Lừng danh trị rắn độc

Từ kinh nghiệm dân gian đến khoa học giải độc

Người Giám đốc đầu tiên của Trại Rắn Đồng Tâm là Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân Trần Văn Dược thường gọi là Tư Dược. Bác sĩ Tư Dược từng có kinh nghiệm cứu người bị rắn độc cắn, khi dẫn đầu năm người đầu tiên đi xây dựng Trại Rắn Đồng Tâm ở "vành đai Bình Đức" (xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã nói một câu tâm huyết trở thành truyền thống của Trại: "Ngày trước bắt rắn hổ để giỡn chơi, để lòe mấy người yếu bóng vía, còn bây giờ phải bắt rắn thiệt, yêu quý rắn, gần gũi rắn để hiểu rắn hơn. Từ đó ta tìm cách trị nọc rắn, cứu người”.

Thời chiến tranh, nhiệm vụ của bác sĩ Tư Dược là cứu chữa cho thương binh, kinh nghiệm trị rắn độc chỉ là "tay ngang". Khi xây dựng Trại Rắn Đồng Tâm, ông thấy cần phải tập trung khai thác kinh nghiệm dân gian trong các "thầy rắn" để trở thành chuyên nghiệp. Thầy Năm ở Long An, thầy Bảy ở rừng U Minh, thầy Hai giữa Đồng Tháp Mười và nhiều người khác ở Mũi Cà Mau, đều được cán bộ Trại Rắn Đồng Tâm tìm gặp và mời về để "đàm đạo”. Nhờ thế mà kinh nghiệm dồi dào, năm đầu tiên thành lập, Trại Rắn Đồng Tâm đã cứu sống hơn 70 người bị rắn độc cắn.

Bác sĩ Trần Văn Hoàng, Phó giám đốc kiêm Trưởng Khoa cấp cứu và Điều trị rắn độc cắn của Trại Rắn Đồng Tâm cho biết: "Việc trị rắn độc cắn ở Trại Rắn Đồng Tâm có ba giai đoạn. Giai đoạn 1977-1987 trị bằng kinh nghiệm dân gian gọi là khai thác vốn y học cổ truyền. Giai đoạn 1988 - 1994, đông tây y kết hợp. Từ 1995 đến nay, nghiên cứu và ứng dụng khoa học chống độc".

Trị rắn độc bằng kinh nghiệm dân gian có nhiều hạn chế. Thứ nhất là mỗi "thầy rắn" thường chỉ có một bài thuốc chữa cho nhiều loại rắn độc cắn (Việt Nam có khoảng 10 loài rắn độc sống trên cạn) nên hiệu quả không cao. Nhất là khi bị vết cắn sâu, lượng nọc độc nhiều, dù có cứu sống người thì vết thương khó lành, nhiều người bị liệt từng bộ phận hoặc toàn thân. Đặc biệt, các bài thuốc đông y hầu hết bó tay khi người bị rắn độc cắn đã suy hô hấp, trụy tim mạch, ngừng thở.

Giám đốc trại rắn Đồng Tâm
Nguyễn Danh Sinh.

Trị rắn độc cắn bằng phương pháp đông tây y kết hợp ở Trại Rắn Đồng Tâm đánh dấu sự thành công bằng đề tài nghiên cứu được Hội đồng khoa học Bộ Quốc phòng nghiệm thu và đánh giá xuất sắc vào ngày 22-11-1999. Đề tài do Giám đốc Trại Rắn Đồng Tâm Nguyễn Danh Sinh làm Chủ nhiệm và bác sĩ Trần Văn Hoàng làm Thư ký. Lần đầu tiên, xây dựng được quy trình bào chế viên thuốc trị rắn độc cắn từ cây kim vàng, tên khoa học là Barleria Lupulina Lindl. Tuy nhiên, khi điều trị cho người bị rắn độc cắn được kết hợp với tiêm Chymotryprin để thủy phân những protein có trong nọc rắn, làm mất độc tính của chúng. Song song, tiêm kháng sinh chống nhiễm khuẩn SAT, các vitamin nâng cao thể trạng, bù dịch nước điện giải. Phương pháp này đạt kết quả hơn so với chỉ dùng thuốc đông y bởi giải độc nhanh, phục hồi sức khỏe cho người bệnh tốt hơn và hạn chế các di chứng.

Tuy nhiên, trị rắn độc bằng phương pháp hồi sức cấp cứu và chống độc là tiên tiến nhất hiện nay. Đó là dùng huyết thanh kháng nọc rắn. Nói chung, khi bị nhiễm độc, cơ thể con người sẽ tiết ra chất chống lại chất độc ấy. Song trước độc tố của nọc rắn quá mạnh, cơ chế miễn dịch của con người không thể chống đỡ nổi, nhất là trong thời gian khẩn cấp, với nọc rắn hổ thì thần kinh con người sẽ bị tê liệt còn với một số loài rắn lục thì máu con người sẽ bị nhiễm trùng, chỉ thời gian ngắn có thể dẫn tới tử vong. Lúc đó, nếu kịp thời có thuốc trợ giúp cơ thể giải độc thì tai họa có thể đi qua, y học hiện đại gọi là miễn dịch thụ động.

