Bảo tồn và phát huy giá trị di sản ca trù

Ca trù đã trải qua một quá trình phát triển ít nhất từ thế kỷ 15 đến nay và được biểu diễn trong không gian văn hóa đa dạng ở giai đoạn lịch sử khác nhau và được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thông qua các tổ chức giáo phường ca trù tạo nên nét đặc trưng với sức sống bền bỉ trước bao biến động của lịch sử.

Ca trù còn có rất nhiều tên gọi. Tùy từng địa phương, từng thời điểm mà hát ca trù còn gọi là hát ả đào, hát cô đầu, hay hát nhà tơ... Tuy nhiên dù có tồn tại ở dạng tên gọi nào thì sự tồn tại của ca trù luôn gắn liền với các đào nương. Bởi vậy có câu "không có đào nương bất thành ca trù". Ðể trở thành một đào nương phải hội được nhiều tiêu chuẩn khắt khe như giọng hát, năng khiếu âm nhạc (thẩm âm, gõ phách), tri thức âm nhạc và văn thơ, lòng đam mê và kiên trì... Các đào nương chính là những người truyền tải và thể hiện được những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của ca trù, giúp ca trù tồn tại cho đến ngày nay.

Ca trù được tổ chức chặt chẽ thành phường, giáo phường, do trùm phường và quản giáp cai quản, có quy chế về sự truyền nghề, cách học đàn học hát, có những phong tục trong sự nhìn nhận đào nương rành nghề, như lễ mở xiêm áo (thầy cho phép mặc áo đào nương để biểu diễn chính thức lần đầu tiên trong đình làng gọi là Hát cửa đình), có những quy chế về việc chọn đào nương đi hát thi (ngoài tài năng và sắc diện cần có đức hạnh tốt). Các cuộc hát thi và phát giải được tổ chức rành rẽ, các lễ hội được cử hành rất tôn nghiêm.

Ca trù được bắt nguồn từ dân ca, dân nhạc cộng với một số trò diễn và múa dân gian. Khởi thủy ca trù đã là một môn nghệ thuật tổng hợp, bao gồm nhạc, thơ, múa và trò diễn. Sự độc đáo của ca trù chính là sự phối hợp đa dạng, tinh vi, nhuần nhuyễn giữa thi ca và âm nhạc, đôi khi có cả múa.

Trong ca trù thanh nhạc và khí nhạc song hành và mỗi loại đều có nét đặc thù. Về thanh nhạc, ngoài hát tuồng có những kỹ thuật phong phú và độc đáo còn các bộ môn ca nhạc cổ truyền khác đều không có kỹ thuật thanh nhạc phức tạp, tinh vi như ca trù.

Trong ca trù bên cạnh thanh nhạc thì khí nhạc cũng hết sức quan trọng và đặc biệt. Khí nhạc gồm: cỗ phách, đàn đáy, và trống chầu. Cỗ phách chỉ là một thanh tre hay một mảnh gỗ gọi là bàn phách và hai chiếc dùi gỗ là phách cái và phách con. Gõ hai dùi vào cỗ phách tạo nên tiếng trầm, tiếng bổng, tiếng mạnh, tiếng nhẹ, tiếng thấp, tiếng cao, tiếng trong, tiếng đục, tiếng dương, tiếng âm... Người biểu diễn cũng hết sức nhịp nhàng, tay cầm phách cái, phách con, tay đưa lên cao, tay đưa xuống thấp uyển chuyển như múa.

Không thể không nói đến một loại nhạc cụ quan trọng, đó là đàn đáy trong ca trù. Góp thêm âm hưởng là trống chầu: trống chầu trong ca trù cũng khác với trống chầu trong tuồng, hát bội... cả ở kích thước lẫn cách đánh. Kích thước và hình thức của trống chầu rất gần với trống đế của chèo nhưng cách đánh và chức năng hoàn toàn khác. Dùi trống không gọi là "dùi" mà gọi là "roi chầu". Roi chầu bằng gỗ, dài hơn dùi trống khách. Người gõ trống (quan viên) phải là người sành về ca trù, phải là người am hiểu thấu đáo âm luật ca trù mới có thể cầm roi được.

