang hiện ra trước mắt, chắc chắn nó sẽ kết hợp hài hòa với những công trình kiến trúc và nét văn hóa truyền thống của quê hương Long Ðàm - Thanh Trì.

NGUYỄN TẤN PHÚC                         
(Rút từ Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long)