Bài học văn hóa từ thời đại các vua Hùng

Lễ hội Ðền Hùng truyền thống 10-3 âm lịch là cuộc Giỗ Tổ và vui hội lớn nhất trong năm. Lễ có cuộc tế long trọng đầy đủ nghi thức ở cấp quốc gia, diễn ra ở các đền. Các vị chủ trì hằng năm là người đại diện cho vua, cho Nhà nước.

Nghi thức cũng đầy đủ các tiết mục, các quy phạm như các lễ quốc tế. Lễ vật là "tam sinh": lợn, bò, dê, mỗi thứ một con để nguyên. Bắt buộc phải có bánh chưng, bánh dày mới đầy đủ ý nghĩa tưởng niệm. Nhạc khí chủ yếu được dùng là trống đồng, tiếng trống ngân nga luôn luôn gây niềm xúc động. Nay, ta hãy coi trọng lễ tiết và lễ vật như thế: rất bình dị, chân thành, không hào nhoáng, bởi hào nhoáng không thể hiện được tấm lòng thành kính.

Tiếp theo phần lễ là phần hội. Trước hết là rước cỗ chay, rước bánh chưng. Ðây là cuộc rước độc đáo, chỉ có ở Ðền Hùng. Không phải chỉ để tưởng nhớ Lang Liêu, mà còn để nhớ cả mười tám chi vua, cả các vị Thánh như Thánh Tản, Thánh Gióng. Lại có cả cuộc rước voi. Các cụ bảo rằng trước đây là những đoàn voi thực kéo đi diễu hành. Voi tiêu biểu cho sức mạnh hào hùng.

Cuối cùng là rước kiệu bay. Các làng chung quanh núi Nghĩa Lĩnh cũng đem những kiệu của làng, cờ quạt nhiều mầu sắc, từ các ngả rước về đền Hạ, chạy quanh sân đền. Ý nghĩa cuộc rước này là cháu con xa gần cùng về lễ Tổ. Kiệu các làng trong vùng đại diện cho các làng trong cả nước. Rõ ràng trong tâm thức nhân dân, mọi sáng kiến hành động của lễ hội đều có chủ đích hẳn hoi: Một tinh thần hướng về cội nguồn thường trực. Các hành động sáng kiến của chúng ta hôm nay có thể hiện được chủ đề tập trung ấy hay chăng?

Cùng với những cuộc rước này là các trò vui, các cuộc chơi của các địa phương chung quanh Ðền Hùng, góp vào không khí tưng bừng của lễ hội. Trên hồ Ðá Vao, cạnh chân núi Nghĩa, là cuộc thi bơi của những đội thuyền rồng. Quanh bờ hồ, bên sườn núi dọc hai bên đường là những cây đu tiên, những cuộc tung còn của các trai thanh gái lịch sau có thêm các rạp tuồng, chèo.

Những phường xoan của nhiều nơi về tổ chức hát xoan, một điệu dân ca riêng của vùng đất Tổ. Còn có những cuộc trình bày các tiết mục đặc biệt của các dân tộc Mường ở gần đó như tung còn, đâm đuống. Nhiều người dân xa gần cũng kéo đến mở những quán ăn, quán hàng.

Giờ đây, cái không khí (chơi đùa và buôn bán) này rầm rộ hơn, nhưng hãy lưu ý tránh quá đà thành nhộn nhạo. Lễ hội Ðền Hùng không phải nhằm kiếm lợi (cả trong giao lưu và trong tổ chức). Lễ hội Ðền Hùng là cả một cuộc hành hương trở về cội nguồn dân tộc và cũng là một biểu trưng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Tôn lên ý nghĩa ấy mới thực sự là văn hóa.

Trong cuộc sống tâm linh của người dân, nhất là người dân Bắc Bộ, không những các Vua Hùng là tổ tiên khai sáng cả quốc gia dân tộc, mà các vị đó còn là người khai sáng ra cả những làng quê chôn rau cắt rốn của người dân quê nữa. Họ đã tôn thờ các vị ấy làm những thành hoàng.

Tinh thần của ngày mồng 10 tháng 3 là ở trong cả nước chứ không riêng gì ở vùng đất Tổ. Tình hình này được thấy ở nhiều nơi: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên và cả Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (gần đây có ở nhiều tỉnh trong nam).

Chỉ xin đưa ra đây một vài trường hợp. Ở Bắc Giang, Bắc Ninh, tại những dải đất dọc theo các dòng sông như sông Ðuống, sông Dâu, hệ thống thành hoàng ở đây thật là xúc động. Tại xã như xã Á Lữ, huyện Thuận Thành, người ta thờ cả Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ làm thành hoàng.

Lăng Kinh Dương Vương nay vẫn còn, có bức hoành phi đề chữ: "Nam bang thủy tổ". Hằng năm, từ ngày 18 đến 24 tháng Giêng, làng mở hội nghênh tế cả ba vị: cha, con trai và con dâu. Hội có lễ phục  ruộc (từ cổ có nghĩa là rước nước), có tế nữ quan, vì cần có nữ quan đi theo kiệu của Âu Cơ. Không chỉ là thành hoàng của xã, Lạc Long Quân còn là thành hoàng của từng thôn như các thôn Ngọc Khám, Ðình Cự (xã Gia Ðông) Bình Ngô, Yên Ngô, Nghi Khúc, Thượng Vũ (xã An Bình), Ngọc Xuyên, Ðoan Bái, Ðại Bái (xã Ðại Bái).