Ca trù - di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp

Dòng nhạc ca trù ở đất Hà Thành phát triển theo nhịp sống riêng của nó qua nhiều thế kỷ. Vào đầu thế kỷ 20, lối sống hưởng lạc của người phương Tây đã xâm nhập vào Việt Nam, Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận rộ lên cơn sốt "đào rượu". Nhiều quán cô đầu thi nhau mọc lên và các chủ quán lợi dụng các lối hát ả đào để câu khách bằng cách thuê vài đào kép giỏi nghề cầm ca hát mua vui, còn nhiều cô không biết hát thì chuốc rượu cho khách và được gọi là "đào rượu".

Sau ngày hòa bình lập lại ở miền bắc, chính quyền đã dẹp nạn đào rượu. Các đào nương, kép đàn từng một thời vang bóng cũng giấu phách, giấu đàn và không dám nhắc đến hai từ ca trù nữa. Dòng nhạc này từ đó dường như bị lãng quên... Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát là người có công đầu khơi lại giá trị nghệ thuật của ca trù. Kế đó năm 1976, Giáo sư Trần Văn Khê thu băng giọng hát của bà Quách Thị Hồ và giới thiệu với thế giới. Năm 1978, Hội đồng âm nhạc quốc tế của UNESCO và Viện Nghiên cứu quốc tế âm nhạc đã trao bằng danh dự cho bà Quách Thị Hồ vì công lao đặc biệt trong việc bảo tồn bộ môn âm nhạc truyền thống có giá trị nghệ thuật cao. Ðến năm 1988 tại Liên hoan tiếng hát âm nhạc truyền thống tại Bình Nhưỡng với sự tham gia của 29 quốc gia, bằng ghi âm tiếng hát của Quách Thị Hồ đại diện cho Việt Nam được xếp thứ hạng cao nhất. Ðầu thập niên 90 của thế kỷ trước với sự nỗ lực của đào nương Lê Thị Bạch Vân, Câu lạc bộ ca trù Hà Nội ra đời và theo đó là một vài câu lạc bộ hoạt động có tính tự phát. Năm 2000, Liên hoan ca trù Hà Nội mở rộng lần thứ nhất được tổ chức với sự tham gia của nghệ nhân 14 tỉnh thành, trong đó nhiều người đã bỏ nghề cả nửa thế kỷ. Năm 2005, Liên hoan ca trù toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức và trong năm đó Bộ Văn hóa đã chỉ đạo Viện âm nhạc Việt Nam hoàn tất hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể truyền thống của nhân loại.

Nghệ thuật ca trù đã thể hiện sự thanh tao và đặc trưng riêng biệt "độc nhất, vô nhị" không có ở bất kỳ loại hình nghệ thuật nào. Ca trù lại có bề dày lịch sử, chiều sâu nghệ thuật và đang được sự đón nhận nồng hậu ở trong và nước ngoài vì thế việc kế thừa và phát huy giá trị ca trù cần được sự hợp lực của cộng đồng, nhất là ở những nơi phát tích ca trù. Ở Hà Nội nhiều người biết tới Thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Ðông Anh, Hà Nội là một trong những nôi ca trù cổ. Bởi ngay từ năm 1430 ở Lỗ Khê đã xây nhà thờ Ca Công. Theo ngọc phả: Tổ sư đã sáng lập ra ca trù Lỗ Khê là ông Ðinh Dự và bã Mãn đường hoa công chúa, được giáo phường tạc tượng. Nhà thờ Ca Công được Bộ Văn hóa quyết định là Di tích Lịch sử văn hóa ngày 21-1-1989. Tiếp nối truyền thống ca trù cổ, người dân giáo phường ca trù Lỗ Khê đã truyền bá tinh hoa ca trù từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Mới đây Ca trù Việt Nam đã có tên trong danh sách "Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp" của UNESCO. Có thể nói mặc dù ngành văn hóa đã có nhiều cố gắng và nhận được sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế, song ca trù đến nay vẫn chưa lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, vì vậy cần có những giải pháp từ các ngành chức năng và chính quyền địa phương để giữ gìn, bảo vệ và tôn vinh ca trù trong đời sống nghệ thuật hôm nay.

PHẠM THÚY HẰNG