Trại Rắn Đồng Tâm đã kết hợp với Viện Vacxin và Các chế phẩm sinh học của Bộ Y tế ở Nha Trang điều chế được huyết thanh kháng nọc rắn từ ngựa. Quy trình điều chế đã thành công và sản phẩm được lưu hành từ năm 2002. Viện Vacxin và Các chế phẩm sinh học có Trại chăn nuôi Động vật thí nghiệm ở Suối Dầu (huyện Lâm Khánh, tỉnh Khánh Hòa) với hơn 300 con ngựa và việc nghiên cứu điều chế huyết thanh kháng nọc rắn được tiến hành ở đây. Ông Trần Văn Tửu, Trưởng trại chăn nuôi Động vật thí nghiệm cho biết quy trình sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn như sau: Nọc rắn độc lấy từ Trại Rắn Đồng Tâm được tiêm 7- 8 mũi vào một con ngựa, sau 70 ngày kiểm tra máu của ngựa thấy kháng thể chống nọc rắn ở mức đủ nhiều thì sẽ lấy máu của ngựa để thu hồi huyết thanh. Huyết thanh có kháng thể với nọc rắn độc này được tinh chế trong phòng đặc biệt để lấy kháng thể đặc hiệu, đó chính là huyết thanh kháng nọc rắn độc.

Giám đốc Trại Rắn Đồng Tâm, đại tá Nguyễn Danh Sinh cho biết: Một loại huyết thanh như thế chỉ giải độc được với một loại rắn độc. Tức là, với rắn hổ, rắn lục, rắn cạp nong sẽ có riêng từng loại huyết thanh giải nọc độc của chúng. Phương pháp giải độc bằng huyết thanh kháng nọc có tác dụng nhanh và hiệu quả cao khi kết hợp với các biện pháp cấp cứu hồi sức sẽ giúp người bị rắn độc cắn phục hồi sức khỏe nhanh, ít bị di chứng nặng nề như hai phương pháp ban đầu. Người bị rắn độc cắn khi đưa đến Trại Rắn Đồng Tâm, bác sĩ xem vết cắn sẽ biết loại rắn độc nào đã cắn và sử dụng loại huyết thanh thích hợp.

Ông Nguyễn Danh Sinh nói thêm: "Người bị rắn độc cắn đem đến Trại Rắn Đồng Tâm, dù đã ngừng thở mà tim còn đập là còn cứu sống. Mỗi năm Trại Rắn Đồng Tâm cấp cứu hàng trăm người bị rắn độc cắn và 5 năm nay không có người nào bị chết, việc điều trị hoàn toàn miễn phí".

Bảo tồn rắn độc để phục vụ con người

Lấy nọc độc của rắn.

Nọc của rắn độc cực kỳ nguy hiểm với con người. Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 30.000-40.000 người chết vì rắn độc cắn. Trong đó, nhiều nhất là châu Á với khoảng 25.000 đến 35.000 người. Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều rắn độc và nhiều người bị rắn độc cắn. Riêng Trại Rắn Đồng Tâm như trên đã nói, mỗi năm cấp cứu 200-230 người bị rắn độc cắn.

Bởi rắn độc nguy hiểm nên bị tiêu diệt mọi nơi không thương tiếc và rắn độc đang có nguy cơ tiệt chủng. Việt Nam đã triển khai "Chương trình bảo tồn quỹ gien quốc gia", trong đó riêng Bộ Quốc phòng có bốn đơn vị tham gia với các đề tài cụ thể và Trại Rắn Đồng Tâm thực hiện đề tài "Nghiên cứu bảo tồn các loại động vật quý hiếm hoang dã trên cạn làm dược liệu để cân bằng sinh thái môi trường" từ năm 1999, chủ yếu nghiên cứu bảo tồn các loài rắn độc (ba đơn vị còn lại của Bộ Quốc phòng là: Viện Y học cổ truyền Trung ương và Học viện Quân y nghiên cứu bảo tồn dược liệu; Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga bảo tồn động vật quý hiếm dưới nước).

