Liên hoan phim Việt Nam 16

Tiếp tục đổi mới

Theo đó, điện ảnh Việt Nam đang hướng tới một nền công nghiệp điện ảnh với các tiêu chí tác phẩm điện ảnh (bộ phim) phải là một sản phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp, đủ điều kiện tham dự vào mọi sinh hoạt của cộng đồng điện ảnh quốc tế, được khán giả công nhận như một thành phẩm nghệ thuật chứ không phải là bán thành phẩm và cuối cùng là tạo được một diện mạo có bản sắc, tạo được một thị trường có thị phần phim nội địa chiếm ưu thế bền vững.

Trước những ngày chuẩn bị cho Liên hoan phim Việt Nam 16 (tổ chức tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 8 đến 12-12-2009) điện ảnh Việt Nam có nhiều tin vui. Bộ phim Ðừng đốt của đạo diễn Ðặng Nhật Minh (Hãng phim Hội Ðiện ảnh) được khán giả các trường đại học Mỹ đón nhận nồng nhiệt trong gần suốt một tháng. Bộ phim cũng là đại diện cho điện ảnh Việt Nam tham dự giải Ô-xca của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ dành cho phim nước ngoài hay nhất vào đầu tháng 3-2010. Bộ phim Chơi vơi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (Hãng phim Truyện I) đã tham dự nhiều Liên hoan phim quốc tế, trong đó đoạt giải của Hiệp hội các nhà phê bình điện ảnh thế giới trong khuôn khổ giải Ô-ri-giô-ti của Liên hoan phim quốc tế Vơ-ni-dơ. Bộ phim Huyền thoại bất tử của đạo diễn Lưu Huỳnh (Hãng phim tư nhân Phước Sang) tham dự chương trình pa-nô-ra-ma Liên hoan phim Kim Kê - Bách Khoa lần thứ 18 của điện ảnh Trung Quốc cũng đã vượt qua hơn 20 phim truyện nước ngoài giành giải diễn viên xuất sắc nhất do khán giả bình chọn (diễn viên Dustin Trí Nguyễn, vai Long...).

Khoảng ba, bốn năm nay, các nhà làm phim Việt Nam đã đặc biệt chú ý đến yếu tố khán giả vì chính khán giả là người thẩm định công bằng nhất, vô tư nhất sự thành công của bộ phim. Và cũng chính khán giả là nguồn dinh dưỡng để làm nên cơ thể vững chãi của nghệ thuật nói chung và của điện ảnh nói riêng. Trong cơ chế thị trường hiện nay, nguồn dinh dưỡng này càng cần thiết và hữu dụng biết bao. Bởi thế đã có những đạo diễn dám từ chối những kịch bản hứa hẹn có chi phí sản xuất cao điều đó cũng đồng nghĩa với việc có thu nhập vật chất cao nhưng không mấy hứa hẹn ở chất lượng nghệ thuật, ở sự thu hút khán giả. Có những hãng phim, để giữ thương hiệu của mình, đã rất cẩn trọng lựa chọn những phương án làm phim tốt nhất mà khâu đầu tiên là con người, là tài năng, là sử dụng công nghệ cao chứ không phải số lượng đầu phim hay thời gian sản xuất nhanh nhất, chi phí rẻ nhất. Lại cũng có những nhà làm phim (đạo diễn) đôn đáo đi tìm thêm các nguồn tài trợ khác ngoài kinh phí được phê duyệt để thỏa mãn nhu cầu sáng tạo theo hướng hoành tráng và kỹ lưỡng. Nói như một số nhà phê bình điện ảnh thì những nhà làm phim Việt Nam bây giờ đã biết sợ. Sợ phim mình còn yếu tố cỏ rả, sợ không có khán giả, sợ không được vinh danh ở các giải thưởng điện ảnh quốc gia và quốc tế. Vì vậy, nếu như trước đây có ai đó trong khi thực hiện bộ phim đã tìm cách ăn ở đầu vào, nghĩa là nâng tổng dự toán lên rồi bớt xén, chia chác theo tỷ lệ ngôi thứ, sau đó mới bắt tay vào làm phim thì hiện nay người ta lại tập trung cao cho đầu vào, làm kỹ lưỡng ở đầu vào để hứa hẹn một bộ phim chất lượng cao và ăn chính ở kết quả cuối cùng của bộ phim. Ðó là đoạt các giải thưởng, đó là thu lại lợi nhuận từ tấm vé của khán giả, từ sự mến mộ của công luận.