Có những làng mở hội tập trung với nhau, như bốn thôn: Bình Ngô, Yên Ngô, Nghi Khúc, Thượng Vũ đều vào hội, gọi là "hội tứ xã". Có nhiều trò diễn chưa cắt nghĩa được xuất xứ, nhưng đều nhằm để tế Lạc Long Quân như trò rồng lột (làng Ngọc Xuyên), trò bạch kê (làng Ðại Bái).

Những điều ghi trong sách Lĩnh Nam chích quái, chỉ cho biết 50 người con theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên núi, chứ không chỉ rõ họ đi về phương nào.

Dân ta xưa cụ thể hơn nhiều, họ tin rằng những người con ấy đi về từng đơn vị xóm thôn để khai hoang lập ấp và đã trở thành thành hoàng của quê hương họ. Chẳng hạn như người con thứ hai về lập làng Trí Quả ( tục gọi là Kẻ Chả) trên bờ sông Dâu. Bài vị ông ghi rõ là "Ðệ nhị nam Lạc Long Quân", còn gọi là Ðệ nhị Thủy Vương.

Vì ông là vua nước, nên khi cúng tế ông, dân làng phải kiêng không được ăn cá chuối và cá chép, nếu ăn vào, khi hát sẽ hát không nên lời. Ông con trai thứ ba: Ðệ tam nam Lạc Long Quân, về lập làng Cổ Giang (Gia Lâm), cũng được tôn là Hùng triều nhất vị thủy thần có công khai sáng giúp nước giúp dân. Lễ cúng ông chỉ cần ba đĩa xôi, ba đĩa bỏng nếp...

Cứ như thế, ta còn thấy ở xã Phú Mỹ thờ người con thứ 37 của Lạc Long Quân. Thần phả nói rằng ông được cha giao cho khai khẩn vùng Quảng Hóa, nên còn được tôn là Quảng Hóa đại vương.

Tất nhiên, Lạc Long Quân nhiều con quá, mà con nào cũng trưởng thành, đến độ không phân biệt được thứ bậc, nên dân làng khi tôn hiệu Thành hoàng chỉ có thể gọi bằng: "Lạc thị Lạc Long Quân đại vương" mà thôi. Thí dụ như trường hợp của ba làng Ðại Mão, Ðông Miếu, Thụy Mão, công lao của các ông là đã tham gia chiến đấu, bảo vệ ngay mảnh đất làng nên dân làng biết ơn mà thờ phụng.

Ðấy là trường hợp của cha và các con trai Lạc Long Quân. Còn mẹ và các con gái nữa. Sách Lĩnh Nam chích quái không cho biết ông bà Lạc Long Quân có bao nhiêu con gái. Trong cái bọc trăm trứng kia, nở ra mấy trai mấy gái?

Người dân không muốn có sự mơ hồ này, nên mới cho ta biết là bà Âu Cơ có nhiều con gái, phần đông có tài chế ra các thứ bánh.

Ở Bắc Ninh, nhiều làng ghi được thần phả hoặc có truyền thuyết về các bà, cho biết họ đều là con gái của Âu Cơ. Ðấy là cả một hệ thống nữ thần như: Bà Chúa Dâu (dậy dân trồng dâu, nuôi tằm), là Chằm Chỉ (làng Ðại Trạch) dạy xe tơ, xe chỉ.

Có những bà như bà Thành hoàng xã Hoài Thượng ở ven sông Ðuống. Bà được xem là chị ruột của ba vị thần Bách Noãn (trăm trứng) ở thôn Ðông Miếu, đã chết cùng ba em trong một ngày chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Ở xã Vạn Linh có bà Hồng Thị, cùng chị em với các thần Bách Noãn. Bà lại có hai đứa con, gọi Âu Cơ là bà ngoại, gọi Hùng Vương bằng cậu. Ba mẹ con bà có công tát sông chống hạn.

Lễ rước nước ở xã này buộc phải đưa kiệu xuống thuyền ra giữa dòng sông Ðuống quay ba vòng để múc nước vào chóe, đem về đình, một cách tôn vinh nữ thần tát sông.

Rõ ràng là cái ý nghĩa đại gia đình hay đúng hơn là ý nghĩa đồng bào, ý nghĩa trăm trứng trong tâm thức của người dân Việt thật là sâu sắc. Bài học văn hóa của thời đại Hùng Vương chính ở chỗ này.

Trong trí tưởng tượng thô sơ của người bình dân mộc mạc, câu chuyện trăm trứng là chuyện có thực, vua Hùng trong quá khứ hay hiện tại là một gia đình đầu tiên giữ nước và dựng nước. Cúng lễ các ngài để ôn lại và tôn vinh trang sử mà người dân cho là rất thực.

Các nhà khoa học bàn đến câu chuyện có hay không thời đại Hùng Vương, chứ người dân thì đã khẳng định là sự thật từ bao đời một cách hồn nhiên, nhưng rất thiêng liêng. Ông bà cha mẹ, anh chị em Vua Hùng cũng là ông bà, cha mẹ, anh chị em của chúng ta hôm nay. Những hình thức tế lễ hay văn nghệ hôm nay, kể cả việc tổ chức du lịch, lập các trung tâm vui chơi, dịch vụ, dựng khách sạn, mở cửa hàng, v.v. có bao nhiêu khuynh hướng thể hiện được tâm thức ấy?