Trại Rắn Đồng Tâm đang bảo tồn được nguyên vẹn các tố chất của rắn độc với khoảng 1.000 con rắn độc nuôi ở môi trường tự nhiên hoặc bán tự nhiên. Đặc biệt, Trại Rắn Đồng Tâm đã nghiên cứu sinh lý sinh thái, làm chủ được quy trình nuôi rắn độc phối giống, đẻ trứng, ấp nở rắn con và nuôi chúng lớn lên. Trước đây, việc nhân giống đàn rắn hổ, cho rắn đẻ chỉ làm phần ngọn: Kiếm rắn hoang dã có chửa đem về nuôi để chúng đẻ trứng, nở con. Những năm gần đây, Trại Rắn  Đồng Tâm nuôi rắn đực và rắn cái đến tuổi động dục cho chúng giao phối thụ tinh rồi chăm sóc cho rắn cái đẻ. Sau đẻ, tách hẳn rắn con khỏi rắn bố mẹ để tránh "bố mẹ nuốt con" thường gặp ở loài rắn.

Thành công của Trại Rắn Đồng Tâm còn ở chỗ thuần hóa rắn hổ, rắn mai gầm, làm cho chúng bớt hung dữ mà vẫn giữ được các tính chất lý hóa của chúng. Hiện Trại  Rắn Đồng Tâm có rất nhiều loại rắn độc và rắn không độc, bên cạnh còn có trăn và nhiều loại động vật hoang dã khác làm nên một bộ sưu  tập "con thuốc" phong phú...

Gọi là "con thuốc" bởi Trại Rắn Đồng Tâm đã nghiên cứu điều chế được 10 loại thuốc quý từ các con vật nuôi ấy. Trong đó có 5 loại chủ lực rất điển hình là: Nọc rắn, kem Cobratox, rượu rắn, cao trăn, mật ong. Nọc rắn có giá từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/gram, Trại  Rắn Đồng Tâm khai thác mỗi năm khoảng 150 gram để bán cho các đơn vị nghiên cứu khoa học. Kem Cobratox điều chế từ nọc rắn là loại thuốc xoa bóp chống đau nhức xương, cơ. Rượu rắn mỗi năm sản xuất gần 10.000 lít, cao trăn mỗi năm khoảng ba tạ và mật ong mỗi năm khoảng bảy tấn. Trại Rắn Đồng Tâm có Xưởng sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới.

Rượu ngâm rắn độc là một sản phẩm sáng tạo điển hình của Trại Rắn Đồng Tâm. Trước đây, nhiều nhà khoa học phản đối việc ngâm rượu rắn độc nguyên con, theo họ phải chặt bỏ đầu để loại bỏ nọc độc, đề phòng người uống ngộ độc. Các cán bộ ở Trại Rắn Đồng Tâm lại theo kinh nghiệm dân gian, bảo vệ quan điểm ngâm cả nọc độc rắn để tăng cường hiệu quả bồi bổ sức khỏe của rượu rắn. Kết quả nghiên cứu cho thấy nọc rắn độc khi ngâm vào rượu 30 – 40 độ cồn sẽ bị vón cứng lại khó hòa tan nên không gây ngộ độc cho người uống.

Hiện nay, Trại Rắn Đồng Tâm đang nghiên cứu bào chế thuốc chống lạnh từ nọc rắn độc và một số dược liệu để phục vụ cho bộ đội và những người phải dầm mình nhiều trong nước, trong mưa hoặc sương gió. Bước nghiên cứu đã thành công và Bộ Quốc phòng đang cho phép triển khai giai đoạn xây dựng quy trình sản xuất.

Thành công nổi bật của Trại Rắn Đồng Tâm để trở nên lừng danh trong và ngoài nước là đưa con rắn độc trở nên gần gũi với con người ở việc nuôi "bán tự nhiên" phục vụ du khách. Việc làm này vừa đạt mục tiêu bảo tồn gien rắn độc vừa đem chúng vào "làm kinh tế”, cho nó tự nuôi nó mà tránh nguy cơ tuyệt chủng. Mỗi năm, doanh thu du lịch của Trại Rắn Đồng Tâm gần 2,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Danh Sinh sinh ra ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, vào đồng bằng sông Cửu Long từ hồi chiến tranh và ông tâm sự: Lúc đầu rất sợ rắn. Chẳng ai ngờ, sau này ông lại làm Giám đốc Trại Rắn Đồng Tâm lâu nhất, đã 13 năm và còn tiếp tục, trở thành "người bạn của rắn độc".

Ông tâm sự: "Trị rắn độc là một vấn đề khoa học. Muốn trị rắn phải biết sâu về sinh lý sinh thái của rắn. Khi sờ vào con rắn nên sờ vào điểm nào, vùng nào để làm cho rắn dễ chịu, không bị kích thích, giảm tính hung dữ... tất cả đều phải nghiên cứu, phải học, phải thực nghiệm, phải học thực tiễn". Trại Rắn Đồng Tâm hiện có hơn 60 người, ai cũng có thể "chơi" với rắn độc.