Cảnh làm phim "Chơi vơi"

Có lẽ do những bước chuyển về nhận thức này mà 15 bộ phim truyện nhựa tham dự Liên hoan phim Việt Nam 16, dù sự hay, dở về ý tưởng chưa thật đều nhau nhưng chất lượng kỹ thuật, tay nghề của nhà làm phim tương đối đồng đều. Xem phim thấy được công sức, sự gắng gỏi của nhà làm phim đổ ra cho tác phẩm của mình. Một điểm mới nữa là không có độ chênh rõ nét giữa phim được thực hiện bằng ngân sách nhà nước với phim do các hãng tư nhân tự bỏ vốn sản xuất. Nhà làm phim độc lập đã dám xông vào các loại đề tài cần kinh phí cao, điều kiện thực hiện khó khăn như mảng phim lịch sử, phim chính luận và họ đã thành công ở một số phim như Áo lụa Hà Ðông, Huyền thoại bất tử, Dòng máu anh hùng... Bên cạnh đó, các phim được sử dụng ngân sách nhà nước đã được nhà làm phim rất chú ý đến yếu tố quảng bá tập trung nhiều nỗ lực hướng về số đông khán giả.

Khu vực phim tài liệu - khoa học tham dự Liên hoan phim Việt Nam 16 có 55 tác phẩm trong đó có 11 phim nhựa. Cái mới rõ nét hơn cả trong thể loại phim này là các nhà làm phim đã hướng theo cách phản ánh hiện thực theo số phận đối tượng; nghĩa là đi sâu vào những vấn đề, những con người cụ thể, đôi khi bị khuất lấp, đôi khi mang tính phản biện. Vì thế, xem chùm phim tương đối đông đảo này, ấn tượng đậm nét là các vấn đề được phản ánh luôn đụng vào thần kinh xã hội, luôn găm vào cảm xúc của người tiếp nhận những điều thú vị lẫn những suy ngẫm day dứt. Về phong cách thể hiện, số đông các tác giả phim tài liệu khoa học đã rất cố gắng hướng theo ngôn ngữ điện ảnh tài liệu hiện đại, theo đó để hình ảnh nói lên nội dung và ý tưởng là chủ yếu, lời bình chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ khi cần thiết; theo đó đưa tính truyện, đưa ngôn ngữ biểu cảm, ngôn ngữ đối thoại của nhân vật trong phim thành mạch xâu chuỗi nội dung và bố cục của bộ phim.

Ở khu vực phim hoạt hình, số lượng đơn vị tham gia đông hơn, số đầu phim cũng nhiều hơn và rất mừng là đã có những phim hoạt hình nhiều tập, phim thực hiện theo công nghệ 3D, phim được dàn dựng theo công nghệ vi tính và số hóa. Cái mới là bên cạnh các phim chủ yếu phục vụ đối tượng khán giả nhỏ tuổi đã có những phim cho người lớn; cái mới nữa là tính hài hước, dí dỏm được đặc biệt chú trọng.

Theo Ðiều lệ của Liên hoan phim Việt Nam 16 được sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thông lệ quốc tế và cũng để đáp ứng với nhiều đề xuất của công luận thì cơ cấu giải thưởng của Liên hoan phim lần này ở mỗi thể loại đều có giải Bông sen Vàng bên cạnh các giải Bông sen Bạc và Bằng khen của Ban Giám khảo. Ðiều đó có nghĩa là Liên hoan phim Việt Nam 16 chắc chắn sẽ có năm giải Bông sen Vàng trao cho các loại hình phim: phim truyện nhựa, phim truyện vi-đê-ô, phim tài liệu, phim khoa học và phim hoạt hình. Ngoài ra, trong Liên hoan phim Việt Nam 16 cũng sẽ có giải Báo chí trao cho một tác phẩm phim truyện nhựa xuất sắc do một Ban Giám khảo của giới báo chí vinh danh. Giải phim hay nhất do khán giả của Liên hoan phim bình chọn vẫn tiếp tục được duy trì với nhiều đổi mới về cung cách chiếu phim giới thiệu, về cách thức cho đoàn làm phim ra mắt giao lưu với công chúng, về thể thức lấy phiếu bình chọn.

Mọi khâu tổ chức, mọi cách thức thể hiện các hoạt động của Liên hoan phim Việt Nam 16 đều phải hướng tới sự chuyên nghiệp, vì mục đích tôn vinh những giá trị tiêu biểu mà điện ảnh Việt Nam đã đạt được từ sau Liên hoan phim Việt Nam 15 đến nay và vì một công chúng khán giả nồng nhiệt, luôn đòi hỏi sự mới mẻ, chỉn chu. Mục tiêu bao trùm là thể hiện một Liên hoan phim theo tinh thần đổi mới toàn diện, vững tin tham dự vào mọi hoạt động của điện ảnh khu vực và thế giới, trước mắt làm tiền đề cho Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ nhất được tổ chức vào cuối mùa thu năm 2010 - một sự kiện văn hóa quan trọng trong toàn bộ hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nhà văn LÊ NGỌC MINH

Phó Cục trưởng Cục điện ảnh

Phó Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan phim Việt Nam 16