Là một trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu của TP Hồ Chí Minh, ngành sản xuất hóa dược, cao-su, nhựa có nhiều biến động và tốc độ tăng trưởng thấp nhất, phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu và có xu hướng di dời về các tỉnh lân cận do đây là ngành sản xuất có thể gây ô nhiễm môi trường. Tỷ trọng đóng góp của ngành giảm từ 17% năm 2013, đến nay còn khoảng 15,75% trong ngành công nghiệp. Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phương Đông, ngành hóa dược, cao-su, nhựa có tốc độ tăng trưởng bình quân sản xuất công nghiệp giai đoạn 2015 - 2019 chỉ đạt 1,87%/năm. Nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm của phân ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất vì có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, nhất là ngành hóa chất cơ bản, sản xuất phân bón. Cụ thể, trong thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) lớn di dời khỏi thành phố, đến đầu tư các địa phương khác, như: Công ty cổ phần phân bón Bình Điền chuyển đến đầu tư tại tỉnh Bình Dương, Công ty TNHH Sơn KOVA chuyển về tỉnh Đồng Nai... Sản phẩm của ngành hóa dược, cao-su, nhựa chủ yếu tiêu thụ thị trường trong nước, với khoảng 92% doanh thu. Số lượng DN ngành này trong giai đoạn 2015-2019 bình quân chỉ tăng hơn 8% năm, thấp hơn tốc độ tăng bình quân toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo của thành phố (bình quân toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo của thành phố tăng 9,24%).
Trong cơ cấu ngành hóa dược, cao-su, nhựa, phân ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất chiếm tỷ trọng 40,39% trong toàn ngành và chiếm 5,78% toàn ngành công nghiệp thành phố. Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trung bình giai đoạn 2015 - 2019 của phân ngành này chỉ tăng 2,89%, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng là 5,94% trong ngành hóa dược, cao-su, nhựa. Đây là phân ngành sản xuất có tốc độ tăng trưởng khá thấp, đồng thời cũng là phân ngành có khả năng gây ô nhiễm môi trường cho nên xu hướng dịch chuyển về các tỉnh lân cận. Phân ngành sản xuất sản phẩm từ cao-su và plastic (nhựa), chiếm tỷ trọng 50,65% trong ngành hóa chất nhựa, cao-su và chiếm 7,98% toàn ngành công nghiệp thành phố. Giá trị gia tăng của phân ngành này chiếm tỷ trọng 53% trong ngành hóa dược, cao-su, nhựa, chiếm 7,39% ngành công nghiệp thành phố, ngành đem lại giá trị gia tăng cao nhất so với các ngành cấp hai khác.
Cho rằng thành phố còn nhiều tiềm năng để phân ngành sản xuất sản phẩm từ cao-su, nhựa trở thành sản phẩm chủ lực, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội cao-su, nhựa TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện, có từ 70 đến 80% các công ty nhựa, cao-su lớn có trụ sở chính và xưởng sản xuất tại thành phố và vùng lân cận. Đặc biệt, ngành nhựa có tốc độ phát triển cao, mức tiêu thụ trên đầu người còn thấp so với thế giới, đồng thời sản phẩm có tính bền vững và chiếm lĩnh thị trường trong nước. Để tiếp tục phát triển sản phẩm cao-su, nhựa là sản phẩm chủ lực, thành phố cần tiếp tục chính sách kích cầu đầu tư, tạo thuận lợi về mặt bằng để tạo các chuỗi sản xuất, cung ứng. Khuyến khích tạo điều kiện cho ngành bao bì nhựa (chiếm tỷ trọng cao nhất trong ngành nhựa 40%), nhựa trong xây dựng (chiếm 20%), ngành cao-su kỹ thuật phát triển theo hướng chuyển đổi sang công nghiệp 4.0 để giảm lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Cao-su Thống Nhất (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh), một trong những thách thức mà các DN thuộc phân ngành sản xuất sản phẩm từ cao-su, nhựa đối mặt là chịu sức ép cạnh tranh từ các sản phẩm nước ngoài. Các công ty nước ngoài sản xuất theo chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi DN trong nước sản xuất đơn lẻ, không kết hợp tạo ra cụm sản phẩm, chậm đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc để đáp ứng xu thế thân thiện với môi trường… Do đó, các DN cần phải khắc phục những hạn chế nêu trên để tăng sức cạnh tranh ở thị phần trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.
Trong chiến lược phát triển ngành hóa dược, cao-su, nhựa, Sở Công thương thành phố nhận định, phân ngành cao-su, nhựa tăng trưởng không cao về chỉ số IIP nhưng có cơ cấu giá trị gia tăng khá lớn trong toàn ngành công nghiệp, do đó, trong thời gian tới cần tiếp tục phát triển. Một số sản phẩm tiêu biểu của ngành là nhựa bao bì đa lớp; nhựa gia dụng; nhựa xây dựng - giao thông; săm lốp xe; cao-su kỹ thuật... Các sản phẩm này là thế mạnh của các DN cao-su, nhựa thành phố, riêng các sản phẩm về ngành nhựa của thành phố chiếm 80% sản lượng cả nước và đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Ngoài ra, Sở Công thương thành phố phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ và ưu đãi đầu tư vào ngành hóa dược, cao-su, nhựa theo hướng công nghệ cao để hỗ trợ DN đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm...